Đưa nông nghiệp đô thị thành xu hướng bền vững

Hà Nội hiện có khoảng 198.000 ha đất nông nghiệp. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Tuy nhiên, nông nghiệp Hà Nội lại có lợi thế lớn, khi có thị trường khoảng 10 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rất lớn.

Khách du lịch trải nghiệm hái nho tại trang trại du lịch sinh thái ở xã Vĩnh Ngọc, huyện Ðông Anh, Hà Nội. (Ảnh GIANG NAM)

Khách du lịch trải nghiệm hái nho tại trang trại du lịch sinh thái ở xã Vĩnh Ngọc, huyện Ðông Anh, Hà Nội. (Ảnh GIANG NAM)

Trong bối cảnh đó, Hà Nội tập trung phát triển nông nghiệp đô thị với các giải pháp về công nghệ, sinh thái để nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích chật hẹp, tạo không gian xanh cho đô thị, tận dụng thị trường tại chỗ, tăng thu bằng kết hợp du lịch. Ðây là chiến lược để phát triển nông nghiệp Hà Nội theo hướng bền vững.

Nông nghiệp đô thị là xu hướng phát triển của nhiều đô thị lớn trên thế giới. Không chỉ đem lại sản phẩm cụ thể, nông nghiệp đô thị còn cải tạo môi trường, nhất là với những đô thị có diện tích cây xanh còn thấp.

Lợi ích đa chiều

Xã Ðan Phượng (huyện Ðan Phượng) nằm ven sông Ðáy, vốn trước đây chủ yếu trồng lúa và hoa màu. Nhưng bây giờ, từ xa đã thấy những nhà màng, nhà lưới nối tiếp nhau trải dài trồng giống nho hạ đen. Trên những cánh đồng nho, những đoàn khách du lịch ra vào tấp nập. Khi ra về, trên tay vị khách nào cũng có một túi nho làm quà. Vườn nho Tiểu Tôm là một trong những khu vườn có tiếng. Nhiều trường học chọn đây là điểm tham quan, trải nghiệm cho học sinh.

Ông Kỳ chia sẻ: “Canh tác giống cây mới đòi hỏi nhiều công sức nghiên cứu, tìm tòi các đặc tính sinh học của cây. Khi nghiên cứu, tôi nhận thấy để đỡ phụ thuộc vào “ông trời” thì phải đầu tư. Chúng tôi đã làm màng lưới phủ kín toàn bộ diện tích trồng để tránh mưa, nắng và sương cho cây. Vườn chúng tôi canh tác hữu cơ, khách du lịch yên tâm tham quan, trải nghiệm mà không lo tác dụng phụ từ thuốc bảo vệ thực vật”, ông Kỳ cho biết thêm.

Nông nghiệp vốn là nghề chính của người dân, nhưng hiện nay, huyện Ðan Phượng chỉ còn khoảng 2.000 ha đất nông nghiệp. Bản thân Ðan Phượng cũng sẽ lên quận trong thời gian tới. Thực tế này đòi hỏi phải có những thay đổi.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ðan Phượng Nguyễn Viết Ðạt chia sẻ: “Huyện Ðan Phượng chỉ cách nội thành chưa đến 10 km, sản phẩm nông nghiệp của Ðan Phượng có thị trường chính là nội thành. Khi đất đai bị thu hẹp, chúng tôi tập trung sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, nâng cao giá trị sản xuất”.

Hiện nay, huyện chỉ còn 520 ha trồng lúa, còn lại hơn 1.300 ha đất nông nghiệp được chuyển sang sản xuất hoa, cây cảnh, cây ăn quả, rau màu chất lượng cao. Giá trị canh tác ở các vùng rau màu, hoa, cây cảnh đạt từ 300 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. Trên địa bàn có nhiều thương hiệu mạnh như: Rau hữu cơ Cuối Quý, Nho hạ đen Ðan Phượng, hoa lan hồ điệp “Flora Việt Nam”…

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội hiện có khoảng 198.000 ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên, diện tích này ngày càng bị thu hẹp nhanh chóng, nhất là các huyện sắp lên quận, hoặc gần với khu vực nội thành. Trong khi đó, tại nhiều huyện ngoại thành, nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế và giải quyết lao động. Dù có nhiều vấn đề đặt ra, nhưng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội có lợi thế là thị trường tiêu thụ lớn, với hơn 10 triệu dân của thành phố và khách vãng lai.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã giải quyết mâu thuẫn này bằng xây dựng nền nông nghiệp đô thị. Ðó không phải là một mô hình, mà là sự kết hợp tổng thể các giải pháp để thích ứng: Ðầu tư công nghệ nâng cao giá trị sản xuất, tận dụng quỹ đất, tạo ra các mô hình nông nghiệp sinh thái - hữu cơ để cải tạo môi trường… và sản phẩm đáp ứng nhu cầu của chính cư dân đô thị.

Trong đó, việc phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Ðan Phượng là điển hình. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: “Phát triển nông nghiệp đô thị thật sự là một động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của thành phố.

Với phát triển nông nghiệp đô thị, Hà Nội không chỉ giải quyết được bài toán đưa công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất, gia tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm khi quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, mà còn có thể phát triển các mô hình nông nghiệp cung ứng dịch vụ cho đô thị như: Cây xanh, thực phẩm an toàn cho khách sạn, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng… Nông nghiệp đô thị còn góp phần cải thiện môi trường sống cho cộng đồng cư dân, thúc đẩy phát triển “đô thị sinh thái”, “đô thị xanh”…”.

