Đưa 'vàng trắng' của biển thành ngành hàng có doanh số nghìn tỷ

Đây là thông tin được cho biết tại Họp báo công bố Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025 diễn ra sáng 16/12, tại Hà Nội.

Quang cảnh họp báo. Ảnh: P.Hiến

Quang cảnh họp báo. Ảnh: P.Hiến

Festival nghề Muối - cơ hội để nâng cao giá trị muối Việt

Theo Ban Tổ chức, từ ngày 06-08/3/2025, tại Bạc Liêu, Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu “Hành trình 100 năm nghề muối - Đời người” với chủ đề “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam” sẽ diễn ra.

Với mong muốn tôn vinh, bảo tồn, phát triển nghề muối, nâng cao giá trị nghề muối Việt Nam nói chung, của tỉnh Bạc Liêu nói riêng, Festival còn đặt kỳ vọng khơi dậy tình yêu ngành nghề truyền thống của thế hệ trẻ có trình độ tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp từ nghề muối.

Một số hoạt động chính sẽ được tổ chức gồm: Lễ Khai mạc Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu; Khu vực với khoảng 100 gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm muối, các sản phẩm OCOP, sản phẩm muối kết hợp du lịch, hợp tác xã sản xuất, chế biến muối và các trang thiết bị, công nghệ sản xuất, chế biến.

Trong không gian Festival, ban tổ chức sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo, hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; qua đó để trao đổi kinh nghiệm tổ chức sản xuất nghề muối Việt Nam theo hướng hiện đại, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hạt muối.

Ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu - trao đổi tại buổi Họp báo. Ảnh: P.Hiến

Ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu - trao đổi tại buổi Họp báo. Ảnh: P.Hiến

Chia sẻ tại Họp báo, ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu - cho biết, tỉnh đang tích cực triển khai các hoạt động để phục vụ kế hoạch tổ chức Festival.

Đối với Bạc Liêu, nghề làm muối đã có truyền thống hàng trăm năm. Bên cạnh đó, nghề làm muối ở Bạc Liêu vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những lí do này là tiền đề để tỉnh Bạc Liêu tổ chức sự kiện Festival có quy mô lớn.

“Qua sự kiện Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025: 'Hành trình 100 năm nghề muối - Đời người', tỉnh Bạc Liêu mong muốn sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp cho nhân dân và du khách, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; đặc biệt nâng tầm giá trị hạt muối của Việt Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng” - ông Phong chia sẻ.

Tại buổi họp báo, các đại biểu đã trao đổi thông tin liên quan đến định hướng phát triển nghề muối, cũng như thu hút các nhà đầu tư vào ngành hàng này.

Đưa muối trở thành ngành hàng có doanh số nghìn tỷ

Theo Bộ NNPTNT, Quyết định số 1325/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030, trong đó định hướng phát triển sản xuất muối sạch, muối thủ công; đẩy mạnh lĩnh vực chế biến, đưa muối trở thành ngành hàng có doanh số nghìn tỷ.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phát triển ngành muối phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Đầu tư phát triển sản xuất muối ở những nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi theo hướng tập trung, quy mô lớn, hình thành vùng sản xuất muối công nghiệp với công nghệ hiện đại, gắn sản xuất với chế biến, thu hồi các sản phẩm sau muối, phát triển các ngành kinh tế khác.

Đưa muối trở thành ngành hàng có doanh số nghìn tỷ. Ảnh ST

Đưa muối trở thành ngành hàng có doanh số nghìn tỷ. Ảnh ST

Phát triển ngành muối phải thực hiện đầu tư, hỗ trợ đồng bộ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ muối. Thực hiện đa dạng hóa sản phẩm muối với đổi mới công nghệ, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới làm giàu bằng nghề muối.

Mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích sản xuất muối duy trì 14.500 ha, sản lượng đạt 1,5 triệu tấn/năm, trong đó diện tích sản xuất muối kết tinh trên nền trải bạt 5.000 ha, sản lượng đạt 650.000 tấn (chiếm 43%), sản lượng muối chế biến đạt 500.000 tấn.

Mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích sản xuất muối 14.244 ha, sản lượng đạt 2 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu trong nước. Hình thành vùng trọng điểm sản xuất muối quy mô công nghiệp tại các tỉnh Nam Trung Bộ; áp dụng khoa học công nghệ, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, nhất là khâu thu hoạch và rửa muối sau thu hoạch, tăng năng suất sản xuất muối tối thiểu 30%, chất lượng muối ổn định, đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp;...

