Đừng để hôn nhân vào chế độ 'lái tự động'

Khi tôi đặt câu hỏi: Vợ chồng bạn có cố định một ngày nào trong tuần, trong tháng để ngồi nói chuyện với nhau về hôn nhân của mình không? Hầu hết bạn đọc của tôi đều nói là không. Thường thì khi nào xảy ra chuyện mới nói chuyện hoặc không thì tùy lúc rảnh.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chúng ta thường chỉ có thói quen nói chuyện nghiêm túc khi… xảy ra chuyện. Là nhắn cái tin, gọi cú điện thoại. Và thường khi đó chỉ là để giải quyết vấn đề đã xảy ra rồi. Nên khi ấy, cuộc trò chuyện giống như một phiên tòa nhiều hơn là cuộc trò chuyện thực sự.

Hay cả những cặp đôi chịu khó tâm sự với nhau, nói chuyện với nhau cũng vậy, là chỉ nói chuyện vui vẻ (hoặc buồn bực) khi đó. Có góp ý cũng chỉ là theo tính thời điểm, có đánh giá cũng chỉ như những lời khen nhất thời hay lời chê lúc đó. Không có định hướng, chẳng có suy nghĩ sâu xa thì làm sao có kế hoạch?

Vẫn biết rằng cuộc sống quá nhiều áp lực khiến chúng ta ưu tiên giải quyết nó hơn là chuyện hôn nhân. Chúng ta để hôn nhân của mình vào chế độ "lái tự động" và tin rằng nó vẫn ổn, khi nào bất ổn mới phải tính.

Nhưng như mọi mối quan hệ khác trong cuộc đời, chúng ta đều phải nuôi dưỡng nó, chăm sóc nó thì nó mới có thể tốt đẹp lên được. Hôn nhân càng phải được dành nhiều thời gian cho nó nhất vì nó là mối quan hệ dễ xảy ra chuyện nhất nếu chúng ta bỏ mặc nó.

Tôi vẫn cho rằng, việc ta lên lịch cố định, có một chỗ an toàn, yên tĩnh, thoải mái để hai vợ chồng ngồi lại bên nhau nói chuyện nghiêm túc với nhau về chính cuộc hôn nhân của mình giúp chúng ta căn chỉnh kịp thời những vấn đề khi nó mới chỉ manh nha, bắt đầu.

Chúng ta có thể sửa chữa cả những hiểu sai và tìm ra cách làm đúng hơn trong những lần kế tiếp. Giống như những cuộc họp của cơ quan, công ty vậy, nơi chúng ta tìm ra những vấn đề khúc mắc, gỡ rối cho nhau những trục trặc trong vận hành, giúp nhau gia tăng năng suất làm việc, đưa cho nhau định hướng chiến lược của tổ chức thời gian tới và cùng lập kế hoạch, lộ trình trong những nhiệm vụ kế tiếp.

Hồi tưởng những khoảnh khắc đẹp qua trò chuyện

Công ty, cơ quan liên quan đến nhiều người, nhiều bộ phận, nhiều đầu việc chứ hôn nhân chỉ có 2 người, việc thì cũng chỉ có vậy, không lẽ lại hỏi nhau: Tháng này tiền lương anh đưa em đã đủ chưa? Không! Chúng ta có rất nhiều câu hỏi cần "check" với nhau.

Nhà văn Hoàng Anh Tú

Nhà văn Hoàng Anh Tú

Là mối quan hệ giữa hai người, về hôn nhân của chúng ta. Như việc định kỳ bày tỏ lòng biết ơn với bạn đời sẽ khuyến khích bạn đời làm việc đó nhiều hơn nữa. "Cảm ơn anh vì tháng vừa rồi đã giúp em chăm con trong thời gian em phải chạy deadline cho công ty".

"Cảm ơn em vì tuần vừa rồi em đã mua cho anh chiếc áo. Anh đã hạnh phúc vô cùng khi mặc nó". Là chúng ta có hàng chục lời cảm ơn dành cho nhau trong suốt tuần qua, tháng qua kia mà, đúng không?

Là sự ghi nhận, đánh giá cao về những hành động của bạn đời, khiến họ cảm thấy họ đã không phí phạm thân tâm khi làm điều đó cho mình. Là chúng ta nhìn ra những điều đối phương đã làm cho mình thay vì chỉ thấy những điều đối phương chưa làm.

Nghiên cứu năm 2023 được công bố trên tạp chí "Current Opinion in Psychology" cho thấy, cảm giác được người yêu/bạn đời hiểu và đánh giá cao có thể thúc đẩy sự tích cực trong mối quan hệ và tăng cường kết nối. Sự đánh giá cao còn giúp ích nhiều hơn trong chống lại những trải nghiệm tiêu cực.

Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên tạp chí "Khoa học tâm lý và nhân cách xã hội" cho thấy, các cá nhân đánh giá thấp lòng biết ơn của đối tác sẽ dẫn đến mức độ hài lòng trong mối quan hệ thấp hơn".

Không chỉ để khen ngợi, cảm ơn nhau đâu, chúng ta cũng cần gỡ rối cho nhau những khúc mắc trong lòng đối phương. Bằng việc hỏi nhau chân thành nhất, thiết tha nhất: Em/Anh đã trải qua một trải nghiệm rất xấu trong tháng qua.

Thật may chúng ta đã giải quyết được nó. Anh/Em muốn hỏi rằng việc đó đã hoàn toàn được giải quyết chưa? Liệu có còn vấn đề gì phải bàn thêm nữa không? Việc chúng ta lôi lại chuyện đã xảy ra để nói lúc này thực sự sẽ đạt hiệu quả cao hơn lúc nó vừa xảy ra.

