Đưa văn học sinh thái vào các trang giáo khoa Tiếng Việt
Số lượng người học được những điều hay từ nhà văn Trần Hoài Dương (1943 - 2011) chắc là nhiều lắm vì ông từng là thầy giáo, công tác tại Trường Giáo dục trẻ em phạm pháp trên vùng núi Bắc Giang.
Hơn nữa, nếu mở sách giáo khoa Tiếng Việt bậc tiểu học ra thì thấy, từ sách lớp 1 - 5 sách nào cũng có văn Trần Hoài Dương và phần lớn những trang ấy viết về thiên nhiên Việt Nam..
1.
Khi tham gia tổ chức cuộc thi Truyện rất ngắn, trên tạp chí Thế Giới Mới (thuộc Bộ GD&ĐT) việc đầu tiên tôi làm là tìm truyện rất ngắn hay, từ xưa tới nay, từ Đông sang Tây… để giới thiệu với bạn đọc. Tôi tìm tới nhà văn Nguyễn Khải nhờ chỉ dẫn, nhà văn giới thiệu truyện Những vết sẹo. Giới thiệu nhưng không có để cho mượn. Ông Khải chỉ nhớ, mình đã đọc truyện này trên báo Văn Nghệ, từ những năm 60 của thế kỉ trước.
Tôi tới 43 Đồng Khởi TPHCM cơ quan phía Nam của Báo Văn Nghệ tính mượn báo cũ tìm kiếm, nhưng ở đây chỉ có báo từ 1975. Người của báo gợi ý, thử đến nhà văn Trần Hoài Dương, người từng làm trưởng ban văn xuôi Báo Văn Nghệ xem sao. Tôi đến, nhà văn Trần Hoài Dương cũng không có báo nhưng ông nói ngay “Để mình cho Toàn mượn bản chép tay”. Rồi ông đưa ra, không chỉ bản chép tay một truyện Những vết sẹo của tác giả Ba Lan, Duy-li-an Ka-va-lec mà nguyên một cuốn sách chép tay dày hàng trăm trang, chép nhiều tác phẩm quý hiếm ngày ấy.
Những tác phẩm dịch từ các nền văn học lớn, Nga, Pháp, Ấn Độ (các tác giả Pus-Kin, Sê-Khốp, Pau-Tôp-Xki, An-Tô-Kôn-ski, Đô-Đê, Tagor…). Những tác phẩm ấy đã từng in thành sách nhưng không dễ mua. Chép. Truyện Đôi Gi Đá của Tô Hoài in năm 1941 mà chưa in lại, nay mượn được. Cũng chép! Gặp được tác phẩm hay của bè bạn, của Bằng Việt, Hoàng Hưng, Ca Lê Hiến… anh Dương lại chép. Cứ chép tay mà thành sách quý riêng mình có. Và giữ nếp cần mẫn kiến tha chữ như thế, có lần, Trần Hoài Dương dành tới 3 buổi để chép tay Đêm Tháp Mười của Lê Văn Thảo tại sân vườn của Hội VHNT Việt Nam, giúp bạn đọc phía Bắc sớm được thưởng thức một tác phẩm hay của phương Nam.
Có được đọc sách chép tay này, chép từ những năm giữa thế kỉ XX, mới hiểu, bằng cách nào Trần Hoài Dương có lưng vốn để vào những năm đầu thế kỉ XXI đã lặng lẽ “đèn khuya một mình” soạn ra Bốn mùa, Những truyện ngắn hay Việt Nam viết cho thiếu nhi, Những truyện ngắn hay thế giới viết cho thiếu nhi những bộ sách hàng nghìn trang, tiện dụng như sách công cụ và chuẩn mực như kinh điển. Mới đây, một người làm sách chuyện nghiệp, đã nhiều năm kinh nghiệm, phải trầm trồ trên Facebook của mình về những sách ấy: “…Thư trung hữu họa, thư trung hữu nhạc, thư trung hữu nữ nhân như ngọc…Tiếc là ngày nay, kiếm hoài ko thấy những cuốn kỳ thư như vậy nữa…”.
Nhiều trang “như họa”, “như nhạc”, “như ngọc nữ nhân”, nếu không có con kiến tha chữ Trần Hoài Dương, đúng là khó kiếm! Như truyện ngắn “Con lợn con bằng gỗ” (không kém gì “Chú lính chì dũng cảm” của Andecxen), nhưng tác giả lại là một chú bé 12 tuổi người Sili và còn là vô danh trong sách của Trần Hoài Dương, vì truyện là bài dự thi báo “Phụ nữ thế giới” của một nước nào đó và có phải vì thế, vào năm 1962 ấy đã bị… rọc phách, tạo ra một tồn nghi thú vị cho người đọc.
