Đừng để nhà nước gánh tất cả!
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 chiều 23-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ chủ trương: Đồng ý mở rộng xã hội hóa, đóng góp tự nguyện trong điều kiện cách ly tập trung.
Thu phí xét nghiệm đối với người nước ngoài tại Việt Nam nghi nhiễm SARS-CoV-2 hay không? Thu phí cách ly đối với những người trở về từ những vùng dịch hay không? Đây là những vấn đề được dư luận bàn cãi mấy tuần qua, nhất là khi có một số trường hợp từ nước ngoài về và đặt ra những "yêu sách" cho nhu cầu bản thân trong lúc thực hiện cách ly theo dõi bệnh theo quy định của nhà nước Việt Nam. Hiện, theo điều 48 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, những bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí. Ngày 29-1-2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 219/QĐ-BYT bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV/Covid-19) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A, do vậy đến thời điểm này, tại Việt Nam, chi phí điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở các bệnh viện do bảo hiểm y tế chi trả và miễn chi phí cho người đi cách ly tập trung.
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 "như chống giặc" này, nhà nước không chỉ tốn tiền cho hoạt động cách ly mà kèm theo đó là vô vàn khoản chi khác, rất nặng gánh. Ngay cả gói hỗ trợ 285.000 tỉ đồng vực dậy sản xuất - kinh doanh - xuất khẩu và bảo đảm an sinh xã hội cũng lấy từ công khố. Trong khi đó, nguồn thu ngân sách chắc chắn bị sụt giảm vì nhiều lĩnh vực đình trệ do đại dịch.
Tính đến ngày 24-3, cả nước đã thực hiện cách ly nhằm theo dõi sức khỏe dưới nhiều hình thức đối với khoảng 53.000 người và con số này sẽ tăng lên từng ngày, cao điểm có thể trong 2 tuần tới. Một số địa phương đã có dấu hiệu quá tải trong việc huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện việc cách ly tập trung...
Trước tình hình đó, bài toán xã hội hóa cách ly cần phải tìm ra đáp án. Huy động các nguồn lực khác trong xã hội để chia sẻ gánh nặng với nguồn lực công vào cuộc đại chiến với Covid-19 trong lúc này là hết sức hợp lý. Đó còn là cách giải quyết quy luật cung - cầu, cụ thể là thực tế đang có một bộ phận người nước ngoài hoặc Việt kiều với khả năng tài chính khá giả, muốn được sinh hoạt trong điều kiện cách ly tiện nghi hơn và sẵn sàng trả phí cho dịch vụ đó. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều khách sạn, resort ở các tỉnh - thành đã đăng ký làm khu cách ly tập trung có thu phí. Trong hoàn cảnh thất bát vì du lịch - dịch vụ mất khách thì đây là cơ hội tạo nguồn thu cho các cơ sở lưu trú này. Chính vì thế, xã hội hóa cách ly có thu phí là chủ trương phù hợp, cần được nhân rộng.
Nhưng song song đó, điều hết sức quan trọng là phải có cơ chế giám sát nghiêm ngặt đối với những cơ sở cách ly xã hội hóa có thu phí, buộc những nơi này tuân thủ nghiêm cẩn quy định chung về cách ly do nhà nước ban hành, đồng thời chế tài mạnh nếu vi phạm.
Và, không chỉ là đóng góp nguồn lực vật chất, từng người dân đều biết đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn của nhà nước trong cuộc chiến chống Covid-19 vào lúc này cũng là một hình thức "xã hội hóa cách ly" - về mặt tinh thần!
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/dung-de-nha-nuoc-ganh-tat-ca-20200324232226625.htm