Đừng để giới trẻ 'mắc kẹt' với thói quen 'ngủ ngày cày đêm'

'Ngủ ngày cày đêm' là một sinh hoạt xấu không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe tâm thần.

“Cú đêm”, “ngủ ngày cày đêm”,... là cụm từ quen thuộc với những người trẻ có thói quen thức khuya ngủ ngày. Đây là một sinh hoạt xấu không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe tâm thần.

Muôn kiểu “ngủ ngày cày đêm”

N.V.M (19 tuổi, ở Hà Nội), từng là học sinh giỏi, bước vào đại học với nhiều kỳ vọng. Nhưng vì muốn “tận dụng đêm để học cho yên tĩnh” sau đó cho “thư giãn”, và thi thoảng mang máy tính xách tay ra quán cà phê ngồi đọc báo, xem YouTube, TikTok đến gần sáng hôm sau mới về ngủ. Dần dần, mọi sinh hoạt của M đảo ngược nhịp sống, tình trạng mệt mỏi trở thành mãn tính, mất động lực học, tránh né bạn bè, khủng hoảng nhẹ đến mức phải đến Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) trị liệu tâm lý.

TS.BS Trần Thị Hồng Thu khám và tư vấn cho người bệnh mắc rối loạn giấc ngủ

TS.BS Trần Thị Hồng Thu khám và tư vấn cho người bệnh mắc rối loạn giấc ngủ

Đây không phải trường hợp cá biệt. T.V.D với biệt danh “cú đêm” mới tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa 2 năm chia sẻ: “Ban đầu tôi chỉ định thức vài hôm cho kịp deadline. Nhưng rồi quen dần, sáng ngủ đến 11-12h, tối làm việc đến 4-5h sáng. Bây giờ tôi muốn quay lại nếp cũ cũng không nổi, đầu óc lú lẫn, mất năng lượng, chán nản triền miên…”.

Cũng tình cảnh có con mắc thói quen “ngủ ngày cày đêm”, chị L.T.N chia sẻ: “Con gái tôi đang học năm 3 đại học chuyên ngành mỹ thuật. Không hiểu chúng học hành kiểu gì mà cứ chiều tối, chả thèm ăn uống cùng gia đình, chỉ chăm chăm kiếm chỗ đặt lưng ngủ. Đến 23h đêm, con mới đem đồ ăn bày ra bàn, vừa ăn vừa mở laptop “chát nhóm cùng các bạn làm bài tập”. Con lý sự, làm bài như thế mới đạt điểm cao. Dù biết đây là thói quen cực xấu nhưng tôi hoàn toàn bất lực vì không thể khuyên nhủ con thay đổi nếp sinh hoạt”, chị N buồn rầu nói.

“Ngủ ngày cày đêm” không phải là lối sống cá tính hay hiệu quả, mà là một dấu hiệu lệch nhịp sinh học, càng kéo dài càng khó sửa. Các bạn trẻ nên áp dụng ngay các biện pháp phòng ngừa như hạn chế dùng thiết bị điện tử ít nhất 1 tiếng trước giờ ngủ; tăng tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên vào buổi sáng để giúp cơ thể tự điều chỉnh đồng hồ sinh học. Đặt giờ đi ngủ và thức dậy cố định mỗi ngày, kể cả cuối tuần. Nếu đang ngủ ngày, hãy dịch dần thời gian dậy sớm hơn 15-30 phút mỗi ngày. Đừng đợi đến khi sức khỏe xuống dốc hay tinh thần suy sụp mới bắt đầu thay đổi.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), “ngủ ngày cày đêm” là hiện tượng đảo ngược hoàn toàn nhịp sống sinh học. Tức là thức vào ban đêm và ngủ vào ban ngày, thay vì theo nhịp sinh học tự nhiên là ngủ đêm, thức ngày. Hiện tượng này phổ biến nhất ở nhóm từ 15-30 tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên, người làm nghề tự do, người làm việc online hoặc các bạn thường xuyên “cày game”, “cày deadline”.

“Điều đáng nói là, nhiều người đang xem đó là điều bình thường, thậm chí còn tự hào vì “làm việc năng suất về đêm”, nhưng thực chất đây là một thói quen sai lầm, âm thầm gây hại cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần mà chúng tôi thường gọi đó là “tự hủy diệt chậm rãi”. Có người ban ngày luôn buồn ngủ, nhưng đêm lại tỉnh táo “lạ thường”. Dù ngủ đủ giờ (8-10 tiếng) vẫn cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Hay khó ngủ vào giờ bình thường (sau 23h); Cảm thấy chán nản, mất động lực, trì hoãn công việc; lệ thuộc vào cà phê, đồ ngọt hoặc chất kích thích để tỉnh táo ban ngày”, TS.BS Hồng Thu nêu ví dụ.

