Đưa sản phẩm vào chuỗi giá trị toàn cầu

Không ngừng đổi mới, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nhiều doanh nghiệp (DN) của tỉnh Bắc Giang đã có bước đột phá. Sản phẩm được nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, góp phần gia tăng giá trị, tăng sức cạnh tranh, vươn tới thị trường mới.

Những điểm sáng

Mấy năm gần đây, ngành nghề chế biến gỗ đã được nhiều nhà đầu tư quan tâm ứng dụng công nghệ mới, không còn đơn thuần gia công thô như trước. Điển hình là Công ty TNHH Công nghiệp Huarong (Công ty Huarong) có công nghệ chế biến gỗ hiện đại, quy mô lớn nhất tỉnh. Nhà máy sản xuất viên nén gỗ của DN thuộc bản Diễn, xã Tam Tiến (Yên Thế). Dù có công suất lớn (khoảng 200 tấn sản phẩm/ngày đêm) nhưng kỹ sư, công nhân làm việc tại đây chỉ có 90 người do hầu hết các công đoạn được vận hành tự động.

 Chế tạo chi tiết máy tại Công ty TNHH Yontech Vina.

Chế tạo chi tiết máy tại Công ty TNHH Yontech Vina.

Toàn bộ sản phẩm của DN được xuất khẩu sang Nhật Bản làm nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện. Trong khi hầu hết DN, cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh chỉ mua sắm máy móc, thiết bị thông thường để sản xuất từ nguyên liệu gỗ khô thì Công ty đầu tư gần 150 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền đồng bộ, hiện đại để sử dụng cả nguyên liệu từ các loại gỗ tươi.

Anh Võ Văn Thọ, Phó Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ: “Nhờ áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, giá thành viên gỗ nén của DN giảm khoảng 10% so với sản phẩm cùng loại, lại tận dụng được vùng nguyên liệu rừng trồng hàng chục nghìn ha của tỉnh. Do đó, sản phẩm của DN có giá cạnh tranh, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường”.

Theo Sở Công Thương và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, cùng với các DN chế biến nông - lâm sản, Bắc Giang còn có hơn 600 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, với 4 nhóm chính gồm: Sản xuất thép; kết cấu thép; chế tạo (các thiết bị máy móc, nồi hơi, thủy công); lắp đặt, sửa chữa… Doanh thu của ngành cơ khí trong tỉnh đạt khoảng 3 nghìn tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Các DN cơ khí chế tạo và cơ khí chính xác như: Công ty cổ phần Cơ khí và Tự động hóa Alpha Vina, Công ty TNHH Cơ khí chính xác Etech Vina... đã đầu tư chuyển đổi số và đổi mới công nghệ, chế tạo được nhiều sản phẩm, khuôn mẫu, thiết bị, máy chuyên dùng, tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cơ khí tự động hóa, công nghệ cao.

Công ty TNHH Yontech Vina, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) đi vào hoạt động từ năm 2021 nhưng đội ngũ kỹ sư đã tự thiết kế và tham gia chế tạo nhiều sản phẩm cơ khí tự động hóa như: Rô bốt gắp sản phẩm, hệ thống gắp phôi tự động cho máy tiện… Sau hơn 3 năm hợp đồng sản xuất thành công với Công ty cổ phần Cơ khí và Tự động hóa Alpha Vina, ông Han Jin Oh, Giám đốc Công ty TNHH The One Technology Vina (TP Bắc Ninh) nhận xét: “Công ty cổ phần Cơ khí và tự động hóa Alpha Vina đã hoàn thành nhiều đơn hàng sản xuất các loại Jig, máy gia công vật liệu và rô bốt cho chúng tôi với chất lượng rất tốt, giá rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Nhờ đó, chúng tôi đã cung cấp thiết bị tự động hóa cho Nhà máy Display Việt Nam - Hải Phòng và nhiều DN Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam”.

Tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu

Có thể nói công nghệ cao, công nghệ hiện đại là chìa khóa để DN trong tỉnh có đủ năng lực cạnh tranh, hội nhập kinh tế. Với sự nỗ lực của các DN cùng hỗ trợ của các cấp, ngành, trên địa bàn tỉnh ngày càng có thêm DN mở rộng quy mô, nâng tầm vị thế, nâng hàm lượng khoa học, công nghệ trong từng sản phẩm. Việc hỗ trợ DN được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Cung cấp thông tin thị trường, chính sách pháp luật; thực hiện thủ tục hành chính; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, mở rộng thị trường...

Bắc Giang hiện có hơn 15,5 nghìn DN. Trong đó hầu hết các DN hoạt động thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo, chế biến nông - lâm sản, may mặc… đều áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm các DN của tỉnh nộp ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng và tăng theo hằng năm.

Chỉ tính theo chương trình khuyến công, từ năm 2020 đến nay toàn tỉnh có 13 DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ được hỗ trợ nâng cấp máy móc thiết bị sản xuất. Gần đây, tỉnh chú trọng thu hút nhiều dự án có công nghệ cao (thuộc các lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông, cơ khí, vật liệu xây dựng, vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ), sử dụng tiết kiệm đất, ít lao động, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Áp dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao là xu hướng tất yếu của quá trình công nghiệp hóa. Chỉ có công nghệ hiện đại, tiên tiến mới tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao và nâng cao năng suất lao động. Để giúp các DN tiếp tục đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, ông Nguyễn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh cho rằng, cần rà soát lại toàn bộ chính sách của T.Ư về phát triển khoa học, công nghệ và những chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Có kế hoạch, lộ trình cụ thể và bố trí nguồn lực để triển khai các chính sách đó.

Đẩy nhanh xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bố trí nguồn vốn để xây dựng một khu làm việc chung, đáp ứng bước đầu cơ sở vật chất cho khởi nghiệp. Xây dựng mối liên kết giữa Nhà nước - Viện nghiên cứu - DN. Thực hiện hiệu quả việc chuyển giao công nghệ cho các DN. Chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thúc đẩy liên kết giữa các tập đoàn lớn với DN nhỏ, DN trong nước với DN vốn đầu tư nước ngoài. Hình thành thị trường khoa học, công nghệ, giúp các DN nắm bắt thông tin, dễ dàng giao dịch mua các sản phẩm khoa học.

Bài, ảnh: Thế Đại

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/418297/dua-san-pham-vao-chuoi-gia-tri-toan-cau.html