Đừng để áp lực học hành đè nặng lên con trẻ
Gần cuối học kỳ 1, học sinh chịu áp lực từ khối lượng kiến thức ôn tập. Phụ huynh đôi khi trở thành áp lực gián tiếp, khiến việc học của con trẻ trở nên nặng nề hơn.
Những ngày này, chị T. (ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) lo lắng xem nội dung ôn tập học kỳ 1 của đứa con đang học lớp 4. Ngoài 2 buổi đưa đón con đến trường học, mỗi tối, chị yêu cầu con làm hết phần ôn tập kiến thức được giáo viên giao. Mong con tích lũy kiến thức tốt nhất, chị còn lên mạng tìm kiếm dạng bài tương tự cho con làm. Sáng hôm sau, bản thân chị và con đều cảm thấy mệt mỏi khi bắt đầu một ngày mới. Chị lại thức sớm, lo bữa ăn và đưa con đến trường. Chị chia sẻ: “Nội dung chương trình học hiện tại khác nhiều quá, tôi cảm tưởng con học lớp 4 nhưng phải gánh chương trình học của lớp 6, 7 ngày trước. Nếu tôi không giúp thì không biết con sẽ tiếp thu được bao nhiêu, làm sao vượt qua kỳ thi và đạt kết quả tốt nhất”.
Chị Trần Thị Thúy An (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) ngao ngán: “Tôi vừa xem nội dung 30 câu ôn tập môn Tin học lớp 4 của con mà thấy “ngợp” với lượng kiến thức về phần cứng, phần mềm, soạn thảo văn bản… Môn làm văn còn khổ sở hơn, con không biết cách làm, tôi cũng không biết cách hướng dẫn con”. Những gia đình vốn trọng thành tích, định hướng nghề nghiệp cho con ngay từ nhỏ thì càng dốc sức ôn tập cho con nhiều hơn. Thậm chí, có phụ huynh còn tạm hoãn mọi cuộc hẹn, lớp bồi dưỡng, năng khiếu của con, chỉ để cùng con tập trung ôn tập. “Tôi nhìn thấy phụ huynh chăm lo con học mà tội nghiệp. Từ sáng đến trưa đã học trên lớp, về nhà ngủ được chút, đầu giờ chiều đến trường học tiếp, chiều tối lại ôn tập kiến thức, làm bài tập, xem trước nội dung bài ngày mai” - một phụ huynh kể.
Nhận thấy thúc ép con học quá nhiều không hay, mặc kệ con tự học tập cũng không phải là cách tốt, nhiều phụ huynh đã quan tâm đúng mức. Chị G. (phường Đông Xuyên, TP. Long Xuyên) nhận ra sai lầm khi bắt con học tập từ sáng đến tối. Ngày 2 buổi chính khóa; tối thứ 2, 4, 6 lại đưa con đến trung tâm ngoại ngữ tiếp tục học Anh văn; chiều thứ 3, 5 đăng ký cho con tập võ. Thấy con uể oải, lo sợ mỗi khi đến giờ học tiếng Anh, chị G. quyết định cho con nghỉ tất cả môn ngoại khóa, dành thời gian nghỉ ngơi, cùng chơi thể thao để con có cuộc sống thoải mái, chất lượng hơn.
Cùng quan điểm như chị G, cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Thủy (giảng viên Trường Đại học An Giang) chia sẻ thêm: “Thật ra, chương trình giáo dục phổ thông mới không nặng như nhiều phụ huynh nghĩ. Các em có khả năng thích ứng, tiếp thu bài học ngay trên lớp. Phụ huynh đừng tạo thêm áp lực học tại nhà cho con, như làm bài tập thêm hay dành thời gian xem bài trước. Thay vào đó, cần dành thời gian kiểm tra xem con đã được học gì trên lớp, khơi gợi tính ứng dụng của bài học có thể áp dụng vào cuộc sống, kích thích tính sáng tạo của con trẻ. Phụ huynh không nên quá lo lắng mà cho con theo nhiều lớp học thêm, chỉ nên cho con học năng khiếu, thể thao rèn luyện sức khỏe, phù hợp sở thích của con và hoàn cảnh gia đình. Vào dịp cuối tuần, nếu đủ thời gian, nên cho con được thư giãn, tạo môi trường vui chơi, tham gia lớp kỹ năng sống, trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên. Được như vậy, các con vừa thư giãn, vừa học tập rất nhiều từ tự nhiên hoặc có sự liên hệ, kết nối tốt giữa bài học trên lớp và thực tế cuộc sống. Từ đó, con cảm thấy việc học có ý nghĩa, tăng niềm vui, động lực đến trường hơn”.
Sự thiếu thốn điều kiện học tập của thế hệ trước đã làm nảy sinh tâm lý ở các bậc phụ huynh “phải dốc toàn tâm toàn sức để con học tập thật tốt”. Hoặc để có thêm thành tích, niềm tự hào để họ không lạc lõng trên mạng xã hội, có cái “khoe” với bạn bè. Điều đó vô tình đẩy con họ vào áp lực học tập không đáng có của lứa tuổi, gây áp lực lên cả phụ huynh khác. Ở góc độ giáo dục, áp lực ôn tập, áp lực thi cử là điều nên có, để tạo động lực cho các em vươn lên, đạt đến những cột mốc mới. Tuy nhiên, phụ huynh hãy để cho con được học tập, vui chơi hợp lý. Khi không có quá nhiều áp lực, trẻ có thể phát huy năng lực, sở trường và tiến bộ vượt bậc...
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dung-de-ap-luc-hoc-hanh-de-nang-len-con-tre-a383412.html