Đức chuẩn bị giải cứu công ty khí đốt khổng lồ bên 'miệng vực'
Uniper là doanh nghiệp nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức và có sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Hôm thứ Sáu vừa rồi, Uniper xin Chính phủ Đức giải cứu...
Ảnh minh họa - Ảnh: DW.
Chính phủ Đức đã sẵn sàng ra quyết định sớm về giải cứu công ty khí đốt Uniper SE của nước này, nhưng các cuộc đàm phán đang diễn ra đầy khó khăn – theo tin từ Bloomberg.
Uniper là doanh nghiệp nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức và có sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Hôm thứ Sáu vừa rồi, Uniper xin Chính phủ Đức giải cứu. Động thái cầu cứu đánh dấu việc Uniper trở thành “nạn nhân” doanh nghiệp lớn đầu tiên trong cuộc khủng hoảng năng lượng lần này ở châu Âu – “cơn ác mộng” xảy ra khi Nga siết dòng chảy khí đốt trong lúc bị phương Tây áp những biện pháp trừng phạt cứng rắn vì cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
Cuộc đàm phán giữa Chính phủ Đức và Uniper về một gói giải cứu đã diễn ra trong mấy tuần qua. Công ty này có thể cần tới 9 tỷ Euro, tương đương 9,1 tỷ USD, để sống sót qua giai đoạn khó khăn này. Số vốn đó nhiều gấp đôi giá trị vốn hóa thị trường của Uniper. Nguyên nhân khiến Uniper rơi vào tình cảnh khó khăn là công ty phải “đốt” tiền mặt khi tìm đến những nguồn cung khí đốt đắt đỏ hơn để thay thế cho nguồn cung khí đốt Nga ngày càng trở nên eo hẹp.
Tuần trước, có vẻ Uniper tìm cách gây áp lực lên Berlin khi đưa ra cảnh báo rằng công ty sẽ sớm không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rút khí đốt dự trữ, tăng giá bán khí đốt, và thậm chí là giảm cung cấp khí đốt.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck đã cảnh báo về khả năng xảy ra một sự kiện có ảnh hưởng loang rộng tương tự như vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers hồi năm 2008 châm ngòi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mối lo của vị Bộ trưởng hoàn toàn có cơ sở khi giá khí đốt không ngừng leo thang đang đẩy các nhà cung cấp khí đốt ở Đức tới bờ vực, có thể kéo theo cả nền kinh tế nếu có một công ty trong số đó sụp đổ.
Cuộc đàm phán cứu Uniper còn diễn ra giữa Chính phủ Đức và Chính phủ Hà Lan - cổ đông nắm 50% Fortum Oyj, công ty mẹ và là cổ đông chính của Uniper. Đức muốn có được sự hậu thuẫn của Phần Lan trong một kế hoạch giải cứu, nếu có, dành cho Uniper nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính đối với người đóng thuế Đức.
Giới chức Hà Lan nói rằng nước này không hào hứng lắm với ý tưởng rằng Fortum cần cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho Uniper.
Ngoài ra, nội bộ Chính phủ Đức cũng cần đạt nhất trí, vì nghị sỹ Anton Hofreiter thuộc Đảng Xanh đã lên tiếng phản đối về một cuộc giải cứu tốn kém cũng như việc Chính phủ Đức có thể nắm cổ phần trong Uniper. Do công ty này có hoạt động ở Thụy Điển và Nga, nên quyền sở hữu của Chính phủ Đức sẽ đặt ra những vấn đề về chính trị.
Đường ống lớn nhất dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức là Nord Stream 1 đã tạm ngừng hoạt động từ ngày 11/7 để bảo trì định kỳ trong vòng 10 ngày. Châu Âu đang lo ngại rằng Nga sẽ tìm cách kéo dài cuộc bảo trì, thậm chí là nhân dịp này cắt luôn khí đốt, để gia tăng sức ép lên châu Âu - một mối nghi ngờ mà Moscow phủ nhận.
Tháng trước, Nga giảm cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1, khiến đường ống chỉ còn vận hành ở mức 40% so với tổng công suất. Lý do được phía Nga đưa ra là chi nhánh Canada của công ty Đức Siemens Energy chậm trả lại các turbine khí của Nord Stream 1 mà phía Nga gửi đi để bảo dưỡng, và nguyên nhân của sự chậm trễ đó là các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga liên quan đến chiến tranh ở Ukraine. Về phần mình, Đức gọi việc Nga “siết van” khí đốt qua Nord Stream 1 là một “cuộc tấn công kinh tế”.
“Chúng tôi hy vọng điều tốt đẹp nhất, nhưng chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất”, ông Habeck nói tại một cuộc họp báo. “Người tiêu dùng ở châu Âu hiểu rõ tình thế năng lượng và chính trị này khó khăn tới mức nào”.