Đừng cổ súy lối sống thuận tự nhiên, bài trừ tiêm vaccine
Những năm qua, trào lưu sống thuận tự nhiên lan rộng, thu hút một bộ phận người tin rằng cơ thể con người có khả năng 'tự chữa lành', không cần đến thuốc hay can thiệp y tế. Biến tướng nguy hiểm nhất của xu hướng này chính là việc bài trừ vaccine một cách cực đoan, lan truyền những kiến thức y tế lệch lạc trong cộng đồng.
Hậu quả nguy hiểm khi bài trừ vaccine
Cùng với sự phát triển và lan truyền của trào lưu thuận tự nhiên ngoài đời và trên mạng xã hội với các quan điểm sinh con tại nhà không đến cơ sở y tế, khi có bệnh cơ thể tự chữa lành không cần thuốc men..., thì phong trào bài trừ vaccine cũng phát triển âm thầm nhưng không kém mạnh mẽ, gây ra nhiều nhận thức sai lệch về y tế cộng đồng.
Trào lưu này phát triển mạnh mẽ nhất ở thời điểm sau khi COVID-19 bùng phát. Một bộ phận người dân đã “quay lưng” với việc tiêm vaccine phòng dịch. Không chỉ thế, mạng xã hội liên tục xuất hiện những thông tin được chia sẻ từ các nguồn nước ngoài không rõ xuất xứ, cảnh báo tác hại nguy hiểm của các loại vaccine phòng Covid-19. Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù lợi ích của vaccine đã được chứng minh rõ trong việc cứu sống sinh mạng hàng triệu người, giúp đẩy lùi đại dịch, thì nhiều người vẫn lan truyền các thông tin trái chiều về vaccine và “quy tội” cho vaccine trước các thông tin không liên quan: Các loại bệnh theo mùa bùng phát, những ca đột quỵ xuất hiện ở nhiều lứa tuổi...
Hiện nay, trào lưu bài trừ vaccine vẫn tiếp tục diễn ra trong đời sống và đối tượng mà những người theo quan điểm thuận tự nhiên cực đoan hướng đến là các loại vaccine phòng bệnh cho thai phụ, trẻ em... Cách đây ít lâu, một người mẹ trong cộng đồng thuận tự nhiên đã đăng bài viết “khoe” rằng con mình từ khi sinh ra đến nay, nhờ mẹ đã “sáng suốt” không cho tiêm mũi vaccine nào nên con rất khỏe mạnh, sức đề kháng tốt, không bệnh vặt. Người phụ nữ này cũng “kết tội” vaccine chính là “cú lừa” của những người làm y tế, góp phần làm suy yếu cả một thế hệ. Mặc dù luận điểm này hết sức vô lý, thiếu căn cứ và phản khoa học, nhưng bên cạnh những người phản biện, thì có một bộ phận không nhỏ vào đồng tình, cho biết cũng quyết định không cho con tiêm vaccine từ khi trong bụng mẹ lẫn chào đời. Nhiều người dẫn ra một số trường hợp hiếm hoi biến chứng sau tiêm vaccine để quy kết đó là “hậu quả gặp phải khi tiêm chủng”.
Những người bài trừ vaccine tin rằng vaccine gây hại cho cơ thể, giảm khả năng tự nhiễm dịch, thậm chí đổ lỗi rằng vaccine có liên quan đến tự kỷ hay vô sinh và nhiều loại bệnh tật khác. Thuyết âm mưu này được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, trong đó có những người thuộc tầng lớp trí thức, tiếng nói có sức ảnh hưởng... đã góp phần dẫn dắt, lôi kéo một bộ phận khác cũng ngần ngại hoặc từ chối tiêm vaccine.
Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã bày tỏ lo ngại, mỗi khi xảy ra trường hợp tai biến sau tiêm vaccine, dù có thể là do nguyên nhân khách quan, thì trào lưu “anti vaccine” (tẩy chay vaccine) lại nổi lên. Tuy nhiên, nếu chứng kiến trẻ nhỏ nằm bất động do bệnh dịch tấn công vì cha mẹ quên hoặc không quan tâm đến việc tiêm chủng cho con, thì mới thấy được hậu quả to lớn thế nào.
Những trường hợp tái bùng phát dịch bệnh đã tưởng được kiểm soát tại Việt Nam những năm qua như sởi hay bạch hầu, ho gà, viêm gan B... chính là những cảnh báo rõ ràng nhất. Tại nhiều quốc gia phương Tây, các dịch bệnh như viêm não, thủy đậu... cũng cướp đi hàng ngàn sinh mạng trẻ em, để lại tật nguyền suốt đời cho trẻ, cũng chỉ vì những bậc cha mẹ “nói không” với vaccine trong thai kì và sau khi con ra đời.
Tại Việt Nam, xu hướng bài trừ vaccine đang tiềm ẩn nguy cơ lặp lại những thảm kịch từ dịch bệnh. Không những gây nguy hiểm cho bản thân, những người từ chối vaccine còn tổn hại các đối tượng yếu thế như trẻ sơ sinh, người già hay người bị suy giảm miễn dịch.
