Đức, Thụy Điển thờ ơ với thuế đánh vào xe điện Trung Quốc
Trả lời câu hỏi liệu ông có ủng hộ EU áp thuế đối với ôtô điện Trung Quốc hay không, Thủ tướng Thụy Điển nói rằng động thái tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu không phải là một ý tưởng phù hợp.
Các nhà lãnh đạo Đức và Thụy Điển tỏ ra thờ ơ với khả năng châu Âu có thể áp thuế đối với xe điện của Trung Quốc sau khi Mỹ thông báo tăng mạnh thuế đối với xe điện của Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi liệu ông có ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) nối gót Mỹ áp thuế đối với ôtô điện Trung Quốc hay không, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson phát biểu trước báo giới rằng động thái tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu không phải là một ý tưởng phù hợp.
Phát biểu trong chuyến thăm Thụy Điển, Thủ tướng Đức Olaf Scholz lưu ý một nửa số xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc do các hãng sản xuất ôtô phương Tây sản xuất.
Ông nhấn mạnh những nhà sản xuất châu Âu và Bắc Mỹ đã thành công trên thị trường Trung Quốc và bán xe của họ ở Trung Quốc, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của hoạt động trao đổi thương mại giữa phương Tây và Trung Quốc.
Nhà Trắng ngày 14/5 thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng mạnh thuế đối với nhiều loại mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như xe điện, chip máy tính và sản phẩm y tế, trong đó thuế xe điện tăng gấp 4 lần và lên mức hơn 100%.
Năm ngoái, EU đã mở cuộc điều tra về trợ cấp dành cho xe điện của Trung Quốc do lo ngại chính sách này là mối đe dọa đối với ngành công nghiệp ô tô của châu Âu.
Sau khi kết thúc cuộc điều tra, EU có thể quyết định tăng thuế đối với ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc vượt trên mức 10% hiện tại.Tuy nhiên, ông Scholz cho hay ông vẫn chưa biết kết quả điều tra.
Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để hội đàm tại Pháp. Tại đây, bà đã lưu ý sự mất cân bằng hiện tại về khả năng tiếp cận thị trường là không bền vững và cần được giải quyết.
Theo bà von der Leyen, Trung Quốc đang sản xuất với mức trợ cấp khổng lồ, nhiều hơn số lượng bán ra do nhu cầu trong nước yếu. Điều này dẫn đến tình trạng dư cung hàng hóa được trợ cấp như xe điện, thép và tạo ra sân chơi thương mại không công bằng.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã phủ nhận bất kỳ vấn đề nào về tình trạng dư thừa sản xuất của nước này.
Kịch bản EU áp thuế đối với xe điện Trung Quốc đã khiến Đức lo lắng, khi các công ty nước này có nhiều nhà máy ở Trung Quốc và xuất khẩu trở lại châu Âu.
Ông Oliver Zipse, Giám đốc điều hành của BMW, công ty có khoản đầu tư lớn vào Trung Quốc, tuần trước đã cảnh báo EU rằng họ có thể "tự bắn vào chân mình" nếu áp thuế.
Một nghiên cứu gần đây của tổ chức Giao thông & Môi trường Châu Âu (T&E) cho thấy khoảng 20% tổng số xe điện bán ra ở EU vào năm ngoái, tương đương 300.000 chiếc, được sản xuất tại Trung Quốc.
Hơn một nửa trong số đó được sản xuất bởi các thương hiệu phương Tây, bao gồm Tesla, Dacia và BMW, các hãng này sản xuất xe tại Trung Quốc để tái xuất khẩu./.