Đừng để nhà giáo phải tìm cách kiếm tiền trang trải cuộc sống

Các chuyên gia trong và ngoài nước đồng tình về vấn đề cần có luật nhà giáo nhưng trong đó phải chú trọng xây dựng chính sách lương bổng, phúc lợi cho nhà giáo.

Sáng 3-4, ĐH Quốc gia TP.HCM đã tổ chức tọa đàm “Pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”.

Tại đây, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước đã chia sẻ quan điểm, trao đổi, thảo luận về chính sách nhà giáo, cũng như đưa ra những đề xuất, kiến nghị phù hợp trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo tại Việt Nam.

 Toàn cảnh tọa đàm bàn về vấn đề pháp luật nhà giáo. Ảnh: PA

Toàn cảnh tọa đàm bàn về vấn đề pháp luật nhà giáo. Ảnh: PA

Phát biểu đề dẫn, Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung, Phó trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra – Pháp chế (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng cần xây dựng một đạo luật riêng biệt về nhà giáo.

Bởi theo Tiến sĩ Dung, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục hiện nay là lực lượng chiếm đến 43% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước. Và là lực lượng có mối liên hệ mật thiết với khoảng 23 triệu học sinh, 2 triệu sinh viên.

Tuy nhiên, hiện nay, nhà giáo không có một đạo luật điều chỉnh riêng mà chịu sự chi phối bởi nhiều văn bản khác nhau như Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Viên chức năm 2010 và rất nhiều văn bản liên quan. Các văn bản này vẫn chưa phản ánh rõ vị trí, vai trò và tính chất đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo, xác định nhà giáo như tất cả các viên chức ở tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp khác.

Hơn nữa, thực tiễn áp dụng các quy định về chính sách nhà giáo cũng gặp một số bất cập, thậm chí mâu thuẫn nhau, do có quá nhiều văn bản điều chỉnh nên thiếu sự đồng bộ và thống nhất.

Theo Tiến sĩ Dung, quan hệ xã hội được điều chỉnh trong Luật Nhà giáo có tính đặc thù và riêng biệt, như vị trí, vai trò của nhà giáo; tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; chế độ, chính sách đối với nhà giáo; quy hoạch, đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo…

Trong khi đó, các văn bản quy phạm pháp luật khác chưa điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa hoàn thiện. Do đó cần xây dựng một đạo luật riêng biệt về nhà giáo.

Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung cho rằng trong bối cảnh phát huy quyền tự chủ giáo dục, nhà giáo chịu nhiều áp lực.

“Áp lực do yêu cầu ngày càng cao của Nhà nước, áp lực từ xã hội, kể cả văn hóa Á Đông nhưng quyền và phúc lợi mà họ được hưởng chưa tương xứng, chưa được như kỳ vọng. Với mức thu nhập như hiện nay của nhiều nhà giáo, chúng ta cũng không thể đòi hỏi cao quá mức ở họ. Vì thế, vị thế và sự tự chủ của nhà giáo cần tiếp tục được luật hóa để tạo điều kiện cho nhà giáo phát huy năng lực, thực hiện nhiệm vụ” – Tiến sĩ Dung nêu rõ.

 Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: PA

Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: PA

Bàn về sự cần thiết phải có những chuẩn mực nghề nghiệp đối với giảng viên, PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho rằng các quy định của pháp luật về giảng viên hiện nay thiếu rõ ràng và thiếu nhất quán, nhiều quy định còn manh mún.

Cụ thể, điều kiện chung và nhà giáo được đề cập đến trong Luật Giáo dục, trong khi tiêu chuẩn nghề nghiệp giảng viên được quy định bởi Thông tư 40, tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên được quy định bởi Thông tư 20/2018 hay tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non được quy định tại Thông tư 26/2018… Các quy định về việc xếp lương, giờ làm việc nằm trong rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.

