Tinh gọn bầu cử, bảo vệ dữ liệu cá nhân: Quốc hội định hình khung pháp lý hiện đại
Chiều nay (12/5), Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, cùng dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Với trọng tâm rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội, tinh gọn quy trình bầu cử và bảo vệ quyền lợi cá nhân trong thời đại số. Các ý kiến đại biểu đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, hướng đến xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và dân chủ.

Quang cảnh phiên họp tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội
Tinh gọn quy trình bầu cử: Đảm bảo dân chủ và khả thi
Tại tổ, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về dự thảo nghị quyết rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cùng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Đại biểu Trần Việt Anh (Đoàn Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình với đề xuất rút ngắn nhiệm kỳ khoảng ba tháng, ấn định ngày bầu cử toàn quốc vào ngày 15/3/2026, nhằm đồng bộ với việc kiện toàn bộ máy sau Đại hội Đảng toàn quốc. Ông nhấn mạnh rằng, việc biểu quyết một nghị quyết chung, bao gồm cả rút ngắn nhiệm kỳ và xác định ngày bầu cử, sẽ đơn giản hóa quy trình, tránh các vấn đề kỹ thuật phức tạp. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng thời gian 21 ngày từ khi công bố danh sách ứng cử viên đến ngày bầu cử có thể không đủ để thực hiện đầy đủ các công đoạn chuẩn bị, đề nghị Quốc hội xem xét kỹ để đảm bảo tính khả thi.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, đại diện Ủy ban Công tác đại biểu, khẳng định dự án luật được xây dựng để thể chế hóa Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, tập trung vào mô hình chính quyền địa phương hai cấp và tinh gọn quy trình bầu cử. Bà cho biết, dự thảo giảm thời gian từ khi nộp hồ sơ ứng cử đến ngày bầu cử từ 60-70 ngày xuống còn 42 ngày, với các mốc thời gian cụ thể như giảm từ 5 ngày xuống 2 ngày từ nộp hồ sơ đến Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, từ 30 ngày xuống 17 ngày giữa các hội nghị hiệp thương, và từ 20 ngày xuống 16 ngày từ công bố danh sách ứng cử viên đến ngày bầu cử. Đây là bước tiến lớn, thể hiện quyết tâm tiết kiệm nguồn lực, nhưng thừa nhận thách thức về tính khả thi, đặc biệt trong giai đoạn hiệp thương lần thứ hai đến lần thứ ba, khi khối lượng công việc lớn, từ lấy ý kiến cử tri đến xác minh và hoàn thiện hồ sơ.
Để giải quyết áp lực này, bà Thanh đề xuất đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng phần mềm tổng hợp kết quả bầu cử, quản lý khu vực bỏ phiếu, và lập danh sách cử tri, thay vì các phương pháp thủ công truyền thống như niêm yết danh sách trên bảng tin. Bà cũng kêu gọi các cơ quan, đặc biệt là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng biểu mẫu chi tiết, tập huấn kỹ lưỡng và ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ để giảm thời gian và nâng cao hiệu quả. Bà lưu ý rằng, thời điểm bầu cử trùng Tết Nguyên đán sẽ đòi hỏi các cơ quan làm việc xuyên Tết, trừ ngày mùng 1 để đảm bảo tiến độ, do quy trình hiep thương phụ thuộc vào kết quả Đại hội Đảng.
Về quy định tại Điều 36 khoản 4 về điều chỉnh hồ sơ ứng cử, cả hai đại biểu đều cho rằng nội dung này cần rõ ràng hơn. Ông Trần Việt Anh đề nghị quy định thời điểm kết thúc điều chỉnh hồ sơ phải trước hội nghị cử tri hoặc công bố danh sách chính thức ứng cử viên, để đảm bảo nguyên tắc công bằng và không ảnh hưởng đến vận động bầu cử. Bà Thanh giải thích rằng, quy định này được bổ sung để giải quyết các trường hợp đặc biệt, như điều động cán bộ sau hiệp thương lần thứ hai, ví dụ trường hợp đồng chí Võ Trọng Hải được điều động từ Giám đốc Công an Nghệ An sang Chủ tịch Hà Tĩnh, hay trường hợp Hà Nam gặp khó khăn khi thay đổi nhân sự do vi phạm. Bà nhấn mạnh rằng, quy định cho phép Hội đồng bầu cử quốc gia hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh hồ sơ sẽ tăng tính linh hoạt, nhưng cần được hướng dẫn chi tiết trong văn bản dưới luật.
