Đưa sản phẩm cơ khí tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách nào?

Ngành cơ khí đã tăng trưởng vượt bậc, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp và kinh tế phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động.

“Xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm cơ khí" là chủ đề Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan Thương vụ tại nước ngoài tháng 8/2023 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 31/8 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cơ khí là một trong những ngành công nghiệp đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là cơ khí khuôn mẫu, cơ khí công nghệ cao, máy móc thiết bị, phụ tùng…

Gần đây, ngành cơ khí đã có bước tăng trưởng vượt bậc, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp và kinh tế phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động.

Cùng đó hướng tới mục tiêu đến năm 2023, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế.

Theo ông Vũ Bá Phú, dù đã ghi nhận những kết quả tích cực trong điều hành kinh tế vĩ mô, tăng trưởng cũng như triển vọng phục hồi và xu thế của nền kinh tế những tháng vừa qua, thế nhưng, từ nay đến cuối năm, khó khăn, thách thức vẫn sẽ nhiều hơn thuận lợi, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế sẽ tiếp tục phải đón những luồng gió ngược của thế giới.

Bên cạnh đó, theo Bộ Công Thương dù dư địa thị trường của công nghiệp là rất lớn, song việc đa dạng và mở rộng thị trường với doanh nghiệp trong ngành cơ khí vẫn hết sức khó khăn do năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu và khách hàng tiềm năng biết đến.

Bởi vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành cùng với các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước, đa dạng hóa nguồn cung, đối tác, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế tại các thị trường đã có Hiệp định thương mại tự do; phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại.

Các đại biểu tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Các đại biểu tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Chỉ Sáng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho biết, mặc dù con số xuất nhập khẩu của ngành cơ khí lớn nhưng hầu hết nằm trong khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và tỷ trọng của doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn.

Thực tế cho thấy, khách hàng nước ngoài nhận diện nhiều hạn chế của doanh nghiệp cơ khí Việt Nam; trong đó, kỹ năng tìm kiếm khách hàng hạn chế. Hơn nữa, chưa có mặt hàng truyền thống; không có đại diện bán hàng theo khối và không liên kết chặt chẽ trong tìm kiếm khách hàng; ngại thay đổi quy mô sản xuất và hạn chế trong sử dụng thương mại điện tử phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Cùng đó, doanh nghiệp cạnh tranh chủ yếu bằng giá nhân công, vật tư phụ thuộc vào Trung Quốc, chưa nắm vững các điều khoản quy định về luật thương mại của một số thị trường như EU, Mỹ, châu Phi…Vì vậy, hiệp hội đề xuất Thương vụ Việt Nam ở thị trường nước ngoài hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp cơ khí trong nước, nhất là về cung cấp thông tin thị trường. Cùng đó, Bộ Công Thương cần hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong ngành với nhà mua hàng nước ngoài. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các kênh thương mại điện tử; hỗ trợ tổng hợp số liệu và nhu cầu thị trường

Theo bà Trương Thị Chí Bình – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), thị trường sản phẩm cơ khí suy giảm khoảng 20% đơn hàng, có doanh nghiệp đơn hàng suy giảm nặng hơn từ 30-40%.Thế nhưng, lĩnh vực cơ khí cũng có thêm nhiều khách hàng mới do sự dịch chuyển về sản xuất. Trong khi đó, năng lực của doanh nghiệp trong nước đã có những chuyển biến tích cực. Cùng với đó là nhiều công đoạn sản xuất doanh nghiệp Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ.

Theo bà Trương Thị Chí Bình, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UEA) được coi là thị trường tiềm năng của sản phẩm cơ khí Việt Nam, tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thanh toán. Hoa Kỳ cũng là điểm đến hấp dẫn nhưng đòi hỏi cao. Vì vậy cần sự hỗ trợ từ Thương vụ để doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội tiếp cận thị trường, đáp ứng được yêu cầu từ đối tác.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York chia sẻ, lĩnh vực cơ khí đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Hoa Kỳ, nhất là sản xuất ô tô. Thời gian tới, trong lĩnh vực cơ khí của Hoa Kỳ tập trung vào xu hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất xe điện, sản phẩm bền vững, thân thiện môi trường.

Bên cạnh là nhà sản xuất lớn về cơ khí chế tạo, Hoa Kỳ cũng là nước có nhu cầu nhập khẩu đa dạng, sản phẩm nhập khẩu là máy công nghiệp, máy bay dân dụng, máy tính, phụ kiện bán dẫn, máy móc nông nghiệp, ngành giấy; ô tô, phụ tùng ô tô.

Do đó, còn nhiều dư địa xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp trong nước cần chủ động nguồn hàng, tuân thủ quy định từ thị trường; có chứng chỉ về chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, tùy theo từng ngành, sản phẩm cụ thể.

Là thị trường xuất khẩu truyền thống của sản phẩm cơ khí Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cơ khí đang chiếm tỷ trọng 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản.

Theo ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản thông tin, Nhật Bản đang thực hiện chính sách mới nhằm tránh phụ thuộc nguồn cung vào Trung Quốc và mở rộng sang khối các nước ASEAN; trong đó, có Việt Nam.

Mặt khác, doanh nghiệp cơ khí của Nhật Bản chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, lâu đời, chủ của doanh nghiệp này muốn chuyển giao nhưng ở đất nước có tỷ lệ già hóa dân số việc này tương đối khó khăn nên có định hướng sang Việt Nam tìm cơ hội hợp tác sản xuất.

Tuy nhiên, cơ khí của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như thép và nhôm công nghệ cao… là điểm yếu cho phát triển ngành. Vì vậy, Thương vụ kiến nghị doanh nghiệp cơ khí trong nước cần đầu tư thêm chi phí cho mảng nghiên cứu, phát triển sản phẩm qua đó, có thể tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Ngô Khải Hoàn – Phó Cục trưởng Cục Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Cục Công nghiệp đã phối hợp triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho ngành cơ khí, nhất là xúc tiến thương mại công nghiệp chế biến, chế tạo.

Mặt khác, Cục đã phối hợp triển khai hoạt động nâng cao năng lực của doanh nghiệp như tổ chức hoạt động đào tạo tư vấn viên với mục đích lan tỏa kiến thức này cho các doanh nghiệp trong nước.

Về phía doanh nghiệp FDI, Cục đã phối hợp triển khai 2 chương trình tiêu biểu như đào tạo kỹ sư khuôn mẫu và tham gia kết nối. Liên quan kiến nghị của hiệp hội về việc mở rộng đối tượng, quy mô tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành quan trọng và sẽ nghiên cứu và sẽ có hoạt động triển khai phù hợp trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay: Do thách thức liên quan đến địa chính trị, thiên tai bão lũ… từ đầu năm tới nay, nhất là quý I/2023, xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên với chính sách phù hợp, sự chủ động, nỗ lực của doanh nghiệp, kết quả xuất nhập khẩu thời gian gần đây tháng sau khả quan hơn tháng trước.

Tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước, 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 28,55 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2022. Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 8 năm 2023 ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, với những ý kiến của các hiệp hội được truyền tải hôm nay, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tiếp thu, nghiên cứu và hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng cũng lưu ý doanh nghiệp cần tận dụng thông tin được cung cấp, chủ động tham gia hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm. Đặc biệt, chú trọng đầu tư cho công nghiệp sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tiếp cận sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dua-san-pham-co-khi-tien-sau-vao-chuoi-cung-ung-toan-cau-bang-cach-nao/304892.html