Đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản lên một tầm cao mới
Nhận lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru và Phu nhân hôm nay (27/4) bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Ishiba Shigeru đến Việt Nam, sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và phồn vinh tại châu Á và trên thế giới vào năm 2023. Chuyến thăm là dịp để hai bên nhìn lại tiến trình hợp tác thời gian qua, đồng thời thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, tăng cường hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản trong các lĩnh vực.

Trong chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Vientiane (Lào), ngày 11/10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru. (Ảnh: TTXVN)
Cách đây 52 năm, ngày 21/9/1973, Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Kể từ đó đến nay, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản không ngừng mở rộng, phát triển tốt đẹp. Tháng 4/2002, Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”. Tháng 10/2006, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục có bước tiến mới sau khi hai bên ký Tuyên bố chung “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Với quyết tâm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện, tháng 4/2009, hai nước chính thức nâng quan hệ lên tầm “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”.
Trên nền tảng quan hệ đối tác chiến lược, trong bối cảnh tình hình quốc tế mới, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất, là cơ sở để tháng 3/2014, hai nước quyết định nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Nhân chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015, hai nước đã ra Tuyên bố về “Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản”. Và mới nhất, năm 2023, Việt Nam - Nhật Bản đã nâng cấp quan hệ lên "Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới". Đây được coi là những dấu mốc quan trọng đánh dấu những giai đoạn phát triển mới toàn diện và tốt đẹp chưa từng có của mối quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực.
Về kinh tế, tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong các quốc gia và nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam với hơn 77,7 tỷ USD Mỹ. Đáng chú ý, kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu song phương đạt gần 50 tỷ USD Mỹ, tăng gần 2 lần trong 10 năm qua.
Hiện, có khoảng 630.000 người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản. Lượng khách du lịch Nhật Bản sang Việt Nam đã lên tới 710.000 người và có khoảng 170.000 người Việt Nam đang học tiếng Nhật. Thúc đẩy các sáng kiến hợp tác song phương, chính phủ Nhật Bản đã triển khai chương trình mới “Việc làm để phát triển kỹ năng” nhằm cải thiện hơn nữa môi trường làm việc cho người lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Hai nước cũng đã quyết định hợp tác thông qua 15 dự án đầu tư của Nhật Bản vào năng lượng tái tạo, bao gồm sản xuất điện gió ngoài khơi và sản xuất điện mặt trời, với quy mô đầu tư lên tới 20 tỷ USD. Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045, Nhật Bản cam kết sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ theo hướng đáp ứng nhu cầu phát triển hơn nữa của Việt Nam.
Trên cơ sở đó, có thể thấy, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản lần này sẽ là cơ hội để lãnh đạo cấp cao hai nước củng cố hơn nữa mối quan hệ tin cậy hợp tác song phương Việt Nam - Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực; góp phần quan trọng vào sự phát triển của mỗi nước cũng như xây dựng khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, phồn vinh, thịnh vượng. Đây là tiền đề, là cơ sở và là cú hích quan trọng để quan hệ Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.