Đại biểu Trần Việt Anh cũng đề xuất bổ sung cơ chế kiểm tra, giám sát của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định, theo khoản 5 Điều 1 sửa đổi khoản 4 Điều 11, để đảm bảo tính chính xác và hiệu quả sau khi bỏ cấp huyện. Bà Thanh tán thành nhưng cho rằng cơ chế này nên được quy định trong văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia, tránh phức tạp hóa điều luật.
Bảo vệ dữ liệu cá nhân và đồng bộ tư pháp
Về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất nhằm hoàn thiện khung pháp lý, bảo vệ quyền lợi cá nhân trong thời đại số. Đại biểu Trần Việt Anh nhấn mạnh rằng, dữ liệu cá nhân là nguồn lực chiến lược, là tài sản quý giá thúc đẩy phát triển kinh tế số, như định hướng trong Nghị quyết 57-NQ/TW. Ông chỉ ra rằng, công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân còn nhiều hạn chế, với các hành vi thu thập, công khai, sử dụng và mua bán trái phép dữ liệu cá nhân, đòi hỏi một khung pháp lý toàn diện. Ông đề nghị làm rõ phạm vi điều chỉnh, bao gồm dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam, cũng như xử lý dữ liệu trong và ngoài lãnh thổ, để xác định đối tượng áp dụng phù hợp.
Về mức xử phạt từ 1% đến 5% doanh thu năm liền kề trước, ông Trần Việt Anh cho rằng, quy định này khó áp dụng với công ty mới thành lập chưa có doanh thu, trong khi với tập đoàn lớn có doanh thu trên 100.000 tỷ đồng, mức phạt 1% (10 tỷ đồng) có thể quá lớn so với vi phạm nhỏ. Ông đề nghị điều chỉnh mức phạt để phù hợp với quy mô và tính chất vi phạm. Về cấm mua bán dữ liệu cá nhân, ông xem đây là tài sản đặc biệt, tương tự các quyền lợi cá nhân không được mua bán, nhưng đề nghị cân nhắc để đảm bảo quyền sở hữu cá nhân mà vẫn ngăn chặn hành vi trái phép.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh thì tập trung vào bốn nội dung cụ thể. Thứ nhất, bà lưu ý rằng dự thảo nhắc đến “dữ liệu cá nhân nhạy cảm” 13 lần, với biện pháp bảo vệ tại Điều 50, nhưng không định nghĩa rõ, gây khó khăn trong phân loại dữ liệu như thông tin sức khỏe, sinh trắc học, tài chính, tín ngưỡng. Bà đề nghị bổ sung khái niệm dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Thứ hai, bà đánh giá Điều 8 quy định toàn diện các quyền của chủ thể dữ liệu, từ quyền được biết, đồng ý, đến khiếu nại, tố cáo, nhưng đề nghị bổ sung quyền không bị phân biệt đối xử để bảo vệ toàn diện hơn trong bối cảnh công nghệ số. Thứ ba, bà tán thành nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu tại Điều 9, như tôn trọng dữ liệu của người khác, nhưng đề nghị bổ sung nghĩa vụ cập nhật dữ liệu kịp thời để tránh thiệt hại do chậm trễ. Thứ tư, bà ủng hộ quyền rút lại sự đồng ý tại Điều 11, nhưng đề nghị quy định thời hạn tối đa để ngừng xử lý dữ liệu, đảm bảo quyền được thực thi kịp thời.