Đức Trọng nỗ lực bảo vệ và phát triển 'lá phổi xanh'

5 năm qua (2021 - 2025), với hàng loạt kế hoạch, chương trình hành động cụ thể được triển khai, huyện Đức Trọng đã và đang cho thấy sự quyết tâm cao trong việc bảo vệ và phát triển 'lá phổi xanh' của địa phương.

Đoàn viên, thanh niên tham gia trồng cây tại Lễ phát động "Trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" tại huyện Đức Trọng

Đoàn viên, thanh niên tham gia trồng cây tại Lễ phát động "Trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" tại huyện Đức Trọng

Theo UBND huyện Đức Trọng, trong giai đoạn 2021 - 2025, ngay sau khi các văn bản chỉ đạo từ Trung ương và tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững được ban hành, UBND huyện Đức Trọng đã chủ động triển khai hàng loạt kế hoạch, chương trình cụ thể. Điển hình là Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU của Huyện ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”; và Kế hoạch trồng 4.467.000 cây xanh giai đoạn 2021 - 2025.

Công tác chỉ đạo, điều hành cũng được thực hiện xuyên suốt từ cấp huyện đến cơ sở, với sự vào cuộc của Hạt Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp và Môi trường cùng các đơn vị liên quan. Công tác tuyên truyền đã từng bước vận động người dân tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Từ đó, giúp người dân hiểu về tầm quan trọng của rừng; có ý thức bảo vệ môi trường và cùng chung sức tham gia bảo vệ rừng, phát triển rừng.

Cùng với đó, để nắm bắt tình hình công tác quản lý, bảo vệ rừng, kịp thời giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của UBND cấp xã trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện thường xuyên kiểm tra thực tế, làm việc với các địa phương và đơn vị chủ rừng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đưa ra các giải pháp tăng cường quản lý, bảo vệ rừng.

Về hiện trạng rừng, tính đến cuối năm 2024, tổng diện tích đất lâm nghiệp của huyện là 30.624 ha, trong đó diện tích có rừng đạt 29.702,33 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 32,52%. Mặc dù vẫn còn tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp với 142 vụ trong giai đoạn 2021 đến tháng 3/2025, diện tích thiệt hại do phá rừng là 57.003 m², song đáng chú ý là số vụ vi phạm đã có xu hướng giảm dần qua các năm. Đặc biệt, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được triển khai hiệu quả, không để xảy ra các vụ cháy lớn gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.

Chương trình trồng cây xanh phân tán cũng đạt được những kết quả tích cực với 2.848.682 cây đã được trồng trong 4 năm qua, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc và cải thiện cảnh quan môi trường. Về công tác quản lý rừng bền vững, các đơn vị chủ rừng nhà nước và một số doanh nghiệp đã chủ động xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Tuy nhiên, việc phê duyệt còn gặp một số vướng mắc do sự thay đổi trong quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.

Tổng kinh phí được phân bổ cho các chương trình, dự án lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 là 131,8 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân được 125,4 tỷ đồng, cho thấy sự quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này.

Trên cơ sở những kết quả đạt được và những thách thức còn tồn tại, UBND huyện Đức Trọng đã đề xuất chương trình hành động cho giai đoạn 2026 - 2030 với những mục tiêu và giải pháp cụ thể. Trong lĩnh vực bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, huyện sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng. Đặc biệt, công tác bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng tự nhiên sẽ được ưu tiên hàng đầu.

Về phát triển rừng và nâng cao năng suất, chất lượng rừng, huyện tập trung vào việc nâng cao chất lượng rừng tự nhiên thông qua khoanh nuôi xúc tiến tái sinh. Đối với rừng trồng, mục tiêu là phát triển rừng phòng hộ và rừng sản xuất theo hướng bền vững, gắn với các vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến. Huyện cũng khuyến khích phát triển lâm sản ngoài gỗ, đặc biệt là các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao dưới tán rừng.

Mục tiêu quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng sẽ được đẩy mạnh, khuyến khích các chủ rừng xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, hướng tới chứng nhận rừng đối với rừng sản xuất là rừng trồng. Phát triển công nghiệp chế biến lâm sản được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm lâm nghiệp, phát triển đồng bộ chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Huyện sẽ tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu các sản phẩm chủ lực từ gỗ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ.

Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng phát triển các dịch vụ từ rừng, đặc biệt là du lịch sinh thái, nhằm tạo nguồn thu và tái đầu tư cho phát triển lâm nghiệp, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân địa phương...

Với những đánh giá khách quan và định hướng chiến lược rõ ràng, huyện Đức Trọng đang thể hiện quyết tâm cao trong việc bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng quý giá, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bảo vệ môi trường sinh thái chung của tỉnh Lâm Đồng.

THY VŨ

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202504/duc-trong-no-luc-bao-ve-va-phat-trien-la-phoi-xanh-fb9391e/