Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử: Lời giải cho bài toán tiêu thụ nông sản mùa dịch
Ngày 7-8, sản phẩm chè xanh Ngọc Thúy, tiêu chuẩn OCOP 4 sao, của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) chính thức lên sàn thương mại điện tử Postmart quốc gia. Đây được coi là lời giải hữu hiệu nhất cho bài toán tiêu thụ nông sản trong thời điểm kênh bán hàng truyền thống gặp khó do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Điều này cho thấy việc tiếp cận với xu thế thương mại công nghệ số đối với nông sản tỉnh ta đã bắt đầu.
Chuyển đổi phương thức bán hàng
Dù mới lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart quốc gia, số lượng đơn đặt hàng sản phẩm chè xanh Ngọc Thúy ngày một nhiều. Ông Nguyễn Công Sử, Giám đốc Hợp tác xã phấn khởi cho biết, hợp tác xã nhận được đơn đặt hàng từ khắp các thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Chỉ tính riêng 2 ngày 8 và 9-8 (tức 2 ngày sau khi sản phẩm chính thức lên sàn giao dịch điện tử), hợp tác xã đã nhận được 15 đơn đặt hàng với số lượng từ 2 - 3 kg/đơn, thậm chí có đơn lên đến 5 kg. Ngay khi các đơn được chốt trên sàn, hợp tác xã sẽ đóng hàng gửi đường bưu điện theo đúng địa chỉ của người đặt. Với sức tiêu thụ như hiện nay, ông Sử hy vọng sẽ lấy lại đà tiêu thụ chè như thời điểm dịch bệnh Covid-19 chưa diễn biến xấu.
Dù chưa chính thức lên sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) đã chuyển đổi phương thức bán hàng thay vì trực tiếp mang sản phẩm đến đại lý, hội chợ thương mại để chào hàng mà đã đăng tải hình ảnh về sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái qua Website của hợp tác xã, các trang mạng xã hội... để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng hóa mà vẫn an toàn dịch bệnh. Ông Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc Hợp tác xã cho biết, cái lợi của kênh bán hàng qua mạng giúp ông giảm công sức, thời gian, chi phí mà lượng sản phẩm vẫn tiêu thụ ổn định. Theo ông Phố, từ đầu năm đến nay kênh bán hàng truyền thống tức là (bán trao tay) chỉ được gần 5 tạ chè khô, song bù lại kênh bán hàng qua mạng lượng hàng tiêu thụ tăng gấp 3 - 4 lần nên sản lượng chè của hợp tác xã làm ra đến đâu vẫn tiêu thụ hết đến đó.
Thông tin từ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản, thủy sản, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản đã chuyển đổi phương thức bán hàng, thay vì tập trung vào kênh bán hàng truyền thống, các hợp tác xã, doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm, kết nối bạn hàng qua nền tảng công nghệ số.
Đẩy mạnh giao thương trực tuyến
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến cuối năm 2021, nhiều loại cây ăn quả vào vụ thu hoạch, trong đó nhiều nhất là bưởi, cam. Ước tính, sản lượng bưởi đạt khoảng 30,8 nghìn tấn; cam khoảng 95 nghìn tấn, lượng sản phẩm tiêu thụ trong tỉnh chỉ chiếm 15 - 20% còn lại tiêu thụ ngoại tỉnh qua thương lái tại các chợ đầu mối: Bắc Thăng Long; Phùng Khoang; Long Biên - Hà Nội; Hòa Cường - Đà Nẵng; thành phố Hồ Chí Minh... Dự báo thời gian tới 2 sản phẩm này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tìm đầu ra.
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, lường trước được những khó khăn, ngày 7-8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bưu điện tỉnh phối hợp lập đoàn kiểm tra, đánh giá sản lượng, tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Theo đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời điểm hiện nay, một số sản phẩm cây ăn quả như thanh long, nhãn, na sản lượng không nhiều, sức tiêu thụ thị trường trong tỉnh và một số thị trường các tỉnh lân cận vẫn tương đối ổn định. Riêng đối với 2 sản phẩm bưởi, cam, Sở sẽ phối hợp với ngành Công thương, Bưu điện tỉnh làm việc hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã hoàn thiện các thủ tục, cải tiến bao bì mẫu mã, có phương án điều hành phân phối để ngay khi sản phẩm vào vụ sẽ đăng ký vào gian hàng Việt trực tuyến quốc gia trên sàn thương mại điện tử Postmart hoặc các sàn thương mại điện tử khác như: Voso.vn, Sendo.vn...
Hiện tại, Sở đã hỗ trợ thành công đưa sản phẩm chè xanh Ngọc Thúy của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart quốc gia; tiếp tục hỗ trợ Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang); Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên và Hợp tác xã nuôi ong Phong Thổ, xã An Khang (TP Tuyên Quang) để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử trong thời gian sớm nhất. Đây chính là lời giải cho bài toán tiêu thụ nông sản trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến khó lường.
Ngành Bưu điện tỉnh cam kết sẽ phối hợp với ngành liên quan, bố trí nhân lực, phương tiện, kỹ thuật đảm bảo chuỗi cung ứng từ nhận hàng, đóng gói và chuyển trao tận tay người tiêu dùng an toàn, chất lượng và nhanh nhất.
Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản, thủy sản cho rằng, bên cạnh nỗ lực của ngành, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản phải không ngừng đổi mới cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và hình ảnh doanh nghiệp; triển khai các dịch vụ chăm sóc khách hàng, dịch vụ sau bán hàng... kích cầu tiêu thụ sản phẩm; cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm, để tạo lòng tin với khách hàng. Và hơn lúc nào hết mỗi người tiêu dùng hãy ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, duy trì phát triển sản xuất và phòng chống dịch bệnh.