Chủ tịch Quốc hội: Nếu có nền giáo dục tốt, sẽ có những nhà khoa học tốt

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng nếu chúng ta có một nền giáo dục tốt, sẽ có những nhà khoa học tốt. Đây là vấn đề cần quan tâm để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.

Chiều 6-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).

Tăng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp KHCN

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân, trước đó là Nghị quyết 66 về xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật, Nghị quyết 57 về đột phá phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia

“Đây là những nghị quyết hết sức quan trọng, do đó, dự Luật KH,CN&ĐMST cần cập nhật những nội dung mới được quy định trong những nghị quyết này”- ông Mẫn nói và cho hay tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội một nghị quyết để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong phát triển kinh tế tư nhân, tiến tới xây dựng riêng một luật về phát triển kinh tế tư nhân.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 6-5. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 6-5. Ảnh: QH

Đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tăng cường hơn về cơ chế ưu đãi và hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học.

“Hiện nay tỉ lệ đầu tư cho nghiên cứu phát triển của Việt Nam chỉ đạt 0,44% GDP, còn thấp so với các nước trong khu vực như Nhật, Hàn Quốc, Singapore… Do vậy, chúng ta cần có những ưu đãi mạnh mẽ hơn về chính sách thuế” – ông Mẫn nói có thể thiết lập cơ chế tài chính linh hoạt như quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ vốn ban đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Hoặc có thể đơn giản hóa thủ tục thương mại hóa kết quả nghiên cứu, giảm các rào cản hành chính để khuyến khích chuyển giao khoa học công nghệ.

“Với tư duy làm luật hiện nay, chúng ta cần thông suốt từ Quốc hội, Chính phủ, tới các bộ trong đơn giản hóa thủ tục, để làm sao xóa rào cản cho các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực khoa học công nghệ phát triển” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đề xuất xây dựng thành phố chuyên về khoa học

Liên quan đến xây dựng hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo quốc gia, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần quy định cụ thể trách nhiệm của các chủ thể trong hệ sinh thái như: doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học… Đồng thời, lập cơ chế chặt chẽ như mô hình đổi mới sáng tạo, hoặc đặt hàng nghiên cứu từ doanh nghiệp.

Chẳng hạn, TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) được quy hoạch có một thành phố khoa học, thành phố đại học rộng mênh mông, cho các nhà khoa học sinh sống, ở đó nghiên cứu làm ra các sản phẩm khoa học công nghệ.

“Đó là TP chuyên về khoa học” – ông Mẫn nói và nhìn nhận hiện Việt Nam chưa có quy hoạch một cách bài bản cho lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo. Do vậy phải làm sao để thúc đẩy các trung tâm đổi mới, sáng tạo, liên ngành, tích hợp khoa học xã hội và khoa học tự nhiên để tạo động lực phát triển hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo phát triển bền vững.

Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần bổ sung các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế thu nhập cá nhân; cơ chế thưởng cho nghiên cứu cơ bản, chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu; tăng cường đào tạo từ bậc phổ thông đến bậc cao; định hướng ngành nghề sớm cho sinh viên; xây dựng chương trình đào tạo liên ngành…

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: QH

Giờ vào chat GPT cái gì cũng có

Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết 57 nói rất rõ về vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam muốn phát triển nhanh phải dựa vào khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo. “Nếu chúng ta có một nền giáo dục tốt, sẽ có những nhà khoa học tốt” – ông Mẫn nói và nhấn mạnh đây là vấn đề chúng ta phải quan tâm để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