Ngoài huyện Ðan Phượng, các huyện: Ðông Anh, Hoài Ðức, Thanh Oai, Chương Mỹ… đều đang có những bước chuyển hết sức rõ nét trong phát triển nông nghiệp đô thị. Ðối với phát triển nông nghiệp sinh thái, huyện Ðông Anh có mô hình trồng nho tại xã Vĩnh Ngọc, trồng hoa sen, hoa súng tại xã Cổ Loa.

Cả hai mô hình đều kết hợp giữa tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, kết hợp du lịch sinh thái, tạo cảnh quan, tiêu thụ sản phẩm tại chỗ. Huyện Gia Lâm có “làng hoa giấy” ở Phù Ðổng, vừa cung cấp cây hoa để trang trí nhà cửa cho đô thị, vừa tạo cảnh quan môi trường, thu hút du lịch. Trong khi đó, làng sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín) đã nổi tiếng trên “bản đồ du lịch” là địa điểm check-in với đủ các loài hoa, cây cảnh…

Ðối với ứng dụng công nghệ cao, thành phố hiện có 285 mô hình. Trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi..., tập trung vào một số dòng sản phẩm như: Thực phẩm chất lượng cao, các sản phẩm dùng trong y học, hoa, cây cảnh… Giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Mở lối cho nông nghiệp đô thị phát triển

Xác định nông nghiệp đô thị là tất yếu trong quá trình đô thị hóa, tháng 11/2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5568/QÐ-UBND phê duyệt Ðề cương “Ðề án nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội”. Thời gian thực hiện Ðề án là giai đoạn 2024-2026 và tầm nhìn đến năm 2030. Ðề án đặt ra mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; phát huy vai trò của nông nghiệp đô thị trong hỗ trợ dịch vụ du lịch, bảo vệ môi trường.

Thành phố phấn đấu tăng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái đạt hơn 70%; đáp ứng 50% nhu cầu sản phẩm nông nghiệp của thành phố; tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm; du lịch nông nghiệp đô thị, nông nghiệp nông thôn...

Ðề án cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được các mục tiêu nêu trên. Việc ban hành riêng một đề án về nông nghiệp đô thị cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy của thành phố trong phát triển nông nghiệp và được các nhà khoa học, các địa phương đánh giá cao.

Để từng bước chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị sinh thái, huyện tiếp tục phát triển nông nghiệp theo quy hoạch; đồng thời, hỗ trợ các hộ nông dân giống, đầu tư hạ tầng, thiết bị công nghệ cao và xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương. Cùng với đó, xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói đến tiêu thụ sản phẩm...

Nguyễn Trọng Khiển, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai

Mặc dù vậy, để có thể phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, xứng tầm, vẫn còn phải tháo gỡ nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, quận Long Biên hiện nay có vùng đất bãi có chiều dài đến 7 km. Ðịnh hướng của Long Biên là phát triển du lịch sinh thái tại đất bãi để thu hút khách du lịch. Nhưng muốn phát triển được nông nghiệp đô thị phải xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, gắn với dịch vụ, du lịch để tạo giá trị gia tăng. Nhưng hiện nay, một số dự án lại chia cắt, gây khó khăn trong xây dựng hạ tầng nông nghiệp đô thị.

Quy hoạch vùng nông nghiệp của Hà Nội cần tuân thủ tiêu chí phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng nông nghiệp đô thị-sinh thái kết hợp với phát triển du lịch và chú trọng bảo vệ môi trường, gìn giữ các vành đai xanh. Ðồng thời, phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, hàng hóa lớn, chuyên canh tập trung.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Nhiều chuyên gia đề xuất, Hà Nội cần đổi mới tư duy hơn nữa, nông nghiệp không nhất thiết là trồng trọt, chăn nuôi để tạo ra sản phẩm mà còn có cách tiếp cận khác. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ðức Viên, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, với thế mạnh về con người, chất xám, nông nghiệp Hà Nội cần hướng đến cung cấp nguyên liệu, vật liệu, giống có chất lượng cao với hàm lượng “chất xám” cao cho các tỉnh lân cận; nâng cao được tính kết nối thị trường.

Thành phố cần tạo ra quỹ đất hợp lý gắn với cơ sở hạ tầng thuận lợi và môi trường sinh thái cho các thành phố vệ tinh đã quy hoạch. Ðể phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thành phố tiếp tục nghiên cứu và quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất giống, cây trồng, vật nuôi tập trung, quy mô lớn; đồng thời, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu cho thành phố bổ sung chính sách khuyến khích chuyển dịch nông nghiệp đô thị; hỗ trợ các nhóm sản phẩm chủ lực; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; phát triển dịch vụ logistics đô thị trong điều kiện xây dựng thành phố thông minh; tăng cường hợp tác liên kết kinh tế.

Ðặc biệt là triển khai các dự án cụ thể để phát triển nông nghiệp đô thị, gồm nông nghiệp ven đô và nông nghiệp nội đô... Thành phố cũng thúc đẩy chuyển đổi số, thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư những cánh đồng mẫu lớn; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị một cách hiệu quả để nâng cao giá trị nông nghiệp, khắc phục được những bất cập trong tiêu thụ nông sản.

Nguồn: BÁO NHÂN DÂN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/202409/ua-nong-nghiep-o-thi-thanh-xu-huong-ben-vung-6b20954/