Đức cảnh báo việc hỗ trợ Ukraine, EU 'gặp khó' trong trừng phạt Nga
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner tuyên bố nước này không thể một mình duy trì năng lực phòng thủ của Ukraine về lâu dài và các quốc gia khác cần tăng cường đóng góp.
Vấn đề đã lên đến đỉnh điểm sau khi Mỹ ngừng viện trợ cho Kiev vì bế tắc ở cơ quan lập pháp, trong bối cảnh nhu cầu vũ khí của Ukraine ngày càng tăng sau chiến dịch phản công quân Nga không đạt kết quả như mong đợi.
“Không thể xảy ra việc Đức làm nhiều hơn để giúp Ukraine trong khi những nước khác làm ít hơn”, ông Lindner phát biểu tại một sự kiện của Hiệp hội Doanh nghiệp Đông Đức hôm 23/1. Quan chức này đồng thời hối thúc các nước khác thuộc Liên minh châu Âu (EU) chia sẻ chi phí trợ giúp Ukraine.
Theo đài RT, lãnh đạo Bộ Tài chính Đức đưa ra lời kêu gọi trên sau khi Văn phòng Thống kê liên bang (Destatis) tuần trước công bố báo cáo cho biết, nền kinh tế nước này đã suy giảm 0,3% trong năm ngoái, làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế ở khu vực đồng Euro rộng lớn hơn.
Đức đang chịu ảnh hưởng vì các cuộc biểu tình rầm rộ tái diễn vào đầu tháng 1, khi nông dân bắt đầu dùng máy kéo chặn các tuyến giao thông và đường cao tốc trên toàn quốc. Họ đổ ra đường biểu tình vì Berlin tuyên bố cắt giảm trợ cấp nông nghiệp không lâu sau khi công bố kế hoạch tăng gần gấp đôi trợ giúp cho Kiev vào năm 2024.
Theo Viện Kinh tế thế giới Kiel, Đức đã cung cấp các khoản viện trợ trị giá gần 23 tỷ USD cho Ukraine kể từ tháng 2/2022 đến tháng 11/2023, đưa nước này trở thành quốc gia tài trợ lớn thứ 2 sau Mỹ. Thủ tướng Đức mới đây bày tỏ tin tưởng, EU sẽ đồng ý với gói viện trợ trị giá 50 tỷ Euro cho Kiev tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp sắp tới của khối vào ngày 1/2.
EU “gặp khó” trong trừng phạt Nga
Báo Politico của Mỹ đưa tin, EU đang cảm thấy khó đưa ra các biện pháp trừng phạt mới chống Nga. Tờ báo dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao của EU giải thích: “Vấn đề lớn nhất là tất cả các mặt hàng chủ đạo đều đã bị áp trừng phạt hoặc những mặt hàng đáng kể khác như hạt nhân hoặc khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) không dễ áp trừng phạt”.
Theo Politico, Nga vẫn là nhà cung cấp LNG chủ chốt trong khu vực. Một số nước EU thậm chí còn tăng đáng kể việc nhập khẩu nhiên liệu này từ xứ sở bạch dương.
Hungary và các nước Đông Âu khác cũng phản đối trừng phạt lĩnh vực hạt nhân của Nga, trong bối cảnh tập đoàn quốc doanh Rosatom của Moscow đang xây dựng 2 lò phản ứng mới cho Hungary.
Một phát ngôn viên của EU trước đó tiết lộ với báo chí, liên minh sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt mới chống Moscow vào dịp kỷ niệm 2 năm ngày Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.