Đưa thương hiệu nông sản Cần Giờ ra thế giới
Để phát huy tốt giá trị thương hiệu đặc sản Cần Giờ, địa phương cần phải có cách làm mới
Cần Giờ là địa phương phù hợp nhất để phát triển thương hiệu nông sản đặc sản cho TP HCM. Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất là vùng nguyên liệu không lớn, sản lượng giới hạn, ý thức xây dựng thương hiệu chưa cao.
Nhiều đặc sản nổi tiếng
Yến sào, xoài, tôm nước lợ, muối… của Cần Giờ hoàn toàn có thể trở thành đặc sản. Yến sào là sản phẩm có tiềm năng lớn nhất, phù hợp để thí điểm xây dựng thương hiệu nông đặc sản của TP HCM trong giai đoạn hiện nay. Với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ rộng hơn 75.000 ha, có nhiều loài động, thực vật, Cần Giờ hội đủ điều kiện tự nhiên để phát triển vùng nguyên liệu nuôi tổ yến chất lượng cao, bền vững và quy mô lớn.
Bên cạnh tổ yến, tôm nước lợ, hàu, sò huyết, nghêu, cá dứa, muối và xoài cát cũng rất nổi bật. Cần Giờ hiện có 18 sản phẩm OCOP được UBND TP HCM phê duyệt. Các sản phẩm OCOP có nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng trên địa bàn huyện Cần Giờ có khả năng cung ứng theo nhu cầu thị trường. Trong khi đó, các sản phẩm có nguồn nguyên liệu từ khai thác như cá đù, cá lưỡi trâu là nguồn cung ứng giúp hạn chế, phụ thuộc vào sản lượng đánh bắt.
Nhiều nông đặc sản nổi tiếng nhưng việc xây dựng thương hiệu đang gặp trở ngại khi người dân chưa ý thức được việc giữ gìn thương hiệu dẫn đến tình trạng thật giả lẫn lộn, làm ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng. Nguyên nhân do vùng nguyên liệu không lớn, sản lượng giới hạn; việc tận dụng lợi thế từ các chuỗi hệ thống bán lẻ của TP HCM cũng chưa thật sự hiệu quả.
Để phát huy tốt giá trị thương hiệu đặc sản Cần Giờ, địa phương cần phải có cách làm mới.
Nâng giá trị thương hiệu sản phẩm OCOP
Để phát triển bền vững thương hiệu, xây dựng niềm tin của người tiêu dùng với đặc sản Cần Giờ, cần có doanh nghiệp chuyên môn đứng ra liên kết tổ chức sản xuất và giữ ổn định chất lượng.
Phải đầu tư dây chuyền công nghệ, sử dụng máy móc, thiết bị hỗ trợ nuôi trồng, sản xuất. Cùng với đó, ứng dụng công nghệ để chế biến chuyên sâu, ứng dụng số hóa vào sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Để sản phẩm đi xa hơn, huyện Cần Giờ cần có chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn thương mại... cho những sản phẩm có thế mạnh, tranh thủ sự hỗ trợ của các ngành chức năng để phát triển thương hiệu, thị trường.
Việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến đầu ra cho sản phẩm, cần chứng minh cho người tiêu dùng thấy sự khác biệt của Cần Giờ. Bên cạnh việc đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm…, quá trình hoàn thiện chứng nhận OCOP và tăng kênh phân phối cũng sẽ giúp đặc sản Cần Giờ khắc phục được điểm yếu về xây dựng thương hiệu tồn tại suốt nhiều năm qua.
Cần nâng chuẩn các sản phẩm du lịch và sản phẩm OCOP. Hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn đầu vào sản phẩm OCOP và công tác kiểm soát quy trình chế biến, trồng trọt, đánh bắt, sản xuất sản phẩm OCOP nhằm nâng cấp các sản phẩm OCOP hiện có, định hướng các sản phẩm OCOP mới tại Cần Giờ đạt tiêu chuẩn 5 sao, tập trung bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm để nâng giá trị thương hiệu sản phẩm OCOP Cần Giờ.
Đẩy mạnh công tác truyền thông để phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP; xây dựng bộ nhận diện du lịch Cần Giờ tích hợp được giá trị sản phẩm du lịch sinh thái với các giá trị thực hành sản xuất và cung ứng sản phẩm OCOP của Cần Giờ; xây dựng hình ảnh nhận diện logo OCOP cho sản phẩm.
Ứng dụng khoa học - công nghệ, triển khai số hóa dữ liệu điểm đến và sản phẩm OCOP của huyện Cần Giờ; đồng bộ dữ liệu với nền tảng dữ liệu của du lịch TP HCM. Ứng dụng công nghệ (GIS, AI, VR…) trong quản lý điểm đến, quảng bá xúc tiến du lịch và sản phẩm OCOP của huyện Cần Giờ.
Cần Giờ cũng phải chú trọng giải pháp bảo vệ môi trường, tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình quản lý môi trường dựa vào cộng đồng.