Bởi thời gian đủ dài, đủ xa để chúng ta nhìn lại nó được minh triết hơn, đối diện nó bằng tâm thế mở hơn. Chúng ta giúp đối phương thêm lần nữa nói ra những khúc mắc trong lòng họ sẽ giúp vấn đề cũ không còn là cục nghẹn mắc ở cổ của họ nữa.

Bởi nhiều vấn đề chúng ta luôn xử lý theo kiểu dọn rác vào gầm giường khiến rác vẫn nằm đó. Hầu hết những xung đột hôn nhân xảy ra bởi đống rác quét vào gầm giường lâu ngày bốc mùi, gây bệnh như thế.

Một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên tạp chí "Quan hệ xã hội và cá nhân" cho thấy, hồi tưởng lại những ký ức tích cực giúp mối quan hệ có chất lượng hơn và lạc quan hơn. Vì thế, đừng quên sử dụng những cuộc trao đổi này để hồi tưởng những khoảnh khắc đẹp, những việc tốt lành chúng ta đã làm cho nhau trong tháng qua.

Như một nụ hôn giống hôm nọ. Như cái cách anh mua quà tặng em hôm trước. Như cái cách em chạm vào anh hôm thứ 7. Như cái hôm Chủ nhật hai đứa mình đi xem ca nhạc, đó là ngày khiến em thấy mình trở về hồi đang yêu của hai chúng ta.

Biến những cuộc trao đổi này thành khoảng thời gian ngọt ngào ta dành cho nhau. Không điện thoại, không con cái, không công việc, không mệt mỏi, áp lực. Là dành tặng nhau thời gian chất lượng nhất vậy.

Cho hôn nhân năm tháng tươi xanh phía trước

Tôi vẫn nghĩ vậy, về tài sản lớn nhất của hôn nhân là những lời hẹn được già đi cùng nhau, về tương lai của hai vợ chồng là hình ảnh của bạn đời mình, bên mình. Cho dẫu ngoài kia vợ chồng Bill Gates 25 năm hôn nhân cũng tan vỡ, vợ chồng tỷ phú Amazon hay rất nhiều hôn nhân khác có ra sao cũng chẳng sao, miễn là hôn nhân của chúng ta sẽ tốt.

Là dành cho nhau lòng tin về hành trình phía trước khi ta có người ấy ở bên mình. Là dành cho họ con người tốt đẹp nhất mà ta có. Là dành cho cuộc hôn nhân này một sự kết nối bền vững, luôn luôn. Sẽ không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc hôn nhân này.

Tôi luôn tin về việc vợ chồng sẵn sàng dành thời gian cho nhau thì cũng sẵn sàng vì nhau mà thay đổi. Bởi món quà đắt giá nhất chẳng phải là thời gian đó sao? Một khi bạn đời của bạn tặng bạn thời gian của họ thì họ cũng sẽ chẳng tiếc gì việc tự sửa đổi bản thân để khiến bạn hạnh phúc hơn.

CÃI NHAU VẶT LÀM TẮT TÌNH YÊU

Trong cuộc sống hôn nhân có những cuộc cãi vã rất vô lý. Hiểu được nguồn cơn của cuộc cãi vã chính là cách để ta giải quyết chúng.

Cãi nhau vì… mạng xã hội

Nếu những cuộc tranh cãi của hai bạn bắt nguồn từ việc sử dụng mạng xã hội thì nó sẽ trở thành vấn đề lớn hơn. Rõ ràng bạn đời của bạn đang bị mất lòng tin nơi bạn.

Cãi nhau để hơn thua

Chuyên gia tâm lý Emily Marriott, người sáng lập dịch vụ tư vấn Wholesome Therapy, đưa ví dụ về cuộc cãi nhau ngớ ngẩn: Bạn cự cãi là đã đổ rác bốn lần trong tháng nhưng đối phương chỉ làm một lần. "Trên thực tế, việc nhà không thể chia đều 50-50 tuyệt đối", Emily Marriott phân tích. "Cách tính toán này có thể tạo sự hơn thua, gây xói mòn kết nối của vợ chồng".

Cãi nhau vì… việc nhà

Nhiều cặp vợ chồng cãi nhau chỉ vì đối phương rửa bát xong không… lau khô hay lau nhà xong nhà ướt nhoẹt. Là họ không làm theo cách bạn làm. Mà quên rằng văn hóa cũng như cách làm mỗi người khác nhau. Bạn đời không làm việc nhà theo cách của bạn không có nghĩa họ làm sai.

Cãi nhau vì… trong người khó chịu

Có những ngày mà chúng ta khó chịu trong người và dễ nổi nóng. Mà người chúng ta hay trút vào nhất đôi khi lại chính là những người thân, bạn đời của ta. Điều đó sẽ gây tổn thương cho bạn đời vì họ đâu có lỗi.

Cãi nhau vì… áp lực cuộc sống

Áp lực cuộc sống luôn khiến chúng ta căng như dây đàn. Chỉ một sơ sảy nhỏ cũng có thể biến ta thành kẻ giận dữ. Những cuộc cãi nhau vì điều này luôn bị bỏ qua lý do thực sự mà thành lỗi của đối phương.

Hãy chậm lại một chút, tìm hiểu rõ căn nguyên, lý do bắt đầu cãi nhau sẽ giúp bạn "hạ hỏa" và không đẩy hôn nhân của mình đến vực thẳm.

Hoàng Anh Tú

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dung-de-hon-nhan-vao-che-do-lai-tu-dong-20240719142342579.htm