'Đục nước béo cò' trong đại dịch covid19, không thể dung thứ
Trong lúc hoạn nạn, thay vì nương tựa vào nhau, nắm lấy tay nhau thì có kẻ lại trơ tráo, lạnh lùng 'thọc dao' vào lưng nhau, dìm nhau cho đến chết.
Trong cuộc sống, tôi từng thấy nhiều cảnh đau thương, thậm chí chết chóc, nhưng có lẽ chưa bao giờ ám ảnh và phẫn uất bằng việc có lần chứng kiến một vụ tai nạn, xe gây tai nạn chạy mất, nạn nhân là một phụ nữ quăng mạnh người xuống đường, máu mồm máu mũi tung tóe; vừa lồm cồm bò dậy thì có hai kẻ chạy tới, vờ vĩnh hỏi han xốc nách dìu đứng dậy nhưng ngay sau đó thằng thì lột cái ví, đứa gỡ cái đồng hồ. Nạn nhân còn choáng, cứ lê lết quờ quạng yếu ớt kêu cứu nhưng mỗi đứa đã kịp tẩu thoát về một hướng.
Hình ảnh đó ám ảnh đến mức đi đường lúc nào tôi cũng cảnh giác với sự “tốt bụng” bất chợt và đáng ngờ. Đồng thời luôn ở trạng thái cảnh báo người bị nạn khác trước các thủ đoạn tồi tệ tương tự.
Trong cuộc sống, cùng một bản chất như câu chuyện trên nhưng lại xảy ra dưới muôn hình vạn trạng. Ví dụ như việc Bách Hóa Xanh bán hàng không đúng giá niêm yết, có nhiều biểu hiện chụp giật khi cả nước đang chống chọi với đại dịch đã bị người tiêu dùng cả nước lên án, tẩy chay.
Bài viết “Bách Hóa Xanh tăng giá bán hàng là đi ngược với đạo lý của thời cuộc” đăng trên VOV.VN xuất bản chưa ráo mực đã nhận được hàng ngàn phản hồi, độc giả cả nước bày tỏ bức xúc với "chiêu" làm ăn lập lờ của doanh nghiệp này giữa đại dịch.
Cứ tưởng tượng rằng sự phẫn nộ của người dân là có thể đong đếm được thì một nửa có lý do xuất phát từ hoàn cảnh. Tức là trong một thời khắc nhẽ ra con người cần nương tựa vào nhau, cần nắm lấy tay nhau thì họ lại trơ tráo lạnh lùng “thọc dao” vào lưng đồng bào mình, dìm nhau cho “chết” hẳn.
Đấy là chuyện mớ rau con cá, người bình thường có thể dùng tri thức phổ thông định lượng được đắt hay rẻ, tốt hay xấu, ngon hay không … rồi đưa ra quyết định cuối cùng.
Thế nhưng, có những mặt hàng mà đa số người dân không có kiến thức, đều phải hỏi người bán, người cung cấp dịch vụ,…; đồng thời không bao giờ trả giá và trên thực tế cũng không có thời gian mặc cả vì tính cấp bách của nó, đó là thuốc chữa bệnh. Người bán, doanh nghiệp "hô hét" bao nhiêu thì người dân, dù nghèo khó, cũng cố chạy vạy để mua.
Đợt bùng phát dịch năm ngoái, nhiều tiệm thuốc nâng giá bán khẩu trang đã bị dư luận lên án, bị cơ quan chức năng xử phạt. Đợt dịch thứ 4 này khẩu trang không còn khan hàng nữa thì những sản phẩm thuốc của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương lại tăng giá vù vù trước và sau khi lọt vào danh sách 12 loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 Bộ Y tế ban hành.
Bộ Y tế đã kịp thời thu hồi văn bản liệt kê danh mục 12 loại thuốc đó sau đúng 2 ngày ban hành. Dù dư luận bất ngờ và khó hiểu với lý do thu hồi văn bản như “do khâu soạn thảo”, “do nội dung chưa phù hợp”, nhưng dù sao người dân cũng đều thở phào.
Sự việc này khiến tôi tưởng tượng cảnh chị phụ nữ bị tai nạn kia, dù trong hoàn cảnh đau đớn, hoảng loạn, choáng váng nhưng vẫn còn kịp giằng lại cái ví và cái đồng hồ từ tay bọn bất lương.
Trên thế giới, duy nhất ngành y có chung một lời thề: Lời thề Hippocrates. Dù ở bất kỳ nơi nào trên trái đất này, sinh viên ngành y dược trước khi biết làm ra viên thuốc, biết cầm ống tiêm thì phải thuộc Lời thề Hippocrates.
Lời thế ấy có đoạn rằng “tránh sa vào việc điều trị thái quá, điều trị theo chủ nghĩa hư vô”. Lời thế ấy có đoạn rằng: “Nghệ thuật của việc chữa bệnh hay của khoa học, cần sự ấm áp, cảm thông”. Lời thề Hippocrates cũng nhấn mạnh rằng, dẫu là thầy thuốc, dược sỹ nhưng vẫn “là một thành viên của xã hội, với những nghĩa vụ đặc biệt cho đồng bào”.
12 điều y đức của ngành y tế Việt Nam còn nói rõ “Không được lạm dụng nghề nghiệp”.
Cái cách đột ngột tăng giá bán thuốc gấp mấy lần khi ngửi thấy mùi sắp có trong tay “Thượng phương bảo kiếm” - là sự đồng ý của ngành chức năng cho danh mục 12 loại thuốc - có phải “lạm dụng nghề nghiệp” không? Có “ấm áp và cảm thông” không?
Đừng biến “Thượng phương bảo kiếm” thành “thượng phương… bảo kê”!./.