Đức sẵn sàng giúp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực
Triển khai kế hoạch hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đức, ngày 3/4 tại Berlin, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cùng Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis đồng chủ trì Đối thoại chiến lược Việt Nam - Đức lần thứ 7.
Nhằm củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức trong thời gian tới, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp cao; duy trì thường xuyên các cơ chế hợp tác song phương; thúc đẩy hợp tác trên những lĩnh vực hai nước có thế mạnh và nhu cầu gồm thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu, lao động, giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân…
Đánh giá cao những kết quả tích cực đạt được trong hợp tác kinh tế, khi Đức nhiều năm liền duy trì vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU với mức tăng trưởng thương mại bình quân trên 10%/năm, đạt trên 12 tỷ USD năm 2022, hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ nhằm khai thác hiệu lợi ích mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại, tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam và Đức tiếp cận thị trường của nhau.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị Đức ủng hộ việc Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” (IUU) đối với thủy sản Việt Nam, tính tới những nỗ lực của Việt Nam thời gian qua trong việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các khuyến nghị của EC về IUU.
Để nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư song phương, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị Bộ Ngoại giao Đức khuyến khích các doanh nghiệp nước này đầu tư và mở rộng sản xuất tại Việt Nam trong các lĩnh vực mà Đức có thế mạnh và phù hợp với ưu tiên phát triển của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy quá trình Quốc hội Đức phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị Chính phủ Đức tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên như bảo vệ môi trường, năng lượng và đào tạo nghề, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Chia sẻ những đánh giá và đề xuất nhằm tăng cường hợp tác song phương của Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, Quốc Vụ khanh Michaelis khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp và xu thế dịch chuyển đầu tư đang diễn ra mạnh mẽ, Chính phủ Đức ủng hộ và khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, đối tác, trong đó Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế về thị trường, nguồn lao động, môi trường đầu tư.
Quốc Vụ khanh Michaelis cho biết, Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn vốn, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trong khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) để triển khai các cam kết của Việt Nam đưa ra tại Hội nghị COP 26 về giảm khí phát thải về 0 vào năm 2050. Quốc Vụ khanh Michaelis đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực lao động, đào tạo nghề khi Chính phủ Đức hiện đang triển khai nhiều chính sách thu hút lao động tay nghề cao, hai bên có thể mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này.
Hoan nghênh những kết quả tích cực trong hợp tác Việt Nam - Đức trên các diễn đàn khu vực và đa phương, hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ hợp tác như ASEAN, EU và nững tổ chức quốc tế, nhất là khi hai nước cùng là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Việt Nam và Vatican nhất trí về quy chế hoạt động của đại diện thường trú
Trước đó Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh, Đức ông Miroslaw Wachowski đồng chủ trì cuộc họp vòng X Nhóm Công tác Hỗn hợp Việt Nam – Tòa thánh Vatican tại Vatican.
Hai bên đã trao đổi về tình hình quan hệ Việt Nam – Tòa thánh và các vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam trên tinh thần hữu nghị, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; chính quyền các cấp luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tôn giáo, trong đó có Công giáo. Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị Tòa thánh quan tâm, chỉ dẫn cộng đồng Công giáo Việt Nam gắn bó, đồng hành cùng Nhà nước, nhân dân, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của Công giáo, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Tòa thánh phát triển.
Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Miroslaw Wachowski khẳng định Tòa thánh luôn mong muốn Giáo hội Công giáo Việt Nam hoạt động theo pháp luật Việt Nam và đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước theo tinh thần các Giáo huấn của Giáo hội “sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”, “giáo dân tốt phải là công dân tốt”.
Hai bên đánh giá quan hệ Việt Nam – Tòa thánh đạt nhiều tiến triển thời gian qua, bao gồm tiếp xúc và tham vấn định kỳ, trao đổi đoàn cấp cao Việt Nam và Tòa thánh, cũng như các chuyến thăm mục vụ thường xuyên của Đại điện không thường trú, Đặc Phái viên Tòa thánh, Tổng Giám mục Marek Zalewski.
Hai bên đã thảo luận và cơ bản nhất trí về Quy chế hoạt động của Đại diện Thường trú Tòa thánh và Văn phòng Đại diện Thường trú Tòa thánh tại Việt Nam.