Đừng để hối tiếc
Thời gian trôi đi không thể quay trở lại. Vì vậy, những câu nói kiểu 'giá như...', 'ước gì…' vẫn thường được dùng khi người ta cảm thấy tiếc nuối về một điều mình đã từng làm, một việc đã xảy ra và mong muốn nó xảy ra theo một chiều hướng tích cực.
Có những sai lầm có thể sửa chữa nhưng phần lớn những việc đã làm không còn cơ hội làm lại và nó khiến người ta phải sống trong day dứt, ân hận.
Người ta vẫn thường nhắc nhau: Việc hôm nay chớ để ngày mai. Nhưng rồi, vì những lý do khác nhau mà đôi lúc mọi việc không diễn ra theo đúng tiến độ. Tôi vẫn còn nhớ một bài thơ đọc được từ khi còn nhỏ. Bài thơ kể về một cậu bé ham chơi, cứ nghĩ bài tập dễ có thể hoàn thành nhanh trước giờ đi học nên đã đi chơi suốt cả buổi. Kết quả là vì quá mệt nên sáng hôm sau cậu thức dậy muộn và không thể hoàn thành bài trước giờ đi học.
Đến lớp, thầy gọi lên bảng thì không trả lời được. Cậu đã rất xấu hổ, ân hận và tự hứa từ nay nhất quyết khi có bài tập về nhà là phải làm ngay. Trong cuộc đời học sinh, có rất nhiều bài tập phải hoàn thành đúng thời hạn. Vì vậy, việc rèn luyện cho mình tính kỷ luật là một cách để không phải hối tiếc về sau.
Quãng đời học sinh là khoảng thời gian quý giá để chuẩn bị cho tương lai phía trước. Thành công, thất bại trong đời phụ thuộc rất lớn vào khoảng thời gian này. Bởi vậy mà thầy cô, cha mẹ vẫn khuyên bảo học trò và con em họ đừng lãng phí thời gian, đừng để sau này phải nói lời ân hận.
Cuộc đời con người không ai tránh khỏi những sai lầm. Với một số sai lầm nhỏ nhặt thì hậu quả không nghiêm trọng và có thể sửa chữa. Nhưng có những việc gây ra để lại hậu quả lớn mà người tạo ra nó cũng không lường hết được. Người ta thường đổ lỗi cho những thất bại của mình là do số phận, nhưng thường thì những gì mình nhận được là kết quả của những việc mình đã làm.
Tuổi nhỏ không chăm chỉ, không phấn đấu, không rèn luyện bản thân thì không thể có được sự thành công trong tương lai. Có những việc người ta cứ lần lữa vì nghĩ còn nhiều thời gian để làm, hóa ra là không còn kịp nữa.
Chúng ta vẫn thường nghe đến sự vô thường của cuộc sống, nhưng lại không nghĩ nó sẽ đến với người thân yêu của mình bất cứ lúc nào nên đôi khi còn cư xử với nhau chưa trọn vẹn, để rồi không còn cơ hội để sửa sai.
Tôi đã trải nghiệm sự đau xót khi mất đi người thân yêu nhất và tiếc nuối về những điều mình không làm được. Khi ba tôi còn sống, ông rất thích đọc sách báo và luôn mong muốn tôi tập viết. Nhưng rồi, công việc bận rộn và cũng vì không đủ tự tin nên tôi chưa làm được điều đó. Sau này, khi có nhiều thời gian hơn, tôi tập tành viết lách thì ba không còn nữa. Thời gian không đợi ai nên mỗi người cần làm những gì có thể làm được, đừng chờ khi mình có nhiều tiền hơn, có nhiều điều kiện hơn.
Có nhiều người vì nóng giận và vội vàng mà gây tổn thương cho người khác. Những tổn thương ấy có thể dẫn đến những hậu quả khác nhau. Đầu tiên là tổn hại mối quan hệ. Có những trường hợp vì những tổn thương mà 2 bên không thể có lại mối quan hệ bình thường. Nghiêm trọng hơn, có những trường hợp ảnh hưởng nặng nề đến thân thể, danh dự, nhân phẩm khiến người thương tật, kẻ vào tù hoặc đôi khi phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
“Nhân vô thập toàn”, “Thánh nhân còn có khi nhầm” nên những lỗi lầm, những sai sót trong cuộc đời mỗi người thì không ai tránh được. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể học cách điều khiển cảm xúc của mình cùng với việc cố gắng hết mình để mọi việc trở nên hoàn hảo hơn. Vậy nên, hãy sống với tất cả những yêu thương, nỗ lực bằng tất cả khả năng để đừng bao giờ phải nói lời hối tiếc.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/dung-de-hoi-tiec-post285432.html