“Các đồng chí cứ kiểm tra lại, thực tế đất nước mình vừa qua có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được nghiệm thu nhưng ứng dụng vào thực tế thì chưa được bao nhiêu. Vấn đề này chúng ta thấy lãng phí rất là lớn, cần phải khắc phục”- Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị khuyến khích cơ chế đặt hàng doanh nghiệp nghiên cứu, đảm bảo đề tài có tính thực tiễn cao, gắn với nhu cầu của thị trường.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, muốn đạt tốc độ tăng trưởng 8% trong năm nay và từ 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số, phải có sự đột phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Do vậy, luật cần quy định gọn, rõ, trọng tâm, trọng điểm. “Không để tình trạng luật này ra đời xong phải chờ cái này, cái nọ thì sẽ không có sự đột phá so với luật cũ” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Ông cũng khẳng định để phát triển cần tiến tới đẩy mạnh chuyển đổi số, có trợ lý ảo để so sánh điểm gì trùng, điểm gì cần bổ sung, nó rất nhanh. “Giờ chúng ta vào chat GPT cái gì cũng có, là trợ lý cho chúng ta”– ông Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Việt Nam đứng 44/133 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu

Tại đoàn TP.HCM, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhìn nhận Luật KH&CN sau 10 năm áp dụng trong thực tiễn đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển khoa học, công nghệ của đất nước. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam thăng hạng liên tục, hiện đang đứng 44/133 quốc gia.

Đáng chú ý, TP.HCM ngoài là đầu tàu về kinh tế, thương mại, tài chính thì cũng dẫn đầu cả nước và trong ASEAN về đổi mới sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của TP.HCM đang đứng thứ 3 ASEAN và xếp hạng 111/1.000 trong các TP sáng tạo năng động toàn cầu.

Tuy nhiên, theo ông, Luật KH&CN 2013 chưa quy định đầy đủ cơ chế để thu hút đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài cho phát triển khoa học công nghệ (trừ một số nghị quyết đặc thù cho một số địa phương). Luật hiện hành cũng chưa đề cập sâu đến chuyển đổi số là cốt lõi, đòi hỏi quy định pháp luật phải có những điều chỉnh phù hợp.

 Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN THẢO

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN THẢO

Liên quan đến cơ chế chấp nhận rủi ro trong hoạt động KH,CN&ĐMST, ĐB Trần Hoàng Ngân đánh giá đây là điểm mới nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng trong Nghị quyết 57. Việc này cũng góp phần khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, động viên, bảo vệ các nhà nghiên cứu khi kết quả nghiên cứu không đạt kết quả như mong muốn.

“Chúng ta chấp nhận rủi ro nhưng cũng cần có quy định chi tiết, tránh sự lạm dụng, dẫn đến thất thoát ngân sách Nhà nước” – ĐB Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến và cho rằng cần nâng cao vai trò của các hội đồng đánh giá, nghiệm thu, chọn đề tài, chọn nhà nghiên cứu…

Nói về quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia, ông Ngân cho rằng nên cân nhắc, tạo cơ chế cho các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân hoạt động. “Hiện ở Việt Nam có khoảng 10 quỹ đầu tư mạo hiểm lớn đang hoạt động. Họ có kinh nghiệm, động lực và sẵn sàng chia sẻ vốn, kinh nghiệm trong quản lý, thậm chí hỗ trợ cho các kênh phân phối, dự án khởi nghiệp đó thành công” – ĐB đoàn TP.HCM dẫn chứng.

ĐB Ngân cũng cho hay theo thống kê trong 100 doanh nghiệp thì chỉ có 3-4 doanh nghiệp thành công. “Do vậy, việc lập sàn giao dịch vốn cho khởi nghiệp sáng tạo cho các doanh nghiệp cũng rất cần thiết” – ông nhấn mạnh.

Nói thêm, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng trung tâm tài chính tương lai ở TP.HCM cũng nên có sàn giao dịch vốn để có thể huy động các quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Bày tỏ đồng tình với sự cần thiết của Luật KH,CN&ĐMST, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cho rằng để tránh “đề tài xếp vào ngăn kéo” thì nên huy động doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia vào đầu tư cho KH,CN&ĐMST

“Khi doanh nghiệp đầu tư thì họ sẽ phải quản lý để đạt được hiệu quả, mang lại lợi nhuận thiết thực cho chính họ” – bà Phong Lan phân tích.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/chu-tich-quoc-hoi-neu-co-nen-giao-duc-tot-se-co-nhung-nha-khoa-hoc-tot-post848250.html