Đức xác nhận chuyển giao thêm hệ thống phòng không IRIS-T cho Ukraine
Vượt qua sự do dự ban đầu, Đức trở thành nhà tài trợ quân sự lớn thứ 2 cho Ukraine sau Mỹ.
Kiev đã nhận được một hệ thống phòng không IRIS-T khác từ Berlin vào ngày 24/5. Thông tin trên đã được Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius xác nhận trên X/Twitter.
“Chúng tôi một lần nữa đã giao đơn vị hỏa lực kết hợp IRIS-T SLM và IRIS-T SLS cho Ukraine – một hệ thống phòng không tầm trung và tầm ngắn rất hiện đại và đã được chứng minh hiệu quả, trực tiếp đến từ ngành sản xuất công nghiệp của Đức”, ông Pistorius cho biết.
Ukraine đã yêu cầu các đối tác quốc tế cung cấp thêm hệ thống phòng không trong bối cảnh nước này đang oằn mình chống đỡ các cuộc tấn công ngày càng gia tăng của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng kể từ tháng 3.
Quốc gia Tây Âu trước đây đã cung cấp các hệ thống phòng không IRIS-T cho Ukraine, bao gồm 3 hệ thống IRIS-T SLM, có tầm bắn lên tới 40 km và một hệ thống IRIS-T SLS, có tầm bắn 12 km.
Theo Der Spiegel, Berlin cam kết sẽ gửi cho Ukraine 9 hệ thống IRIS-T SLM và 11 hệ thống IRIS-T SLS do hãng Diehl Defense của Đức sản xuất.
Cùng với hệ thống Patriot (do Mỹ sản xuất) mới được chuyển giao gần đây, Đức đang tăng cường khả năng phòng không của Ukraine trong trận chiến phòng thủ trước các lực lượng Nga, Bộ trưởng Pistorius cho biết thêm.
Tuần trước, vị quan chức Đức cho biết rằng Berlin sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không Patriot bổ sung mà không nêu rõ ngày giao hàng. Kể từ đó, không có thông báo chính thức nào về các việc cung cấp hệ thống Patriot.
Vượt qua sự do dự ban đầu, Berlin đã trở thành nhà tài trợ quân sự lớn thứ 2 cho Ukraine sau Mỹ. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn miễn cưỡng cung cấp một số năng lực quan trọng, cụ thể là tên lửa tầm xa Taurus.
Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đất nước ông cần 25 hệ thống Patriot để bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công của Nga. Các hệ thống phòng không như Patriot và IRIS-T có hiệu quả cao trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình của Moscow.
Mỗi hệ thống phòng không công nghệ cao IRIS-T bao gồm các bệ phóng gắn trên xe tải, tên lửa, một đơn vị radar và một phương tiện chỉ huy riêng biệt.
Nó được thiết kế để bảo vệ các thành phố, quân nhân và dân thường khỏi các cuộc tấn công trên không, có khả năng phòng thủ trước máy bay, trực thăng, phương tiện bay không người lái, tên lửa hành trình và đạn dược lảng vảng.
Minh Đức (Theo Kyiv Independent, DW)