Bà Hồng Thu chỉ ra rằng, có lẽ giới trẻ hiện nay đang dần “mắc kẹt” với thói quen thức khuya và ngủ ngày. Đằng sau những đêm “cày” là áp lực công việc, học tập, sự kỳ vọng từ gia đình và cả sự hấp dẫn từ các thiết bị điện tử, mạng xã hội khiến nhiều bạn cố gắng tận dụng ban đêm để làm việc. Kết quả là, giờ giấc sinh hoạt hàng ngày không còn được cân bằng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. “Các bạn trẻ cứ nghĩ ban đêm yên tĩnh, ít bị làm phiền, tạo cảm giác dễ tập trung nhưng cảm giác “tỉnh táo” này thật ra là do hệ thần kinh bị kích thích quá mức, chứ không phải là hiệu suất thật sự. Và vòng lặp nguy hiểm xảy ra là ngủ ngày thì khó ngủ đêm, rồi lại thức khuya, dẫn đến ngày càng mệt mỏi, khó quay lại nhịp sống bình thường”, TS.BS Trần Thị Hồng Thu phân tích.

Bác sĩ Hồng Thu tư vấn cho người mắc rối loạn giấc ngủ tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương

Bác sĩ Hồng Thu tư vấn cho người mắc rối loạn giấc ngủ tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương

Những hệ lụy nghiêm trọng tới thể chất và tinh thần

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, thiếu ngủ liên tục có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, béo phì và trầm cảm. Thức quá khuya trong thời gian dài sẽ là yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Vấn đề này càng dễ xảy ra đối với các bệnh nhân có bệnh nền cao huyết áp hay tim mạch. TS.BS Trần Thị Hồng Thu nêu dẫn chứng một bài nghiên cứu tại Đại học Harvard phát hiện rằng, những người có thói quen thức khuya thường khó khăn tập trung chú ý, khó đưa ra quyết định hoặc thể hiện sáng tạo - đó là những kỹ năng sống còn trong thời đại cạnh tranh khốc liệt này.

Ghi nhận tại các cơ sở y tế, số người trẻ đến thăm khám các bệnh như suy nhược cơ thể, mệt mỏi, mất ngủ kéo dài, căng thẳng tâm lý, thiếu tập trung, trầm cảm... Trong đó, nguyên nhân trầm cảm, lo âu thì nhiều, bao gồm cả những thói quen có hại. Những dẫn chứng thực tế và nghiên cứu khoa học đã làm rõ “ngủ ngày cày đêm” không chỉ đơn thuần là một lựa chọn cá nhân, là thói quen xấu, mà là một dạng rối loạn cần được điều chỉnh, càng sớm càng tốt, bởi nguy cơ tiềm ẩn có thể phá hủy cả sự nghiệp và cuộc sống của người trẻ.

Khi người trẻ liên tục thức khuya, sẽ mất đi thời gian quý báu bên gia đình, bạn bè và cộng đồng. Mối quan hệ xã hội trở nên mong manh, dẫn đến cảm giác cô đơn và tách biệt - điều mà nhiều nghiên cứu tâm lý hiện đại đã chỉ ra là nguồn gốc của nhiều vấn đề tâm lý nghiêm trọng”.

TS.BS Trần Thị Hồng Thu

Tại Việt Nam, theo một khảo sát online của Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai, năm 2023), có tới 64% thanh thiếu niên và người trẻ thừa nhận thường xuyên ngủ sau 1h sáng. 32% ngủ sau 3h sáng ít nhất 3 ngày/tuần. Hơn 70% cho biết từng cảm thấy mất năng lượng, mệt mỏi và không thể tập trung sau chuỗi ngày “thức khuya - ngủ ngày”.

“Thức khuya thường xuyên gây hệ quả nghiêm trọng đến thể chất lẫn tâm lý nếu kéo dài: Gây mất tập trung, suy giảm trí nhớ, dễ kích động, cáu gắt, suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, tim mạch, rối loạn tiêu hóa. Đáng nói, với nữ giới, còn gây rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, da xấu, tăng cân. rối loạn nội tiết, ảnh hưởng khả năng sinh sản và phát triển chiều cao (ở tuổi dậy thì)”, TS.BS Trần Thị Hồng Thu cho hay.

Thức khuya cũng gây ra tình trạng mất tập trung, chóng mặt vào ban ngày, ảnh hưởng lớn đến công việc, sinh hoạt, làm tăng nguy cơ tai nạn lao động, tai nạn giao thông. Một nghiên cứu của Đại học Oxford (năm 2022) phát hiện những người ngủ từ 2h sáng trở đi có nguy cơ trầm cảm và rối loạn lo âu cao hơn 3 lần so với người ngủ đúng giờ, dù tổng thời gian ngủ giống nhau.

Trước những tác hại của thức khuya, vị chuyên khoa sức khỏe tâm thần Trần Thị Hồng Thu nhắn nhủ các bạn trẻ cần tập thói quen ngủ đủ giấc, đúng giờ, tránh dùng các chất kích thích trước khi đi ngủ. Riêng đối với những người làm việc ở môi trường có tính chất cần thức khuya hoặc không thể ngủ vào ban đêm, cần tự điều chỉnh như giữ lịch trình giấc ngủ nhất quán hay đặt mục tiêu ngủ sâu 8 tiếng…

Lưu Hường/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/dung-de-gioi-tre-mac-ket-voi-thoi-quen-ngu-ngay-cay-dem-post1190764.vov