'Đừng để người yếu thế chịu rủi ro khi mua bảo hiểm'
Đây là ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) khi cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, hôm nay (29/10), Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh)
Lợi thế thường thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm
Đánh giá dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có tính chất chuyên môn sâu, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng các điều khoản nhằm bảo đảm tương thích đối với thị trường kinh doanh bảo hiểm quốc tế và thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Nhấn mạnh bản chất của hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa các bên, tuy nhiên, bà Hà cho rằng, tùy tính chất, mức độ ảnh hưởng, đặc điểm của mỗi loại hợp đồng, cơ quan soạn thảo cần ban hành khung pháp lý điều chỉnh riêng cho phù hợp và hiệu quả.
"Hợp đồng bảo hiểm có tính chất đặc trưng của quan hệ dân sự, là sự thỏa thuận ký kết thương lượng giữa bên bán và bên mua. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy trong hợp đồng bảo hiểm, lợi thế thường thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm, bên bán chủ động, nắm chắc các quy định của pháp luật.
Trong khi đó, bên mua là khách hàng cá nhân chiếm số lượng lớn thường thụ động trong tìm hiểu đầy đủ nội dung và các điều khoản, thường rơi vào yếu thế khi thực hiện hợp đồng", bà Hà nói.
Theo bà Hà, trong dự thảo Luật cũng cần quy định rõ hơn cơ chế, quyền lợi của người được bảo hiểm, bởi bảo hiểm là sản phẩm vô hình, chất lượng bảo hiểm nằm ở mỗi hợp đồng. Do đó, trong dự thảo Luật cần quy định rõ ràng, kỹ càng và cần được luật hóa việc giải thích các điều khoản cho người mua.
"Dự thảo Luật cần định cụ thể nghĩa vụ cung cấp thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm, có trách nhiệm giải thích với bên mua bảo hiểm về quyền lợi được bảo hiểm, các điều khoản loại trừ, trách nhiệm, nghĩa vụ của bên mua khi giao kết hợp đồng bảo hiểm", bà Hà nói.
Dẫn chứng quy định tại khoản 2, điều 18: "Bên mua bảo hiểm phải kê khai thông tin theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm", bà Hà cho rằng, việc giải thích hay cung cấp thông tin cần được thực hiện một cách bắt buộc, không phụ thuộc vào bên mua.
"Trong dự thảo Luật cần quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải đăng ký các điều khoản hợp đồng với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng khi có tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm, để có cơ sở soi chiếu", bà Hà nhấn mạnh và đề nghị, trong dự thảo Luật cũng cần quy định rõ những vấn đề quan trọng, cốt yếu như: Nguyên tắc quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm, nguyên tắc bồi thường… nhằm tạo sự yên tâm, tin tưởng cho khách hàng và người tham gia bảo hiểm.
Đồng tình quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) khẳng định, chính sách phát triển kinh doanh bảo hiểm mang tính nhân văn rất cao. Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng, trong dự thảo Luật chưa nêu cụ thể các chính sách ra sao, cơ chế tài chính, nhân lực, đăng ký kinh doanh thế nào… điều này sẽ gây khó khăn cho quá trình thực hiện về sau.
"Tôi đề nghị trong dự thảo Luật cần quy định rõ các nội dung này", ông Hòa nói.
Bàn về hệ thống cơ sở dữ liệu kinh doanh bảo hiểm, đại diện cho cơ quan dân cử của tỉnh Đồng Tháp cho rằng, phần này nhà nước nên đầu tư để quản lý, còn doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp thông tin.
"Tuy nhiên, trong dự thảo Luật cần quy định thêm doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm bắt buộc phải có trách nhiệm đóng góp tài chính cùng nhà nước đầu tư hệ thống cơ sở dữ liệu, chứ nhà nước không thể bỏ ra 100%, còn tỷ lệ đóng góp bao nhiêu sẽ do Chính phủ quy định", đại biểu Hòa góp ý.
Cơ quan soạn thảo Luật sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện
Khẳng định Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo Luật) sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung các báo cáo đánh giá nhằm hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Về bố cục và kết cấu của dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội điều chỉnh lại nội dung cơ cấu về tài chính, hạch toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật sẽ được hoàn thiện về các khái niệm, hành vi nghiêm cấm và quy định cụ thể hơn về bảo hiểm bắt buộc. Đồng thời, dự thảo Luật sẽ tiếp tục làm rõ và cụ thể hơn các quy định trong hợp đồng bảo hiểm để phù hợp với Bộ luật Dân sự và các luật khác, đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm.
Đối với nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là các vấn đề liên quan đến bảo hiểm vi mô, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, bảo hiểm vi mô là loại hình bảo hiểm mới, mang tính lợi ích cao song đồng thời cũng mang tính rủi ro, do đó cần phải xử lý linh hoạt.
"Các ý kiến của đại biểu sẽ được tiếp thu và đưa vào dự thảo Luật những nội dung cần thiết về điều kiện thành lập, tổ chức tương hỗ, sản phẩm, nguyên tắc hoạt động... nhằm đảm bảo tính khả thi trong việc trợ giúp người nghèo và các đối tượng yếu thế nói chung", Bộ trưởng Phớc nói và cho biết thêm, các quy định về đại lý bảo hiểm cũng sẽ được hoàn thiện với mục tiêu nâng cao tính chuyên nghiệp, tránh việc lợi dụng, ép buộc khách hàng.
Được biết, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm gồm 8 chương, 156 điều (sửa đổi 81 điều, bổ sung 58 điều, bãi bỏ 33 điều và giữ nguyên 17 điều so với Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành).