Đưa văn học nghệ thuật đến gần hơn với cuộc sống

Sơn La là vùng đất sử thi, nền văn hóa đa dạng của các dân tộc. Các thế hệ văn nghệ sĩ đã không ngừng sáng tạo, cho ra đời những tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng, mang hơi thở cuộc sống, tô đậm thêm cho vẻ đẹp của mảnh đất, con người Sơn La.

Các hội viên Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật tỉnh thảo luận về các tác phẩm nhiếp ảnh

Các hội viên Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật tỉnh thảo luận về các tác phẩm nhiếp ảnh

Khơi nguồn sáng tạo

Với vai trò tập hợp, đoàn kết hội viên, Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật tỉnh là nơi hội tụ đội ngũ các văn nghệ sĩ của Sơn La. Hơn 270 hội viên sinh hoạt ở 13 chi hội trực thuộc là những người tâm huyết ở nhiều lĩnh vực: Văn học, lý luận phê bình, nhiếp ảnh, mỹ thuật, thơ tiếng dân tộc và sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian, nghệ thuật biểu diễn… Dưới “mái nhà chung” của hội, các văn nghệ sĩ được tiếp lửa đam mê, phát huy tài năng và cống hiến, sáng tạo những tác phẩm chất lượng cao. Mỗi hội viên với phong cách riêng trong sáng tạo văn học – nghệ thuật đã mang đến sự đa dạng ở nhiều lĩnh vực, loại hình sáng tác và cách nhìn nhận, khai thác từng góc cạnh của vấn đề, sự kiện, làm phong phú cho hoạt động của hội.

Họa sĩ Lê Chương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh, cho biết: Hội định hướng về tư tưởng, quan điểm sáng tác, động viên, khuyến khích hội viên sáng tạo tác phẩm chất lượng, phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, ngành, địa phương. Qua đó, giúp tập hợp, phát huy tinh thần đoàn kết của các chi hội, hội viên, nhất là phát huy tinh thần cống hiến của những người đam mê, tâm huyết với nền văn học – nghệ thuật.

Hoạt động sáng tác của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh đi theo quá trình xây dựng, phát triển và đổi mới của tỉnh, các sự kiện thời sự - chính trị, đưa luồng sinh khí mới của cuộc sống vào mỗi tác phẩm. Kế hoạch hằng năm của hội tập trung định hướng sáng tác theo dòng sự kiện, gợi ý đề tài theo chủ đề, chủ điểm, tập trung theo định hướng tuyên truyền của tỉnh ở từng lĩnh vực. Từ đó, giúp hội viên có thể khai thác sâu ở nhiều khía cạnh thuộc các loại hình sáng tác khác nhau. Đặc biệt là các cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật các cấp luôn thu hút được sự tham gia nhiệt tình của hội viên, thu được nhiều sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, nội dung mang ý nghĩa sâu sắc.

Trại sáng tác là hoạt động thường niên tạo cơ hội để hội viên giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và sáng tạo ra nhiều tác phẩm mới chất lượng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, hội đã tổ chức 4 trại sáng tác tổng hợp các chuyên ngành văn học nghệ thuật, kết quả nhận được 247 tác phẩm của 96 lượt hội viên ở các chuyên ngành. Các tác phẩm được sáng tạo sau mỗi chuyến đi thực tế tại cơ sở thể hiện phong cách cá nhân trong khai thác từng khía cạnh ở cùng chủ đề, từ đó cho ra đời những “đứa con tinh thần” chất lượng và có giá trị không chỉ về nghệ thuật mà còn có hiệu quả tuyên truyền cao.

Mang hơi thở cuộc sống vào từng tác phẩm

Mỗi năm, hội viên của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh cho ra đời hàng ngàn tác phẩm thuộc đa dạng các lĩnh vực: Văn học, nhiếp ảnh, hội họa, sân khấu – biểu diễn… Phần lớn trong số đó là những tác phẩm từ các cuộc vận động sáng tác chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh và hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động diễn ra thường niên tại địa phương. Điển hình là sáng tác hưởng ứng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chào mừng lễ kỷ niệm lớn, các chủ đề, chủ điểm lịch sử ý nghĩa như “Khu căn cứ cách mạng Lao Khô - Biểu tượng quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào” hay “Ngã ba Cò Nòi anh hùng - Tầm vóc và giá trị lịch sử”; sáng tác, quảng bá về văn hóa – du lịch Sơn La, về chiến sĩ lực lượng vũ trang, giai cấp công nhân, người lao động, đồng bào các dân tộc…

Tiêu biểu là các tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học với các loại hình sáng tác: Văn xuôi, thơ phổ thông, thơ tiếng dân tộc, phê bình lý luận văn học và nghiên cứu, sưu tầm văn học dân gian… Chiếm hơn 60% tổng số hội viên của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh, các hội viên chuyên ngành văn học có nhiều đóng góp, nhiều nhà nghiên cứu tâm huyết, nhiều cây bút trẻ tài năng. Văn học giúp các tác giả khắc họa những mảng màu đặc sắc về cuộc sống, con người Sơn La, lồng vào đó tâm tư, tình cảm và ý nghĩa giàu tính nhân văn.

Hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh trao đổi về công tác nghiên cứu

Hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh trao đổi về công tác nghiên cứu

Ông Trần Nguyên Mỹ, Chi hội văn học nghệ thuật huyện Sông Mã, bày tỏ: Các tác phẩm của tôi cũng như các nhà văn của Sơn La đều tập trung khắc họa về những sự việc, con người của đời thường và hình tượng hóa bằng ngòi bút, ngôn ngữ nghệ thuật, thông qua các tác phẩm để nói lên vẻ đẹp của cuộc sống.

Lĩnh vực hội họa những năm gần đây có sự thăng hoa cảm xúc của những họa sĩ tài năng và nhiệt huyết. Những tác phẩm gợi nhắc về vẻ đẹp của miền đất nơi vùng cao, như: “Chơi xuân”, “Bản Thái xưa” (Cà Kha Sam); tác phẩm “Se sợi lanh”, “Bình yên nơi biên giới”, “Ngã ba Cò Nòi thiêng liêng và bất tử” (Lê Chương); “Mùa ban”, “Nhớ ngày ấy Phiêng Sa” (Lò Thi)… làm sống động thêm vẻ đẹp của Sơn La thông qua đường nét và màu vẽ.

Hội viên Chi hội Mỹ thuật tỉnh sáng tác tác phẩm hội họa

Hội viên Chi hội Mỹ thuật tỉnh sáng tác tác phẩm hội họa

Họa sĩ Lò Thi, hội viên Chi hội Mỹ thuật tỉnh, chia sẻ: Các tác phẩm hội họa của chúng tôi thường tập trung phản ánh về nét đẹp trong văn hóa, con người và cảnh đẹp thiên nhiên của quê hương Sơn La. Cùng với đó, là sáng tác theo dòng sự kiện để có tác phẩm ghi lại khoảnh khắc mang tính thời sự, những thành tựu trong quá trình đổi mới của quê hương, đưa hơi thở của cuộc sống thường ngày vào mỗi tác phẩm hội họa mà người họa sĩ dành nhiều tâm sức.

Các hội viên thuộc Chi hội Nhiếp ảnh Sơn La cũng đóng góp không nhỏ vào việc quảng bá hình ảnh Sơn La. Từ những tay máy “cây đa, cây đề” cho đến các hội viên trẻ tuổi đã và đang khẳng định mình trong từng tác phẩm nhiếp ảnh giàu giá trị nghệ thuật, đoạt giải cao tại các cuộc thi của tỉnh, ngành, khu vực và cả quốc tế. Anh Vũ Phi Long, Chi hội Nhiếp ảnh Sơn La, chia sẻ: Tôi dành nhiều thời gian cho những chuyến đi vùng cao, ghi lại khoảnh khắc đẹp về cuộc sống đời thường của đồng bào miền núi, nhất là trẻ em vùng cao. Mong muốn, thông qua tác phẩm ảnh đẹp để giới thiệu về miền đất, con người, sự bình yên và phong cảnh tuyệt đẹp của quê hương Sơn La.

Văn hóa dân tộc được đưa vào các tác phẩm sân khấu biểu diễn

Văn hóa dân tộc được đưa vào các tác phẩm sân khấu biểu diễn

Văn học nghệ thuật giúp phản ánh toàn diện về cuộc sống, khắc họa nét đẹp đời thường bằng góc nhìn nghệ thuật giàu hình tượng. Nhiều tác phẩm ra đời từ các cuộc vận động sáng tác luôn có giá trị về nghệ thuật và nội dung, chứa đựng các tầng ý nghĩa sâu sắc, phục vụ đắc lực công tác tuyên truyền đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của du lịch địa phương, góp thêm tiếng nói bảo tồn văn hóa truyền thống. Văn học nghệ thuật với những sáng tác mang hơi thở cuộc sống là chất xúc tác làm giàu đẹp cảm xúc mỗi con người, khơi dậy tình yêu thương, thắp lên niềm tin và hy vọng vào cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thanh Đào

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/dua-van-hoc-nghe-thuat-den-gan-hon-voi-cuoc-song-JS4gNiXIg.html