Nhà văn Trần Hoài Dương.
Một thú vị khác với tôi là, khi được anh Trần Hoài Dương cho đọc sách chép tay này thì nhà thơ – thầy giáo Hoàng Hưng đã nổi tiếng là thi sĩ “ngựa biển” (NXB Trẻ 1968) , chạy nước đại cách tân theo nhịp thơ phương tây, anh Hưng đã đọc bằng tiếng Pháp bài “Mùi mưa” tại l’Espace Hà Nội, nhưng bài hay của Hoàng Hưng mà anh Dương chép trong sách này lại là một bát ngôn tứ tuyệt rất Đông phương rất Đường thi trong nhịp 8 âm tiết của thơ mới Việt Nam thời 1930 - 1945:
Rừng rậm hóa quê ta rồi mẹ ạ
Có ruộng, có làng, có trống chèo đêm
Chỉ còn thiếu đầu thềm cây nhãn ngả
Chúng con chờ hạt giống mẹ đưa lên
Nếu thiếu ghi chép này, một thời rất đẹp của “ngựa biển” Hoàng Hưng có thể bị lãng quên!
Chữ anh Dương rất đẹp, tròn trĩnh, đều đặn. Đẹp cả ở những trang anh chép bằng tiếng Nga, với những mẫu tự hệ ngôn ngữ Slav chưa thật quen với anh như với chữ Pháp, chữ Anh. Thứ sách chép tay này làm giàu thêm thư viện vốn đã rất nhiều sách in của anh Dương. So với sách in, thứ sách chép tay cho riêng mình, ẩn chứa nhiều bất ngờ thú vị nếu ai được đọc. Ở truyện Những vết sẹo nói trên kia, ngoài văn bản truyện còn dòng phụ chú phía dưới, tôi đoán là không có trong bản in mà anh Dương chép lại: “Truyện này đã được giải nhất trong cuộc thi viết về đề tài hòa bình do Ủy ban Bảo vệ hòa bình của Ba Lan và Hội Nhà văn Ba Lan tổ chức. Anh Phạm Hổ dịch”. Chữ “anh” trong phụ chú, rất Trần Hoài Dương, dù là chép tay cho riêng mình, nhưng xưng hô vẫn phép tắc, lịch sự. Nhà văn Tô Hoài cũng để lại bút tích trong sách chép tay này. Ông viết bên tiêu đề truyện “Đôi gi đá” của mình nhưng chữ của Trần Hoài Dương - “Kỉ niệm Hà Nội với Trần Bắc Quỳ (tên khai sinh của Trần Hoài Dương) 3/68” và kí tên.
2.
Là sách chép tay nhưng nhà văn Trần Hoài Dương cũng làm bìa cho sách của mình. Bìa 1 là hình chụp một hàng cây bạch dương bên một dòng sông, với lời chú, như một tiêu đề “Yêu rồi, yêu mãi bạch dương”. Yêu rồi, yêu mãi…Trần Hoài Dương là người chung thủy với cái đẹp, với lí trưởng thẩm mĩ đã lựa chọn từ những ngày đầu cầm bút. Chung thủy với cây, với hoa, với chim, với bướm với biển với trời… những gì làm ra “miền xanh thẳm”, chung thủy với văn học xanh (green literature) văn học sinh thái. Có thể nói Trần Hoài Dương là người giúp học sinh làm quen với văn học sinh thái ngay từ những ngày văn học Việt Nam đang dồn sức làm một việc sống còn là động viên toàn dân bảo vệ độc lập và toàn vẹn đất nước.
Chung thủy với cái đẹp, băng qua những “hom hem khổ não” những “nham nhở” những “chi chít các con số… thiếu nợ” để đến với cái đẹp, ở nơi và vào lúc con người với thiên nhiên gắn kết, nhân vật của Trần Hoài Dương đã sống trong các trang văn như thế. Qua những trang giáo khoa tiếng Việt, các nhân vật ấy đã giúp nhiều thế hệ học làm quen với văn học sinh thái để biết sống hòa hợp với thiên nhiên.
Ngay trong tác phẩm đầu tiên của mình, xuất bản 1963 “Em bé và bông hồng, Trần Hoài Dương đã nhỏ nhẹ gửi tới bạn đọc của mình một thông điệp sinh thái. Nhân vật cô bé vô ý làm xấu thiên nhiên, khai thác quá đà cái đẹp của một bông hoa và giết chết nó, đã hối hận: “Mẹ ơi, mẹ đừng giận con lâu mẹ nhé ! Từ nay con sẽ luôn nghe lời mẹ khuyên. Nếu con nghe lời mẹ ngay từ đầu, có phải bây giờ các bạn con, ai cũng được trông thấy bông hồng đỏ thắm ấy rồi không ?
