Đừng để nhà khoa học chỉ lo đối phó với hóa đơn, chứng từ

Dự thảo Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa có điều khoản cụ thể, đột phá về ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học.

Ưu đãi trong chính sách thuế mạnh mẽ hơn

Tại phiên thảo luận ở tổ chiều 6/5, góp ý về Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, dự thảo mới thiên về công nghệ, chưa bao quát đầy đủ các khía cạnh phi công nghệ, như đổi mới sáng tạo trong khoa học xã hội, nhân văn, mô hình kinh doanh, hay là quản lý.

“Luật cần bao quát toàn diện vấn đề đổi mới sáng tạo ở cả những lĩnh vực này”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, và đề nghị bổ sung đổi mới sáng tạo rộng hơn, bao gồm cả sáng tạo phi công nghệ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ. Ảnh: QH

“Không để tình trạng luật này ra đời lại phải chờ cái này, cái nọ thì sẽ không có sự đột phá so với luật cũ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, cần tăng cường hơn cơ chế ưu đãi và hỗ trợ về tài chính. Nếu luật này ra đời, một số điểm của Nghị quyết 193 của Quốc hội ban hành sẽ hết hiệu lực thi hành. Tại nghị quyết này, trước khi đọc thông qua, ông đã đề nghị bỏ đoạn “thanh toán hóa đơn chứng từ theo quy định”.

“Nếu thanh hóa đơn chứng từ theo quy định thì nhà khoa học chỉ lo đối phó với hóa đơn, chứng từ thôi”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, và cho rằng, dự thảo chưa có điều khoản cụ thể, đột phá về ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu phát triển của Việt Nam chỉ đạt 0,44 % GDP, còn thấp so với các nước trong khu vực. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… hiện nay rất ưu đãi cho nghiên cứu phát triển. Do vậy cần phải ưu đãi trong chính sách thuế mạnh mẽ hơn.

Về xây dựng hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo quốc gia, theo Chủ tịch Quốc hội, cần quy định cụ thể trách nhiệm của các chủ thể, như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học. Đồng thời lập cơ chế chặt chẽ như mô hình đổi mới sáng tạo, hoặc đặt hàng nghiên cứu từ doanh nghiệp.

“Tôi lấy ví dụ ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) hiện nay họ có một thành phố khoa học, thành phố đại học rộng mênh mông, cho các nhà khoa học sinh sống, ở đó nghiên cứu làm ra các sản phẩm khoa học công nghệ. Nó là thành phố chuyên về khoa học chứ không như chúng ta là một đô thị hỗn độn tất cả các thứ”, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, hiện nay chúng ta chưa quy hoạch một cách bài bản cho lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo. Do vậy phải làm sao thúc đẩy các trung tâm đổi mới, sáng tạo, liên ngành, tích hợp khoa học xã hội và khoa học tự nhiên để tạo động lực phát triển hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo phát triển bền vững.

Khuyến khích cơ chế đặt hàng

Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, theo lãnh đạo Quốc hội, cần bổ sung các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế thu nhập cá nhân; cơ chế thưởng cho nghiên cứu cơ bản, chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu; tăng cường đào tạo từ bậc phổ thông đến bậc cao; định hướng ngành nghề sớm cho sinh viên; xây dựng chương trình đào tạo liên ngành…

“Nghị quyết 57 nói rất rõ về vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đất nước chúng ta muốn phát triển nhanh phải dựa vào khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo. Nếu chúng ta có một nền giáo dục tốt, sẽ có những nhà khoa học tốt. Đây là vấn đề chúng ta phải quan tâm để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

“Các đồng chí cứ kiểm tra lại, thực tế đất nước mình vừa qua có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được nghiệm thu nhưng mà ứng dụng vào thực tế thì chưa được bao nhiêu. Vấn đề này chúng ta thấy lãng phí rất là lớn, cần phải khắc phục”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị khuyến khích cơ chế đặt hàng doanh nghiệp nghiên cứu, đảm bảo đề tài có tính thực tiễn cao, gắn với nhu cầu của thị trường.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, muốn đạt tốc độ tăng trưởng 8% trong năm nay và từ 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số, phải có sự đột phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Do vậy, luật cần quy định gọn, rõ, trọng tâm, trọng điểm. “Không để tình trạng luật này ra đời xong phải chờ cái này, cái nọ thì sẽ không có sự đột phá so với luật cũ”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dung-de-nha-khoa-hoc-chi-lo-doi-pho-voi-hoa-don-chung-tu-post1739906.tpo