Để đạt được mục tiêu này, Đề án xác định yêu cầu đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối; hình thành các vùng trọng điểm sản xuất muối kết tinh tại các tỉnh miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, tăng năng suất sản xuất muối tối thiểu 30%; áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất chế biến muối; đa dạng hóa sản phẩm muối chế biến đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng, chế biến thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm muối ít nhất 30%.

Chính phủ dự kiến kinh phí để phát triển ngành muối đến năm 2030 ước khoảng 2.824 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương ước khoảng 1.940 tỷ đồng (chiếm 68,69 %); nguồn vốn được Nhà nước giao cho ngân sách địa phương ước khoảng 300 tỷ đồng (chiếm 10,6%) thuộc các chương trình khuyến nông, khuyến công, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới được phân bổ cho các địa phương và một phần ngân sách của địa phương; các nguồn vốn hợp pháp khác ước khoảng 534 tỷ đồng (chiếm 18,9%).

Giải pháp thu hút nhà đầu tư

Theo ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), muối Việt Nam hiện có tiềm năng lớn với 3.200km bờ biển; 11.000ha sản xuất; sản lượng cao, trong đó cung cấp nhu cầu ăn, chế biến thực phẩm; công nghiệp; y tế và làm đẹp.

“Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến làm muối. Ngành muối được xếp vào danh mục 1 trong 7 ngành, nghề nông thôn quan trọng” - ông Thịnh khẳng định.

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - trao đổi tại Họp báo. Ảnh P.Hiến

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - trao đổi tại Họp báo. Ảnh P.Hiến

Tuy nhiên, sản lượng muối hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước. Do đó, để phát triển nghề muối bền vững cần có chiến lược phát triển đúng đắn, khai thác tiềm năng từ các sản phẩm muối đa dạng và tích hợp đa giá trị.

Để gia tăng giá trị kinh tế, cần cải tiến chất lượng muối, nâng cao mẫu mã, thương hiệu cũng như áp dụng du lịch sinh thái gắn với làng nghề muối.

Trả lời về vấn đề thu hút nhà đầu tư, ông Lê Đức Thịnh cho biết, có nhiều bên đã quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào nghề muối.

Hiện một số dự án tại Cà Ná (Ninh Thuận) lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài sản phẩm muối tinh, còn các phụ phẩm sử dụng cho công nghiệp. Tại Bạc Liêu, nhiều nhà đầu tư đã liên hệ tìm hiểu sau khi biết tin có festival, nhất là hạ tầng, nhà kho trong việc phát triển muối.

Trên cả nước, hiện có hơn 70 doanh nghiệp, nhà đầu tư đang đầu tư chế biến muối. Tiêu biểu, Tây Ninh dù không có biển nhưng lại có sản phẩm muối ớt nổi tiếng. Hoặc tại cánh đồng muối ở Diêm Điền (Thái Bình), nhiều tổ chức, cá nhân đã tính đến việc liên kết sản xuất muối gắn với du lịch.

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề để xúc tiến đầu tư, thu hút doanh nghiệp tham gia vào ngành muối.

Về giải pháp phát triển ngành muối, ông Thịnh thông tin, Bộ NNPTNT đã ban hành đề án phát triển ngành muối gắn với nhiều ngành, nghề liên quan. Đặc biệt Quyết định 1325/QĐ-TTg của Thủ tướng đã chỉ rõ nhiệm vụ đầu tư hạ tầng cho các vùng sản xuất muối trọng điểm.

Ông Lê Trọng Đảm - Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam - phát biểu tại Họp báo.

Ông Lê Trọng Đảm - Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam - phát biểu tại Họp báo.

Riêng tại thủ phủ muối Bạc Liêu, nơi tổ chức festival sắp tới, Bộ NNPTNT đã dành nguồn ngân sách khoảng 130 tỷ đồng để phát triển hạ tầng.

Cùng với hạ tầng, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Bộ NNPTNT cũng như địa phương đa dạng hóa các sản phẩm từ muối, thúc đẩy liên kết theo chuỗi, giúp các bên có thêm nhiều giá trị cho hạt muối./.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/dua-vang-trang-cua-bien-thanh-nganh-hang-co-doanh-so-nghin-ty-37114.html