Ứng dụng công nghệ mới trong giám định hài cốt liệt sĩ
Việc ứng dụng công nghệ trong thu thập thông tin và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ giúp rút ngắn thời gian, 'trả lại tên' cho liệt sĩ.
Nước ta còn khoảng 18 vạn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, hơn 30 vạn liệt sĩ đã được quy tập tại các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính. Trong khi thông tin về các liệt sĩ ngày càng bị mai một, hài cốt liệt sĩ bị phân hủy, khó lấy được mẫu ADN, dẫn đến việc thu thập thông tin và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, công tác này đòi hỏi phải chạy đua với thời gian để trả lại tên cho liệt sĩ với tất cả tấm lòng, trái tim và trách nhiệm.
Trung tâm Giám định ADN có quy mô phân tích khoảng 4.000 mẫu hài cốt liệt sĩ/năm. Đây là đơn vị được thành lập theo Đề án 150 của Chính phủ về xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Đến nay, Trung tâm đã thực hiện 800 đợt tách chiết ADN, tương đương khoảng 8.000 mẫu hài cốt liệt sĩ. Tỷ lệ tách thành công dựa trên công nghệ phân tích ADN ti thể đạt 22% (khoảng 1.600 mẫu).
Trong căn phòng rộng chừng 30m², anh Trần Việt Vinh, giám định viên Trung tâm Giám định ADN nâng niu từng mẫu hài cốt liệt sĩ. Những mảnh xương quý giá mang về từ chiến trường là niềm hi vọng của các gia đình liệt sĩ. Các thao tác xử lý trên mẫu không được phép xảy ra sai sót. Sau khi xử lý, mẫu được chuyển sang phòng tách chiết ADN.
Anh Trần Việt Vinh bày tỏ: "Tôi là người đi sau, được hưởng độc lập, tự do từ công lao của các anh hùng, liệt sĩ, tôi có trách nhiệm phải cố gắng hết mình trong công việc".
Ông Vũ Anh Tuấn - Trung tâm Giám định ADN chia sẻ: "Mẫu hài cốt liệt sĩ của Việt Nam toàn 50-80 năm và chất lượng giảm đi từng năm một. Hiện nay, toàn bộ quy trình giám định, nhận dạng hài cốt liệt sĩ đều được tự động hóa, giảm thao tác trực tiếp của con người. Bên cạnh đó, chúng tôi đã nâng công suất trạm mẫu lên rất lớn với công suất theo thiết kế là 4000 mẫu/năm".
Nhằm nâng cao năng lực giám định, mới đây, Mỹ đã chuyển giao công nghệ giám định ADN cho Việt Nam. Phương pháp giải trình tự thế hệ mới nhằm định danh các mẫu hài cốt đã bị phân hủy trong môi trường nhiệt đới nóng ẩm như ở Việt Nam, nâng hiệu suất tách chiết ADN thành công các mẫu hài cốt từ 22% lên 70%, mở ra khả năng khớp nối với thân nhân có quan hệ huyết thống xa đến 4 hoặc 5 thế hệ - điều chưa từng đạt được trước đây.
TS. Trần Trung Thành, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giám định ADN cho biết: "Hiện nay chúng tôi có những triển vọng, cho phép có thể có được 2 kết quả khớp nối thành công. Chúng ta phải trải qua rất nhiều các bước, các thủ tục để đưa được quy trình mới vào công tác giám định thường quy. Tôi rất mong rằng, bằng những kết quả và luận cứ khoa học đáng tin cậy, các cơ quan chức năng có thể thông qua việc áp dụng công nghệ mới trong công tác giám định hài cốt liệt sĩ".
Ngày 27/7, nhiều gia đình chưa tìm được phần mộ của người thân đã lấy làm ngày giỗ của liệt sĩ. Điều này nhắc nhở những người còn sống nỗ lực, trách nhiệm hơn nữa để trả lại tên cho các liệt sĩ, để ngày “trở về” của các liệt sĩ không còn xa.