Đưa thông tin đến với vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh

Trong 3 năm từ 2019 đến cuối năm 2021, đã có hàng trăm nghìn ấn phẩm gồm báo, tạp chí đã được cấp phát đến vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh Lâm Đồng.

Nhiều hộ đồng bào DTTS đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ nuôi bò sữa tại huyện Đơn Dương

Nhiều hộ đồng bào DTTS đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ nuôi bò sữa tại huyện Đơn Dương

ĐƯA THÔNG TIN VỀ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ

Là tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên với tổng dân cư trên 1,3 triệu người, Lâm Đồng hiện có 47 dân tộc cùng sinh sống, trong đó các cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 25,72% dân số của tỉnh

Theo Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, tổng số hộ DTTS trong tỉnh tính đến thời điểm hiện tại là 74.123 hộ với 333.561 người, chủ yếu là người K’Ho, Mạ, Churu, Nùng, Tày, Hoa, M’Nông... Người dân tộc gốc Tây Nguyên hiện chiếm 18,4% dân số của tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 78/142 xã, phường, thị trấn thuộc vùng DTTS, trong đó có 73 xã khu vực I, 1 xã khu vực II và 4 xã khu vực III; có 49/1.376 thôn, tổ dân phố thuộc diện đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; 1/12 huyện, thành phố trong tỉnh thuộc diện huyện nghèo là Đam Rông. Hiện, tỉnh có 44 thôn vùng DTTS và miền núi đang đề xuất Ủy ban Dân tộc phê duyệt.

Nhờ những chương trình phát triển vùng núi, vùng DTTS được thực thi đồng bộ nên đến nay kinh tế, đời sống người dân trong vùng DTTS tỉnh Lâm Đồng cơ bản ổn định và từng bước phát triển. Toàn tỉnh hiện nay còn 2.793 hộ nghèo là đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ 3,58% dân số của tỉnh; số hộ cận nghèo là đồng bào DTTS còn 6.728 hộ, chiếm tỷ lệ 8,63%.

Thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 9/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2019-2021, trong những năm vừa qua, Lâm Đồng đã cấp hàng trăm nghìn ấn phẩm đến các vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, tổng cộng đã có trên 621,5 nghìn ấn phẩm gồm báo, tạp chí với 19 loại đã được cấp cho vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn Lâm Đồng trong 3 năm vừa qua theo chương trình trên.

Cụ thể, trong năm 2019 tỉnh đã cấp phát trên 265 nghìn ấn phẩm; năm 2020 đã cấp phát 187,4 nghìn ấn phẩm và năm 2021 đã cấp trên 169 nghìn ấn phẩm.

Có 19 loại ấn phẩm được cấp, bao gồm Báo Dân tộc và Phát triển, Tạp chí Dân tộc của Ủy ban Dân tộc; các chuyên đề Dân tộc thiểu số và miền núi của nhiều báo và tạp chí như Tiền Phong, Văn hóa, Tin Tức, Đại Đoàn Kết, Phụ Nữ, Nông thôn ngày nay, Tạp chí Nhân đạo... Báo Lâm Đồng thuộc danh mục báo địa phương cũng nằm trong số ấn phẩm được cấp phát này.

Việc cấp phát các ấn phẩm trên được thực hiện thông qua Bưu điện Lâm Đồng; những tổ chức, cá nhân trong danh sách cấp phát có trách nhiệm đưa xuống cơ sở để mọi người cùng đọc; các địa phương có thư viện, điểm Bưu điện Văn hóa xã trưng bày các ấn phẩm này để mọi người ở địa phương có thể tiếp cận; các xã, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc sử dụng các ấn phẩm này, ghi nhận các ý kiến người dân để phản ánh về các cơ quan đầu mối.

GÓP PHẦN GIẢM NGHÈO, CHỐNG TÁI MÙ CHỮ

Như ông Dơ Woang Ya Gương, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc cấp phát các ấn phẩm đến với vùng đồng bào DTTS, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh lâu nay đã mang lại một hiệu quả rất lớn. Không chỉ đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân mà còn góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo và xóa mù chữ, chống tái mù.

Báo in và các ấn phẩm với chức năng của mình là phân tích sâu và lưu trữ thông tin lâu đã chuyển tải kịp thời các thông tin cần thiết đến với vùng sâu, vùng xa; là cẩm nang không thể thiếu giúp cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, người có uy tín, già làng, trưởng thôn làm tài liệu tuyên truyền, vận động dân hiện nay. Thông tin của báo chí đã góp phần không nhỏ để nâng cao nhận thức bà con, giới thiệu những gương điển hình trong đời thường, gương người tốt việc tốt, những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, động viên, khuyến khích bà con nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Thông qua việc tiếp cận với các nguồn thông tin, theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, không ít gia đình trong vùng DTTS trong tỉnh đến nay đã học hỏi, biết cách ứng dụng các qui trình canh tác mới, chủ động đầu tư thâm canh, đưa các vật nuôi, cây trồng mới có năng suất và hiệu quả cao vào chăn nuôi, trồng trọt; biết ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình kỹ thuật mới trong chế biến, bảo quản nông sản, ứng dụng trong đời sống và sản xuất.

Rất nhiều địa phương trong tỉnh từ Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà đến nay đã có các mô hình người DTTS trồng rau, hoa công nghệ cao; tại Đơn Dương xuất hiện các hộ gia đình người DTTS thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ nuôi bò sữa. Tại Di Linh, Bảo Lâm, nhiều hộ đồng bào DTTS tái canh cà phê hiệu quả; tại Đạ Huoai không ít hộ DTTS có những vườn cây ăn trái có giá trị thu vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm.

Báo và tạp chí - theo ông Ya Gương - cũng đóng góp không nhỏ trong công tác giáo dục trong vùng DTTS; nâng cao ý thức, nền nếp cho học sinh, giúp các em tìm hiểu, nắm bắt được thông tin bổ ích, phục vụ cho học tập; khám phá các kiến thức mới; nâng cao kỹ năng tiếng Việt, duy trì văn hóa đọc, chống tái mù chữ.

Báo và tạp chí cũng góp phần quan trọng giúp bà con người DTTS nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các các giá trị truyền thống dân tộc, vận động mọi người giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình, bài trừ các hủ tục, các tệ nạn xã hội, tích cực xây dựng buôn làng, xây dựng gia đình có nếp sống văn hóa.

Ông Ya Gương cho biết, trong năm 2021 vừa qua, do dịch bệnh COVID-19 nên việc cấp phát các ấn phẩm tại một số vùng sâu trong tỉnh cũng bị chậm ít nhiều, Ban Dân tộc tỉnh sau đó đã kịp thời nhắc nhở đơn vị phát hành.

Trong thời gian đến, Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị với Chính phủ cần tiếp tục duy trì chính sách cấp phát không thu tiền các ấn phẩm báo và tạp chí cho vùng DTTS; đồng thời, đề nghị UBND các xã trong tỉnh Lâm Đồng cần phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị trường học trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, thông tin các ấn phẩm này đến với người dân, học sinh rộng rãi hơn qua hệ thống truyền thanh, tại các cuộc họp dân trong thôn, buôn; chỉ đạo cán bộ văn thư - lưu trữ quản lý chặc chẽ về danh mục số lượng ấn phẩm nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người dân có thể tiếp cận và sử dụng hiệu quả các ấn phẩm cấp phát này.

GIA KHÁNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202202/dua-thong-tin-den-voi-vung-dan-toc-thieu-so-trong-tinh-3102684/