Đừng 'cho trứng vào một giỏ'

Trước những tác động do chính sách thuế mới mà Mỹ áp dụng, bài học không 'cho trứng vào một giỏ' càng ý nghĩa.

Không ít doanh nghiệp Hải Dương đã kiểm soát chặt khâu nhập nguyên liệu để xuất khẩu thuận lợi sang Mỹ (ảnh minh họa)

Không ít doanh nghiệp Hải Dương đã kiểm soát chặt khâu nhập nguyên liệu để xuất khẩu thuận lợi sang Mỹ (ảnh minh họa)

Trò chuyện với giám đốc một doanh nghiệp sản xuất hàng nội thất xuất khẩu tại huyện Bình Giang (Hải Dương), anh không giấu nổi lo lắng bởi những tác động của việc Mỹ áp thuế cao đối với nhiều hàng hóa của Việt Nam, trong đó có mặt hàng nội thất làm từ gỗ.

Doanh nghiệp xuất khẩu hàng nội thất sang Mỹ đã hơn 10 năm nhưng gần đây anh phải cẩn trọng hơn trong việc chuẩn bị hồ sơ truy xuất nguồn gốc. Anh chia sẻ, rõ ràng nhà máy do mình thiết kế, tự sản xuất, gỗ mua ở Yên Bái, sơn thì từ Bắc Ninh nhưng gần đây họ vẫn cần thêm bằng chứng là “tất cả làm ở Việt Nam thật”. Nguyên nhân do đối tác nghi Việt Nam là nơi "lẩn tránh" thuế quan từ nước thứ ba.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng gần đây đã siết chặt các biện pháp phòng vệ thương mại. Họ không chỉ áp thuế cao đối với một số mặt hàng có nguồn gốc từ các nước thứ ba mà còn gia tăng điều tra về hành vi đưa hàng hóa từ nước khác vào Việt Nam, thay đổi bao bì, nhãn mác, để gắn mác "Made in Viet Nam" rồi xuất khẩu sang Mỹ.

Nếu không kiểm soát tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành “trạm trung chuyển trá hình”, bị cuốn vào những cuộc điều tra và trừng phạt thương mại. Hậu quả thì không chỉ dừng ở một doanh nghiệp, một ngành hàng mà có thể là cả thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng. Uy tín hàng Việt dễ bị nghi ngờ.

Việc phụ thuộc vào một hoặc một vài thị trường xuất khẩu chủ lực đang trở thành một rủi ro lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng. Những thay đổi bất ngờ về thuế, tiêu chuẩn kỹ thuật hay quy định về xuất xứ hàng hóa từ các thị trường có thể lập tức khiến doanh nghiệp địa phương bị trả hàng, mất hợp đồng do hàng hóa giảm tính cạnh tranh, thậm chí vướng vào các vụ kiện thương mại.

Để tránh “đứt gãy thị trường”, giải pháp then chốt là phải chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Không thể tiếp tục “đặt tất cả trứng vào một giỏ” mà cần mở rộng hệ thống phân phối sang các thị trường mới như châu Á, Trung Đông, châu Phi hoặc Đông Âu.

Để thực hiện được điều đó, doanh nghiệp Hải Dương cần chủ động nghiên cứu thị trường ngách, đầu tư cho xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ chuyên ngành và nâng cấp năng lực thương mại điện tử xuyên biên giới.

Chính quyền địa phương cần đóng vai trò “bà đỡ” trong quá trình hội nhập của doanh nghiệp. Có thể nghiên cứu xây dựng bản đồ thị trường xuất khẩu theo ngành hàng, chỉ rõ các thị trường tiềm năng theo nhóm sản phẩm cụ thể. Tổ chức các chương trình đào tạo thực chất về thương mại quốc tế, hỗ trợ chi phí phát triển thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu vùng xuất khẩu.

Chỉ khi doanh nghiệp Hải Dương tự trang bị cho mình tư duy thị trường chủ động, còn chính quyền đóng vai trò kiến tạo, định hướng và hỗ trợ hiệu quả, quá trình hội nhập kinh tế mới thực sự bền vững. Đa dạng thị trường không chỉ là lựa chọn khôn ngoan mà là yêu cầu sống còn để doanh nghiệp không bị cuốn theo những biến động bất ngờ từ bên ngoài.

Cùng với đó để tránh bị 'vạ lây' vì gian lận xuất xứ hàng hóa cần theo dõi chuỗi giá trị sản phẩm, mức độ chế biến, tỷ lệ nội địa hóa thực sự.

Không ít doanh nghiệp Hải Dương đã bước đầu áp dụng nhật ký điện tử để theo dõi toàn bộ quá trình từ nhập nguyên liệu đến chế biến, đặc biệt là kiểm soát đầu vào chặt chẽ ngay từ đầu. Đó là hướng đi đúng.

Tại Hội nghị với các bộ ngành, hiệp hội và doanh nghiệp ngày 7/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng trong thách thức luôn có cơ hội và đây là thời điểm để Việt Nam tái cấu trúc sản xuất, nâng cao năng lực nội tại, làm thật, bán thật, chứng minh thật. Chúng ta phải vươn lên mạnh mẽ, không được phép yếu đi.

BẢO ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/dung-cho-trung-vao-mot-gio-409048.html