Đưa phẩm chất tỉnh thức vào sự nghiệp
Tạ Minh Tuấn (sinh năm 1988), Chủ tịch TMT Group, đồng thời là một người thực hành Phật pháp. Ngoài kinh doanh, trước đây anh còn đảm nhiệm nhiều vai trò trong các tổ chức kết nối hoạt động cộng đồng.
Năm 2011, Tạ Minh Tuấn là một trong 15 doanh nhân xã hội tiêu biểu của Việt Nam, do CSIP, British Council, The One Foundation công nhận.
Năm 2015, doanh nhân 8x này trở thành 1 trong 30 nhân vật trẻ có thành công nổi bật và ảnh hưởng nhất tại Việt Nam theo bảng đánh giá danh tiếng “30 under 30” của tạp chí Forbes. Năm 2016, Tạ Minh Tuấn cũng có mặt trong danh sách 30 under 30 Asia của Forbes Asia.
Anh từng là Chủ tịch BNI Master Chapter tại Việt Nam (tổ chức kết nối kinh doanh), Chủ tịch JCI Central Chapter tại Việt Nam (liên đoàn những nhà lãnh đạo trẻ từ 18-40 tuổi). Tạ Minh Tuấn còn là diễn giả, huấn luyện cho nhiều tổ chức như Ngân hàng ANZ, VCCI, CSIP, Khu Công nghệ cao TP.HCM, Honda, FFAV, Cô Gái Hà Lan, Yomost, Fristi, Shiseido...
Khởi chánh nghiệp - Đưa phẩm chất của Đức Phật vào sự nghiệp là cuốn sách mới của Tạ Minh Tuấn vừa được Nhà xuất bản Công Thương ấn hành.Trước đó, anh cũng là tác giả 3 cuốn sách: Trước bình minh luôn là đêm tối, Khởi nghiệp phiêu lưu ký, dành cho cộng đồng khởi nghiệp và Hành trình thức tỉnh dành cho những người thực tập chánh niệm.
Giác Ngộ đã có cuộc trò chuyện cùng Tạ Minh Tuấn về sống, khởi nghiệp, làm việc:
* Anh đã học Phật và ứng dụng vào việc học, công việc cũng như cuộc sống ra sao?
- Thật ra, trước đây tôi cũng là một con người với những thói hư tật xấu, lại kèm thêm sự tăng trưởng bản ngã, chìm đắm trong ánh hào quang, và cũng đã phạm phải nhiều sai lầm trong cuộc đời mình. Sự chuyển hóa không diễn ra một sớm một chiều, với tôi nó giống như một quá trình, hay cả một hành trình, hành trình chuyển hóa chính mình, để gột rửa dần những dấu ấn nghiệp, thuần phục dần bản ngã, và dần dần được sống với sự thật mỗi ngày…
Là một người xem trọng việc thực hành, tôi thấu hiểu tầm quan trọng của giới luật. Đối với cuộc sống hay công việc, việc giữ các giới là điều cần thiết. Vì giới sẽ bổ trợ cho định. Nhờ giữ giới tốt, mình nhập định dễ hơn, không chỉ trong thiền, mà còn có định lực mạnh mẽ trong cuộc sống và công việc đời thường. Rồi định sẽ giúp sinh tuệ. Ở đây là trí tuệ giải thoát, trí tuệ này sẽ giúp mình rất nhiều trong cách đối nhân xử thế, cách hành xử trong công việc.
Tâm tịnh thì trí minh. Tôi hành thiền mỗi ngày đều đặn trong suốt gần chục năm qua, điều đó cũng giúp mang lại óc sáng suốt, khả năng tập trung, sự sáng tạo, cải thiện hiệu suất làm việc, và giúp bảo vệ sức khỏe tinh thần khỏi những stress, áp lực do công việc mang lại.
Một trong những “cốt tủy” của Phật pháp chính là tu tập tỉnh thức, hay còn gọi là chánh niệm. Với tôi, chánh niệm chính là sống ở hiện tại, nhận biết tất cả những gì đang xảy ra ở hiện tại, ở bên trong mình.
* Đưa phẩm chất tỉnh thức vào sự nghiệp – điều này thực hiện như thế nào khi cuộc đời và nhất là việc kinh doanh, kiếm tiền vốn là cuộc chiến, như có người ví “thương trường là chiến trường”, thưa anh?
- Ngay từ khi mới khởi nghiệp, tôi chưa bao giờ tin rằng “Thương trường là chiến trường”. Vì chiến trường là cuộc chiến mất rồi. Ra chiến trường thì phải cầm súng. Cầm súng để bắn ai đây?
Trên thực tế, có những doanh nhân dù thành công, dù kiếm được nhiều tiền, nhưng đã tạo ra nhiều nghiệp quả, mà do còn vô minh nên chưa thể nhận thức được, hoặc là đã mang trong lòng quá nhiều tổn thương chưa được chữa lành, như là hậu quả của một lối sống và làm việc quá vật chất, quá “bạo lực”. Tôi nghĩ chúng ta nên chỉnh lại một chút rằng: Thương trường là cái “trường” với rất nhiều tình thương. Như vậy sẽ ổn hơn.