“Tình trạng manh mún này tạo ra nhiều khó khăn trong việc áp dụng vào thực tiễn. Thực trạng này đòi hỏi cần ban hành một văn bản quy phạm pháp luật đủ để tích hợp các cơ sở pháp lý này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc quản lý cũng như áp dụng pháp luật” - PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp nói.

PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp nói thêm, quy định hiện tại chưa đặt ra các điều kiện để hành nghề giảng viên hay điều kiện tuyển dụng đầu vào đối với chức danh nghề nghiệp này.

Điều này tạo ra tình trạng áp dụng theo nhu cầu, có nghĩa là việc tuyển dụng với các điều kiện khác nhau tùy thuộc vào cơ sở giáo dục ĐH; dẫn đến tình trạng là gần như không có sự đảm bảo chuẩn mực chung về chất lượng giảng viên.

PGS.TS Diệp cho rằng cần trao quyền cấp chứng chỉ hành nghề thông qua đánh giá chuyên môn của một chủ thể thích hợp và chỉ những người được cấp chứng chỉ hành nghề giảng viên mới có quyền ứng tuyển vào vị trí giảng viên tại bất kỳ cơ sở giáo dục đại học nào, dù là công hay tư. Từ đó đảm bảo mặt bằng về chất lượng kỹ năng, nghiệp vụ nghề nghiệp cho giảng viên.

Ngoài ra, theo PGS.TS Diệp, quy định về tiêu chuẩn nghề nghiệp hiện nay chưa phân biệt ngạch viên chức là trợ giảng và ngạch viên chức là giảng viên. Nói cách khác, các quy định này dẫn đến hiện tượng một giảng viên hạng III đi làm trợ giảng cho một giảng viên hạng III khác.

Do đó, PGS.TS Diệp cho rằng cần xem trợ giảng là một ngạch viên chức và chỉ những người được tuyển dụng vào dưới ngạch này mới được thực hiện hoạt động trợ giảng.

Tại tọa đàm, đại diện đến từ Trường ĐH Văn Lang ủng hộ việc cần có dự luật riêng về nhà giáo và các điều khoản trong dự luật cần hài hòa trong tổng thể với các quy định pháp luật hiện nay về nhà giáo.

Tuy nhiên, vị này nhấn mạnh, trong dự luật cần chú trọng xây dựng chính sách, lương bổng tốt cho nhà giáo để đảm bảo đời sống cho họ. Bởi như hiện nay, vì thu nhập thấp, nhiều nhà giáo phải tìm cách kiếm tiền lo cho cuộc sống, như thế sẽ làm ảnh hưởng chuyên môn và giảm vị thế nhà giáo.

3 mô hình chính sách pháp luật về nhà giáo trên thế giới

Theo Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung, Phó trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra – Pháp chế (ĐH Quốc gia TP.HCM), chính sách pháp luật về nhà giáo trên thế giới được các quốc gia triển khai theo một trong ba mô hình sau:

Mô hình thứ nhất là ban hành đạo luật riêng để điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội phát sinh liên quan đến nhà giáo. Như Trung Quốc xây dựng Luật Nhà giáo năm 1994, Philippines ban hành Luật Chuyên nghiệp hóa nhà giáo, Thái Lan ban hành Luật Hội đồng nhà giáo và nhân sự giáo dục…

Mô hình thứ hai là xây dựng các luật chuyên ngành để thể chế hóa một số chính sách đặc trưng của nhà giáo. Ví dụ Vương Quốc Anh ban hành luật về các điều kiện và lương giáo viên năm 1991; Nhật Bản ban hành luật về các biện pháp đặc biệt về tiền lương và điều kiện làm việc của nhân viên giáo dục...

Mô hình thứ ba là xây dựng chế định về nhà giáo trong một đạo luật về giáo dục. Mô hình này được áp dụng tại các quốc gia có chính sách pháp luật phát triển. Luật giáo dục có thể được dùng để điều chỉnh tất cả các lĩnh vực liên quan đến giáo dục bao hàm cả nhà giáo.

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/dung-de-nha-giao-phai-tim-cach-kiem-tien-trang-trai-cuoc-song-post783606.html