Đừng để người già phải cô đơn
'Áp lực kinh tế, sự bận rộn trong công việc và cả lối sống ích kỷ của con cháu đang khiến người già ngày càng lẻ loi, cô đơn và yếu thế hơn trong thế giới của mình'. Cô bạn thân của tôi đã thở dài cảm thán sau khi xem lại đoạn video trên Facebook tái hiện vụ việc một cụ già ở Long An bị chính con gái của mình ngược đãi cách đây gần 1 năm trước.
Tôi và bạn gặp nhau trong một buổi chiều muộn giữa chốn Sài thành nhộn nhịp, sau khi bạn tan ca làm còn tôi thì tạm giải quyết xong việc riêng. Nhiều năm không gặp, với chúng tôi, đây là cơ hội quý để hàn huyên tâm sự. Đang vui vẻ trò chuyện thì chính câu nhận định trên của bạn đã kéo chúng tôi chuyển sang chủ đề về cách ứng xử với người già nói chung và con cái với cha mẹ già nói riêng. Có lẽ do trước đây, cả hai đã từng có những trải nghiệm khá sâu sắc khi cùng tác nghiệp về nạn “chăn dắt” người già tại TP. Hồ Chí Minh; hơn nữa, bạn cũng đang tham gia nhóm thiện nguyện hỗ trợ cho người cao tuổi tại các viện dưỡng lão nên chúng tôi có khá nhiều điều để nói.
Bạn kể tôi nghe một vài câu chuyện về việc người già bị bạc đãi mà mình từng chứng kiến. Mỗi câu chuyện, hình ảnh đều neo lại trong bạn những nỗi buồn riêng. Trong đó, không ít trường hợp, người ta dùng cái nghèo khó để biện minh cho hành vi ngược đãi đấng sinh thành. Chẳng hạn như bắt cha mẹ đi bán vé số, làm thuê để kiếm tiền dù đã tuổi cao sức yếu, nếu ngày nào không đưa tiền về thì ngày đó không được ăn no; hay không xót tay đánh đập cha mẹ vì cho rằng việc chia tài sản thiếu sự công bằng... Những người con hành hạ cha mẹ cũng đã nhận bản án lương tâm, nặng hơn là chịu sự trừng phạt của pháp luật. Đáng lo ngại hơn, nhiều người già vì sự bạc đãi của con cháu mà bị đẩy vào cảnh neo đơn, tự mình xin ăn kiếm sống qua ngày.
Bạn tôi chia sẻ thêm một thông tin về kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) từng tiến hành trên nhóm người từ 60 tuổi trở lên tại một số tỉnh thành. Cụ thể, 3% số người cao tuổi được hỏi, nói rằng họ có bị con cái đánh đập; 8,3% bị dọa nhốt trong nhà và 15% bị con cái bỏ rơi, không chăm sóc. Ở cả 3 nhóm 60-69 tuổi, 70-79 tuổi và 80 tuổi trở lên đều phải gánh chịu các hình thức bạo lực gia đình do con cháu gây nên ở những mức độ khác nhau. Dĩ nhiên, tôi vẫn biết có những sự việc không phải lỗi hoàn toàn do con cháu, song cho dù thế nào, thì với đạo lý “kính già yêu trẻ” của người Việt ta thì rõ ràng hành vi ngược đãi, hành hạ đấng sinh thành mình là không thể chấp nhận được. Trong khi đó, người già cũng là một trong những đối tượng yếu thế cần được bảo vệ, chăm sóc. Và hơn ai hết, họ cần điều ấy xuất phát từ những người thân của mình.
Vậy làm thế nào để người lớn tuổi không cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình? Các chuyên gia tâm lý cho rằng, đối với những người lớn tuổi, điều họ cần nhất chính là sự quan tâm, chăm sóc và tình thương yêu của con cháu. Đặc điểm tâm lý của người già là hay xét nét, khó tính và có lúc như quay lại thời thơ ấu. Vậy nên chúng ta cần đối xử mềm mỏng, tránh cảm xúc “âm tính” như buồn rầu, xấu hổ, tức giận...; thường xuyên thăm hỏi, thể hiện sự quan tâm, khuyến khích những thú vui riêng, cách sống khoa học nhằm giúp đấng sinh thành có thêm niềm vui ở tuổi xế chiều.
MỘC TRÀ
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1625/202207/dung-de-nguoi-gia-phai-co-don-5784951/