Trần Hoài Dương ngay từ ngày ấy, đã viết để “ai cũng được trông thấy bông hồng đỏ thắm ấy” ai cũng được trân trọng những đỏ thắm, xanh thẳm của thiên nhiên quanh mình. Ông hối hả ghi chép, thể hiện, hình tượng hóa thiên nhiên. Lao động nghệ thuật theo định hướng này thành công tới mức, một bậc thầy chữ nghĩa là nhà văn Tô Hoài, cũng nhận ra và khen ngợi “đọc truyện chọn lọc của Trần Hoài Dương, tôi cứ hình dung ra một thoáng tháng giêng, tháng hai đẹp đơn sơ […] Thinh không bảng lảng, mơ màng, chẳng phải sương mù, cũng không mưa thành hạt, bóng nước li ti dây dợ loăng quăng phả ấm mặt người giữa đường đi lành lạnh. Cả đêm không nghe mưa, nhưng sáng ra, ngoài vườn thấy lưng tàu lá cải xanh mọng, những giọt nước đọng ủ hơi sương đêm viền quanh mép lá, từng chuỗi hạt nước sương long lanh đậu trên lá. Chợt một đàn chim khuyên bay lướt qua, tiếng ríu rít vút xa xa không gì sáng trong hơn”!
“Không gì sáng trong hơn”, nhưng thành công văn chương của Trần Hoài Dương trong cảm hứng sinh thái, từ tác phẩm đầu tay “Em bé và bông hồng” (1963), cho tới tác phẩm cuối cùng “Huyền thoại về một loài chim cánh cụt” (2012), và nhất là ở thành tựu đỉnh cao của Trần Hoài Dương – truyện dài “Miền xanh thẳm” (giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam) đã hình thành một đường chạy tiếp sức để các nhân vật của ông, cùng với bạn đọc chạy tới cái đẹp. Trên đường chạy ấy nhân vật Thiện trong tiểu thuyết “Miền xanh thẳm” lại đưa bạn đọc chúng ta trở về với tập sách chép tay đã nói trên kia:
“Đến cổng đền Ngọc Sơn, tôi lại thấy ông già bán kẹo kéo. Mấy năm rồi ông vẫn đứng bán ở đấy. Trông bộ dạng ông vẫn hom hem khổ não như trước. Có điều tóc ông thưa hơn, bạc nhiều hơn. Tôi nhớ ông không chỉ vì ông bán rẻ, lần nào cũng cho tôi thêm mẩu kẹo nhỏ mà ông búng tay đánh “cấc” một tiếng đanh gọn, điệu nghệ. Tôi nhớ ông còn vì trên mặt hòm gỗ của ông có dán bức tranh vẽ mùa thu với một bờ cây vàng rượi và một con sông nhỏ lượn lờ đượm buồn”.
Phải chăng, đó chính là bức tranh cây bạch dương mà Trần Hoài Dương làm bìa cho sách chép tay kia, là khung hình thiên nhiên, ông đưa ra làm vạch đích cho hành trình nghệ thuật của mình. Nhân vật Thiện của Trần Hoài Duơng kể tiếp về khung hình ấy, vạch đích ấy:
“Ông [kẹo kéo] dán bức tranh lên mặt hòm để che bớt những vết nham nhở hơn là vì lòng yêu nghệ thuật, tôi chắc thế vì mấy khoảng sáng trên tranh, ông ghi chi chít các con số, có lẽ là những khoản tiền khách thiếu nợ. Tôi mê bức tranh mùa thu ấy vô cùng. Ngày còn ở nhà, cứ hở ra lúc nào rảnh rỗi, tôi lại xin phép bố và cô tôi cho “chạy ra hiệu sách một lát”. Vừa được cho phép, tôi liền chạy ngay lên đây, mê mẩn ngắm nhìn bức tranh. Mà đường đi có gần gặn gì? Từ Khâm Thiên ra hồ Thiền Quan, lên Bà Triệu, chạy tuốt lên đền Ngọc Sơn…”.
Chung thủy với cái đẹp, băng qua những “hom hem khổ não” những “nham nhở” những “chi chít các con số… thiếu nợ” để đến với cái đẹp, ở nơi và vào lúc con người với thiên nhiên gắn kết, nhân vật của Trần Hoài Dương đã sống trong các trang văn như thế. Qua những trang giáo khoa tiếng Việt, các nhân vật ấy đã giúp nhiều thế hệ học làm quen với văn học sinh thái để biết sống hòa hợp với thiên nhiên.