Đưa nông thôn tiến gần thành thị
Sau gần 4 năm triển khai, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Một số chỉ tiêu chính về đích sớm, tạo tiền đề quan trọng để Hà Nội tiến gần mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp TP.
Tiến gần mục tiêu “thành phố nông thôn mới”
Chương trình số 04-CTr/TU là một trong 10 chương trình công tác lớn, được Thành ủy Hà Nội đặc biệt quan tâm, chỉ đạo. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, chương trình vẫn được HĐND TP Hà Nội bố trí hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm để thực hiện.
Tính đến hết năm 2024, trong tổng số 33 chỉ tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU đề ra, Hà Nội đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 26 chỉ tiêu theo kế hoạch của cả giai đoạn 2021 - 2025. Một trong những kết quả đáng khích lệ, là dù có số lượng đơn vị hành chính cấp xã lớn thứ hai của cả nước, nhưng hiện tại, toàn bộ 382/382 xã của Hà Nội đều đã về đích nông thôn mới.
Toàn TP hiện cũng đã có 191 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Cùng với đó là 84 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hai chỉ số trên đều đã vượt mục tiêu kế hoạch theo Chương trình số 04-CTr/TU đề ra cho giai đoạn 2021 - 2025.
Trong tháng 12/2024 vừa qua, đoàn thẩm định nông thôn mới TP Hà Nội đã tổ chức kiểm tra thực tế, xem xét, đánh giá hồ sơ trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của 36 xã. Kết quả, hầu hết các xã đều đủ điều kiện để trình cấp có thẩm quyền công nhận về đích; qua đó giúp Chương trình số 04-CTr/TU có thêm một bước tiến dài.
Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy đặt ra là đưa TP hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2025.
Để được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp TP, Hà Nội cần đáp ứng được 8 chỉ tiêu theo quy định tại Quyết định số 321/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cho đến nay, 6/8 chỉ tiêu đã được TP hoàn thành.
2 chỉ tiêu TP đang tiếp tục phấn đấu gồm: thứ nhất, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thuộc tỉnh, TP trực thuộc T.Ư quản lý (chỉ số SIPAS) đạt từ 90% trở lên; thứ hai, có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tương ứng với 4/17 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao).
Cho đến hết năm 2024, TP đã có hai địa phương là Thanh Trì và Gia Lâm được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện nông thôn mới nâng cao”. Hai huyện khác gồm: Đông Anh, Hoài Đức đã hoàn thiện hồ sơ, hiện đang trình Bộ NN&PTNT để tiến hành họp Hội đồng nông thôn mới T.Ư cho ý kiến đánh giá, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận.
Phát triển hài hòa đô thị - nông thôn
Những kết quả tích cực đạt được đến nay của Chương trình số 04-CTr/TU đến từ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban Chỉ đạo chương trình. Cùng với đó, không thể không nhắc đến sự vào cuộc chủ động, tích cực của HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân.
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, kể từ khi Chương trình số 04-CTr/TU đi vào cuộc sống năm 2021, cho đến nay, TP đã huy động được hơn 84.000 tỷ đồng để hiện thực hóa các mục tiêu nông thôn mới. Trong số này, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước, từ các tổ chức, DN, hợp tác xã và người dân, là hơn 3.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,7% tổng nguồn lực.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU cho biết, giai đoạn vừa qua, Thành ủy đã chỉ đạo tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu. Các mục tiêu đến nay đều đang trong lộ trình về đích theo đúng kế hoạch.
Thời gian tới, các huyện, thị xã cần chủ động cân đối, bố trí ngân sách cấp huyện, cấp xã và huy động đa dạng các nguồn lực khác trên địa bàn để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; hướng tới mục tiêu xa hơn là xây dựng nông thôn mới thông minh gắn với đô thị hóa nông thôn trên địa bàn Hà Nội trong giai đoạn tiếp theo.
Liên quan đến định hướng xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy cho biết, trong những năm qua, khu vực nông thôn có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, đòi hỏi các địa phương xây dựng nông thôn mới phải song hành với phát triển đô thị. Làm sao để phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay.
Để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, tại các cuộc giao ban thường kỳ, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh yêu cầu các ban, ngành chức năng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của TP, cũng như cấp ủy Đảng, chính quyền các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch.
“Ban Chỉ đạo đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, các đơn vị liên quan tập trung thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu phụ trách trong Chương trình số 04-CTr/TU; trường hợp chậm, muộn thì các sở, ngành phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy - UBND TP Hà Nội…” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU nhấn mạnh.
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến nay trên địa bàn TP cơ bản không còn hộ nghèo; số hộ cận nghèo khu vực nông thôn giảm còn khoảng 0,43%. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân của cư dân nông thôn trong kỳ đánh giá gần nhất đạt khoảng 73 triệu đồng/người/năm.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dua-nong-thon-tien-gan-thanh-thi-812629.html