Đừng để phụ huynh tiếp tục hoang mang
Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn cả nước đã xảy ra không ít vụ lùm xùm liên quan đến các trường quốc tế, trung tâm Anh ngữ huy động vốn của phụ huynh rồi mất khả năng duy trì hoạt động. Điều này đã và đang gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin của phụ huynh đối với những cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, nhất là với những gia đình đã chi một khoản lớn với mong muốn con được học tập ở một môi trường đẳng cấp.
Chỉ riêng Trường TH-THCS-THPT Quốc tế Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã huy động từ phụ huynh tổng số tiền đến hơn 3,6 ngàn tỷ đồng bằng nhiều hình thức, trong đó có huy động góp vốn trước trong suốt thời gian học sinh theo học tại trường và được hoàn trả khi học sinh ra trường. Hay vụ việc Hệ thống Anh ngữ Apax Leaders của shark Thủy “sụp đổ” cũng đã khiến hàng ngàn phụ huynh điêu đứng vì lỡ nghe theo lời hứa về chính sách đóng càng nhiều hưởng càng nhiều chế độ ưu đãi. Tưởng “lời”, có gia đình đầu tư một lần hàng tỷ đồng cho con, ai dè khi nhà trường, trung tâm mất khả năng chi trả, số tiền phụ huynh bỏ ra khả năng sẽ khó đòi lại được.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo, hiện cả nước có hơn 4 ngàn cơ sở giáo dục ngoài công lập với nhiều mức học phí khác nhau, trong đó có những trường quốc tế tập trung nhiều nhất ở Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Dù học phí lên đến hàng trăm triệu đồng/năm nhưng hệ thống trường quốc tế vẫn thu hút được nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế lựa chọn đầu tư cho con theo học. Tuy nhiên, hiện rất khó quản lý nguồn thu của các cơ sở giáo dục này do liên quan đến công tác quản lý của nhiều bộ, ngành cùng tính pháp lý có liên quan. Điều này đã và đang bộc lộ những lỗ hổng trong công tác hợp tác, đầu tư trên lĩnh vực giáo dục; đồng thời, cho thấy những bất cập về tính công khai, minh bạch trong thu - chi ở hệ thống trường này.
Vì vậy, mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 28/CĐ-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động của Trường TH-THCS-THPT Quốc tế Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và đào tạo khẩn trương hoàn thiện các dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6-6-2018 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21-4-2017 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có giải pháp tăng cường quản lý các loại hình trường có yếu tố nước ngoài đang thực hiện việc liên danh, liên kết và triển khai các chương trình tích hợp, chương trình quốc tế, chương trình liên kết với nước ngoài.
Đã đến lúc cần phải có một cuộc rà soát nghiêm túc cùng các giải pháp mạnh hơn nữa để nâng cao công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, qua đó hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho phụ huynh, học sinh và đảm bảo cho những cơ sở uy tín phát triển lành mạnh.