Đức kéo dài hoạt động 2 nhà máy điện hạt nhân, châu Âu quyết áp trần giá khí đốt
Trước nguy cơ thiếu nguồn cung năng lượng, Đức ngày 27/9 tuyên bố tiếp tục duy trì hoạt động của 2 nhà máy điện hạt nhân sang năm 2023 thay vì đóng cửa vào cuối năm 2022. Trong khi đó, các nước châu Âu vẫn chia rẽ trong vấn đề áp giá trần khí đốt nhập khẩu do sự phản đối mạnh từ Đức.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tuyên bố nước này sẽ kéo dài thời gian hoạt động của hai nhà máy điện nguyên tử Isar 2 nằm gần thành phố Munich và Neckarwestheim thuộc phía Tây Nam cho đến hết quý 1/2023. Đây là hai trong ba nhà máy điện nguyên tử được chính phủ tiền nhiệm của cựu Thủ tướng Angela Merkel lên kế hoạch đóng cửa vĩnh viễn vào cuối năm 2022 để dần từ bỏ điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima tại Nhật Bản năm 2011.
Giải thích cho quyết định trên, Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết dù khả năng thiếu điện khó xảy ra nhưng Đức vẫn cần phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất khi tình hình đang diễn biến xấu đi. Ông Robert Habeck bày tỏ lo ngại về cam kết hỗ trợ từ Pháp khi gần một nửa các lò phản ứng trong các nhà máy điện hạt nhân của Pháp vẫn chưa được khởi động lại do vấn đề bảo dưỡng và sửa chữa kỹ thuật.
Động thái trên của Đức diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng nguồn cung năng lượng sau khi nguồn khí đốt từ Nga bị cắt giảm gần như hoàn toàn kể từ đầu tháng 9/2022, đặc biệt là sự cố rò rỉ đường ống dẫn khí Phương Bắc 1 mới đây.
Đức, quốc gia tiêu thụ khí đốt lớn nhất châu Âu, đến nay vẫn duy trì quan điểm phản đối việc áp đặt giá trần khí đốt của Nga, khiến đề xuất trở thành chủ đề gây tranh cãi và bế tắc trong các cuộc họp của EU. Ngoài Đức, các nước như Séc, Slovakia và đặc biệt là Hungary vốn phụ thuộc vào các nguồn năng lượng của Nga cũng phản đối ý tưởng trên.
Tuy nhiên, trong diễn biến mới nhất, một nhóm gồm 15 quốc gia ủng hộ, trong đó có Pháp, Italy và Tây Ban Nha, ngày 26/9 đã tiếp tục gửi thư đề nghị EU áp đặt giá trần đối với khí đốt nhập khẩu như biện pháp kìm chế đà tăng giá năng lượng và lạm phát. Trong bức thư trình lên, đề xuất đã được sửa đổi để áp trần đối với tất cả khí đốt nhập khẩu không phân biệt nguồn gốc, thay vì chỉ nhắm vào Nga như trước đó.
Các quốc gia này cho biết sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận cụ thể tại cuộc họp Bộ trưởng Năng lượng các nước EU vào ngày 30/9 tới với quyết tâm xây dựng được văn bản pháp lý chính thức để đàm phán và thông qua./.