Đưa thanh toán không dùng tiền mặt đến từng bản làng vùng cao
Công ty Điện lực Hòa Bình, PC Hòa Bình (Tổng công ty Điện lực miền Bắc) đã chính thức chấm dứt hoàn toàn hoạt động thu tiền điện (tiền mặt) tại quầy.

Công nhân Điện lực Đà Bắc hỗ trợ người dân mở ví điện tử, tạo tài khoản ngân hàng miễn phí cho khách hàng. Ảnh: Hương Thủy/BNEWS
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang lan tỏa mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực của đời sống - kinh tế - xã hội, ngành điện lực cũng không nằm ngoài guồng quay ấy. Công ty Điện lực Hòa Bình, PC Hòa Bình (Tổng công ty Điện lực miền Bắc) đã chính thức chấm dứt hoàn toàn hoạt động thu tiền điện (tiền mặt) tại quầy, đồng thời đẩy mạnh các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trên toàn địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Từ nhiều năm qua, hình thức thu tiền điện tại quầy đã bộc lộ không ít bất cập: mất thời gian, tiềm ẩn rủi ro tài chính, phụ thuộc vào nhân lực, dễ nhầm lẫn, thiếu tính minh bạch. Đặc biệt, trong bối cảnh địa hình phức tạp, dân cư phân bố rải rác như ở huyện vùng cao của tỉnh Hòa Bình và chuyển đổi số đang lan tỏa mạnh mẽ, mô hình này càng trở nên lạc hậu và kém hiệu quả.
Trước tình hình đó, PC Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và đặc biệt là các đối tác Ngân hàng - Bưu điện - Viettel để thúc đẩy người dân tiếp cận thanh toán điện tử.
Ông Nguyễn Phúc Thịnh - Giám đốc PC Hòa Bình cho biết: “Chúng tôi xác định rõ: phải thay đổi từ gốc rễ - không chỉ thay đổi công cụ, mà là thay đổi thói quen, chúng tôi đồng hành cùng người dân từng bước một và mong muốn người dân thay đổi, muốn họ thay đổi thì cán bộ ngành điện phải làm đầu tàu, đồng hành sát cánh cùng bà con.”
Phối hợp liên ngành “Ba cùng” với người dân để mở tài khoản, ví điện tử: Điểm nổi bật trong mô hình triển khai của PC Hòa Bình là đảm bảo không ai bị "bỏ rơi" trong quá trình chuyển đổi số, PC Hòa Bình đã chủ động phối hợp hiệu quả với các Ngân hàng (BIDV, VietinBank, VietcomBank, LPBak, AgriBank, MBBank).
Bên cạnh đó, PC Hòa Bình phối hợp các phòng giao dịch trên địa bàn các huyện, thành phố, cử cán bộ phối hợp với các Điện lực trực thuộc PC Hòa Bình thực hiện tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân mở tài khoản thanh toán. Đồng thời vận động các khách hàng có sẵn tài khoản đăng ký trích nợ tự động thanh toán tiền điện qua tài khoản; Các đối tác trung gian có ví điện tử ( Viettel, Vnpost, Payoo, Momo, Vimo, VNPay, VNPTPay, Paytech). Hoặc trực tiếp đến các điểm thu tiền điện đang có trên địa bàn các huyện, thành phố thực hiện tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, mở ví điện tử, cài app thanh toán…
Tại địa bàn huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ người dân mở ví điện tử, tạo tài khoản ngân hàng miễn phí cho khách hàng, đặc biệt là người dân ở vùng sâu vùng xa, người lớn tuổi và những người chưa từng tiếp cận dịch vụ tài chính trước đây.

Tại xã Hợp Đồng, huyện Kim Bôi công nhân hỗ trợ người dân trong việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Ảnh: Hương Thủy/BNEWS/TTXVN
Các điểm hướng dẫn lưu động được tổ chức ngay tại nhà văn hóa bản, UBND xã, điểm trường, nơi bà con có thể trực tiếp đăng ký, cài đặt ứng dụng, được hướng dẫn tận tay cách sử dụng, với phương châm “hướng dẫn một lần, người dân dùng cả đời”.
Ông Đinh Văn Chẩn, người dân xã Cao Sơn bộc bạch: “Hồi đầu nghe nói không thu tiền tại quầy nữa, tôi lo lắm vì mình chưa biết sử dụng nhiều tính năng của điện thoại thông minh. Nhưng giờ thấy dễ lắm vì mấy cô chú điện lực với bên Viettel lên tận bản, hướng dẫn tỉ mỉ. Từ giờ trở đi mỗi tháng tôi không cần nghĩ đến việc thanh toán tiền điện nữa vì đã được cài đặt thanh toán tự động, vừa tiện vừa khỏi lo thất lạc. Chúng tôi rất ủng hộ việc thanh toán không tiền mặt, vì nó văn minh, nhanh chóng và tiện lợi”.
Không chỉ người trẻ, mà cả những người trung niên, người lớn tuổi ở các xã vùng sâu như Đồng Chum, xã Nánh Nghê cũng đang dần thích nghi với phương thức thanh toán mới nhờ sự đồng hành tận tình từ ngành điện và các đơn vị đối tác. Việc người dân đồng lòng, chủ động thay đổi thói quen là minh chứng sống động cho hiệu quả của chủ trương số hóa ngành điện, khi sự đổi mới không chỉ đến từ công nghệ, mà còn từ cách tiếp cận thấu hiểu, gần gũi với nhân dân.
Việc dừng thu tiền điện tại quầy chuyển sang sử dụng phương thức thanh toán hiện đại không chỉ là thay đổi một thói quen, mà là một bước tiến lớn trên hành trình đưa ngành điện trở nên hiện đại, minh bạch và thuận tiện hơn cho người dân - đúng với phương châm hành động "Khách hàng là trung tâm".
Không cần những công nghệ “hào nhoáng”, điều làm nên sự thành công tại Đà Bắc chính là tinh thần bám dân - bám bản - bám thực tiễn. PC Hòa Bình dần cho thấy chuyển đổi số không chỉ là khẩu hiệu, mà đã và đang trở thành hành động cụ thể, lan tỏa đến từng hộ dân, từng ánh điện thắp sáng bản làng.