Tiêm Vaccine là trách nhiệm xã hội
Trên thực tế, vaccine đã được chứng minh là một trong những thành tựu khoa học vĩ đại nhất, cứu sống hàng triệu người trên toàn thế giới. Các nhà khoa học đã đưa ra rất nhiều luận chứng có nguồn gốc, dựa trên nghiên cứu lâm sàng để đập tan các quan điểm bài trừ vaccine.
Các nghiên cứu quốc tế những năm qua đã cho thấy, khoảng 85 - 95% người được tiêm vaccine sẽ phát triển miễn dịch chủ động đặc hiệu, giúp cơ thể chống lại các bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, bạch hầu, ho gà và nhiều bệnh nguy hiểm khác. Điều này không chỉ bảo vệ cá nhân mà còn đóng góp vào việc bảo vệ cộng đồng, giảm thiểu sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm trong xã hội.
Theo các nghiên cứu và thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm chủng đã giúp ngăn ngừa từ 3,5 - 5 triệu ca tử vong mỗi năm do các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng như bạch hầu, uốn ván, ho gà, cúm và sởi gây ra. Số ca mắc bệnh bại liệt đã giảm từ trên 300.000/năm vào giai đoạn những năm 1980 xuống chỉ còn 358 trường hợp năm 2014.
Trong hơn 50 năm, vaccine đã ngăn ngừa gần 94 triệu ca tử vong do bệnh sởi. Đặc biệt, nhờ vaccine bại liệt, hơn 20 triệu người trên thế giới hiện nay vẫn có thể đi lại bình thường, thay vì phải sống với di chứng liệt vĩnh viễn.
Tại Việt Nam, thành công của công tác tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em và cả người lớn. Nhờ vào vaccine, Việt Nam đã thanh toán bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc các bệnh thuộc tiêm chủng trên 100.000 dân nếu so sánh năm 2010 với năm 1984 thấy: Bệnh bạch hầu giảm 585 lần, ho gà giảm 937 lần, uốn ván sơ sinh giảm 59 lần, sởi giảm 573 lần.
Theo các chuyên gia y tế, trẻ em cần thiết phải được tiêm chủng với nhiều lý do: Trẻ dưới 5 tuổi hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh; trẻ thường tiếp xúc không chọn lọc; một số bệnh lý có khuynh hướng gia tăng, đồng thời, một số bệnh hiện nay khả năng giải quyết của y học còn hạn chế và cần đến sự ngăn ngừa từ vaccine.
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho thấy, việc người dân có lo ngại về những “mặt trái” của vaccine là có thể hiểu được. Tất cả các loại vaccine đều phải đáp ứng tiêu chuẩn an toàn và hiệu lực cao, trải qua quy trình kiểm định nghiêm ngặt trước khi được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, giống như mọi loại thuốc, không có vaccine nào hoàn toàn đảm bảo an toàn tuyệt đối, vì bản chất của tiêm chủng là đưa một kháng nguyên lạ vào cơ thể để kích thích hệ miễn dịch.
Phản ứng với vaccine ở mỗi cá nhân là khác nhau. Phần lớn các trường hợp chỉ gặp phản ứng nhẹ, như sốt hoặc đau sưng tại chỗ tiêm và các triệu chứng này thường tự khỏi trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, một số trường hợp hiếm hoi có thể xảy ra phản ứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, hoặc thậm chí sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Điều này giải thích tại sao, trong cùng một lô vaccine hoặc thậm chí cùng một lọ, một số trẻ có thể xuất hiện phản ứng nghiêm trọng trong khi những trẻ khác hoàn toàn bình thường. Đây là kết quả của sự khác biệt trong cơ địa và phản ứng miễn dịch cá thể, không phải do chất lượng của vaccine hay “tác hại” của vaccine như nhiều người thường nhầm tưởng. Tuy nhiên, xét trên tổng thể, hiệu quả đẩy lùi bệnh dịch mà vaccine đem lại cho xã hội loài người là không thể phủ nhận và tiêm ngừa vaccine là hoàn toàn cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, người lớn và những đối tượng có nguy cơ cao.
Có thể nói, tiêm vaccine không chỉ là quyền lợi cá nhân, đó còn là nghĩa vụ xã hội. Mỗi người được bảo vệ nhờ vaccine là góp phần giữ vững hiệu ứng miễn dịch cộng đồng. Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những thách thức từ các bệnh truyền nhiễm mới nổi, việc lan truyền những quan điểm cực đoan như bài trừ vaccine chỉ khiến những nỗ lực y tế trở nên mong manh.
Chính vì thế, mỗi người cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Hãy tôn trọng khoa học y học, lan truyền những thông tin đúng đắn, đừng ngần ngại đầu tư cho tương lai bằng việc tiêm vaccine đầy đủ. Lối sống thuận tự nhiên có thể tích cực nếu được áp dụng đúng cách, nhưng bài trừ vaccine lại là một biến tướng độc hại, cần được nhận diện và loại bỏ.