Đưa nhạc dân tộc vào lớp học

Nhằm giúp HS có cơ hội tìm hiểu về loại hình nghệ thuật âm nhạc dân tộc, thời gian qua Trường THPT Phạm Phú Thứ (Quận 6, TPHCM) tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa với các chuyên đề như cải lương, quan họ… cho học trò tham gia. Đầu năm học 2020 - 2021, trường tổ chức chuyên đề 'Đưa âm nhạc dân tộc vào học đường'; đồng thời thành lập câu lạc bộ (CLB) Âm nhạc dân tộc do tổ Ngữ văn khởi xướng.

 HS Trường THPT Phạm Phú Thứ tìm hiểu các nhạc cụ dân tộc ở kệ trưng bày tại chuyên đề ngoại khóa. Ảnh: P.Nga

HS Trường THPT Phạm Phú Thứ tìm hiểu các nhạc cụ dân tộc ở kệ trưng bày tại chuyên đề ngoại khóa. Ảnh: P.Nga

Học sinh hào hứng tham gia

Chuyên đề “Đưa âm nhạc dân tộc vào học đường” với sự phối hợp, hỗ trợ của CLB Âm nhạc Trúc Mai do NSƯT Ngô Tuyết Mai dẫn dắt mang đến cho HS Trường Phạm Phú Thứ một không gian âm nhạc dân tộc với nhiều cảm xúc.

HS vô cùng hào hứng khi được lắng nghe những tiết mục như Đi cấy, Lý cây đa… với màn trình diễn từ các nhạc cụ dân tộc của các nghệ sĩ đến từ CLB Âm nhạc Trúc Mai. Song song với giai điệu dân ca, NSƯT Tuyết Mai đồng thời thông tin cho HS về các nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, sáo trúc, đàn tranh, đàn cò, đàn tam thập lục… “Ban nhạc vừa trình diễn bài dân ca nào các em có biết không? Đây là cây đàn gì? Có bạn nào biết không? Vậy các em có biết nguồn gốc và cách chơi của đàn này không?”, NSƯT Tuyết Mai liên tục đặt ra các câu hỏi để giao lưu với HS.

Sau khi tìm hiểu các loại nhạc cụ dân tộc, HS của trường hứng thú khi được trải nghiệm chơi đàn T’rưng do NSƯT Tuyết Mai hướng dẫn. Bên cạnh đó, tại chuyên đề ngoại khóa, các em cũng có thêm kênh để tìm hiểu các loại nhạc cụ dân tộc kèm theo các tài liệu giới thiệu về từng nhạc cụ được GV tổ Ngữ văn chuẩn bị tại kệ trưng bày.

Em Huỳnh Nguyễn Ngọc Kỳ Duyên, lớp 10A14, Trường THPT Phạm Phú Thứ, một trong ba HS chơi thử đàn T’rưng chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em chơi loại đàn này, thấy vô cùng thú vị và không quá khó để ghi nhớ các nốt nhạc. Tuy nhiên để chơi được nhiều giai điệu, em phải thật yêu thích và dành thời gian tìm hiểu, tập luyện. Qua buổi ngoại khóa, em dự định sẽ tham gia CLB Âm nhạc dân tộc”.

Lần đầu tham gia ngoại khóa về Âm nhạc dân tộc, từ đó biết thêm các loại nhạc cụ dân tộc, em Mai Xuân Quí, lớp 10A7 cho biết: “Không chỉ đơn thuần là tìm hiểu các nhạc cụ, âm nhạc dân tộc, chúng em hiểu rõ hơn về loại hình này và có trách nhiệm gìn giữ nét văn hóa truyền thống dân tộc cũng như lan tỏa đến mọi người xung quanh”.

Mong muốn lan tỏa sâu rộng hơn

HS Trường THPT Phạm Phú Thứ học chơi đàn T’rưng dưới sự hướng dẫn của NSƯT Tuyết Mai tại chuyên đề ngoại khóa sáng 16/9. Ảnh: P.Nga

HS Trường THPT Phạm Phú Thứ học chơi đàn T’rưng dưới sự hướng dẫn của NSƯT Tuyết Mai tại chuyên đề ngoại khóa sáng 16/9. Ảnh: P.Nga

Thầy Nguyễn Đức Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ cho biết: Chương trình ngoại khóa về Âm nhạc dân tộc được nhà trường tổ chức thường niên nhằm giới thiệu, giúp các em cơ hội tìm hiểu cũng như yêu thích loại hình nghệ thuật âm nhạc dân tộc.

Năm nay, song song với hoạt động ngoại khóa này, nhà trường thành lập CLB Âm nhạc dân tộc để tạo sân chơi, môi trường cho những HS muốn tìm hiểu âm nhạc dân tộc, yêu thích cũng như có sở trường tham gia, phát triển thêm. Từ đó giúp các em hiểu sâu hơn về âm nhạc dân tộc, khơi gợi niềm yêu thích cũng như gìn giữ và phát huy.

CLB Âm nhạc dân tộc sẽ sinh hoạt theo chủ đề qua từng tháng với sự tham gia của HS, GV tổ Ngữ văn và những nghệ sĩ khách mời. Là một trong những nghệ sĩ được Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM lựa chọn, giao trách nhiệm để đồng hành cùng dự án “Đưa âm nhạc dân tộc đến với học đường”, NSƯT Tuyết Mai chia sẻ: CLB Âm nhạc Trúc Mai đã có mặt tại 15 trường trên địa bàn thành phố để cùng tổ chức các chuyên đề.

Các tiết mục của nhóm đều nhận được sự đón nhận rất nhiệt thành từ phía các thầy cô giáo và HS. Sự chào đón nhiệt tình của thầy trò là động lực để các nghệ sĩ tìm tòi, xây dựng tiết mục mới, phù hợp với môi trường học đường, lứa tuổi thanh thiếu niên. Tiếp xúc với các em, chúng tôi như trở về tuổi học trò. Những tiết mục trình diễn của chúng tôi tại trường học đều gửi gắm hoài bão, ước mơ tuổi trẻ nên được các em đón nhận nồng nhiệt.

“Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cơ hội để lan tỏa âm nhạc dân tộc đến với học đường. Mỗi tiết mục, lời ca hay dụng cụ được sử dụng giúp HS hiểu hơn về âm nhạc dân tộc, từ đó khơi gợi cái hay, cái đẹp của nhạc cụ, xóa định kiến âm nhạc dân tộc là buồn, chán và không có chỗ đứng trong lòng người trẻ”, NSƯT Tuyết Mai cho biết.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/dua-nhac-dan-toc-vao-lop-hoc-cH87mv5Mg.html