Chúng ta hoàn toàn có thể đi trên con đường cân bằng giữa vật chất và tinh thần. Đó là một con đường vô cùng cấp tiến. Và trên con đường đó, không thể thiếu vắng đi giá trị cốt lõi của tình thương.
* Có bao giờ anh bị thất bại hay đánh mất mình, thấy chông chênh không? Anh đã đối mặt và vượt qua nó ra sao?
- Nhiều lần lắm chứ, nhất là hồi tôi mới khởi nghiệp. Khi thì bị nhà đầu tư nắm quyền kiểm soát công ty, lúc thì kết quả kinh doanh không tốt, lại có khi phải đóng cửa cả dự án...
Cách tôi đối mặt lúc trước thì khác sau này lắm. Hồi đó mình hay sử dụng sức mạnh của tâm trí, của tinh thần, của ý chí, để vượt qua. Sau này tôi nhận ra cách làm đó dễ tạo ra nhiều sự đè nén bên trong tâm. Giống như có một ngọn núi lửa âm thầm vận hành bên trong mình chưa bao giờ được chuyển hóa. Những ký ức đó có thể tích tụ dần và dẫn đến những bi kịch trở về sau này.
Sau này, tôi thường đối diện và nhìn nhận thật kỹ nguyên nhân thất bại, nguyên nhân gốc rễ, liệu có chỗ nào chưa đúng đắn với quy luật của đất trời, bài học dành cho mình là gì, mình cần tu tâm sửa tánh ở chỗ nào, mình còn thiếu những phẩm chất gì... Khi thấu hiểu các luật tự nhiên, mình sẽ bình an hơn, vì mình tự lý giải được, do đã nhìn thấy được bức tranh lớn hơn (a bigger picture) là gì rồi.
* Một câu hỏi nhạy cảm, anh nghĩ về tiền bạc như thế nào? Có nhất thiết phải có nhiều tiền mới hạnh phúc và giúp đời được?
- Tiền bạc giống như là nguồn lực vậy thôi. Và đó không phải là nguồn lực duy nhất. Một người đã tốt sẵn rồi, thì tiền bạc chỉ làm lộ rõ những phẩm chất tốt đó ra (và cả những tính cách xấu, nếu có). Một người đã hạnh phúc rồi thì tiền bạc có thể giúp người đó hạnh phúc hơn chứ không phải tiền bạc giúp người đó hạnh phúc.
Nhưng đó cũng chỉ là hạnh phúc có điều kiện, hạnh phúc ngoài thân vậy thôi, nó chưa phải là hạnh phúc vô điều kiện, hạnh phúc đích thực từ bên trong.
Có điều, cái hạnh phúc ngoài thân đó vẫn cần thiết khi tồn tại trong chiều kích thế giới vật lý 3D mà chúng ta đang sống ngày nay. Vì không phải ai cũng đủ duyên ngay để tu tập, thực hành sâu về tâm linh, hay Phật pháp, để chạm được vào hạnh phúc tự thân ở bên trong mình.
Tiền bạc cũng không phải là nguồn lực duy nhất nên còn có nhiều nguồn lực khác mà một người có thể sử dụng để giúp người, giúp đời. Như trí tuệ, sự tử tế, thời gian, sức lực, việc phụng sự…
Tôi nghĩ điều quan trọng là mình nên có thái độ “trung đạo” với tiền. Không dính mắc vào tiền, nhưng cũng không chối bỏ vai trò của tiền.
* Vậy theo anh, hạnh phúc là gì? Anh có lời khuyên hay gợi ý nào trong việc kiến tạo hạnh phúc và tạo dựng sự nghiệp, cùng việc khởi nghiệp với những người trẻ?
- Đối với tôi, hạnh phúc là thiên tính của mỗi người. Đó là tự tính mà ai cũng có. Chúng ta đến với cuộc đời này, ai cũng có sẵn hạnh phúc như viên ngọc quý bên trong. Khi lớn lên, tích lũy nhiều ký ức, nhiều tổn thương, chúng ta vô tình xây nên một mê cung khóa chặt viên ngọc này ở sâu bên trong, mục đích để bảo vệ chính mình khỏi những tổn thương có thể trong tương lai, nhưng cũng vô tình ngăn cản chính mình có thể “chạm” được đến cái hạnh phúc tự tính đó, viên ngọc quý đó, sẵn có bên trong tâm thức của chính mình.
Nếu chúng ta ngộ ra điều này, thay vì đi tìm kiếm hạnh phúc ở bên ngoài, chúng ta chỉ cần buông bỏ đi những gì mà tâm trí ta đã thêu dệt nên để ngăn cản ta tìm thấy hạnh phúc từ bên trong. Ngay lập tức, ở khoảnh khắc đó, ta hạnh phúc. Thậm chí, ta không chỉ hạnh phúc (như một tính từ), mà ta còn trở thành hạnh phúc (như một danh từ).
Hãy khởi nghiệp chứ đừng tạo nghiệp. Hiểu đạo rồi, đừng chỉ khởi nghiệp, hãy… khởi chánh nghiệp.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/dua-pham-chat-tinh-thuc-vao-su-nghiep-post66401.html