Đừng để thú cưng nhà mình thành nỗi kinh hoàng cho nhà khác

Khi tham gia vào các hội nuôi chó mèo, mới thấy nhiều chủ nuôi cưng chiều và coi thú cưng như 'con'. Nhưng để nuôi một đứa 'con' và nhất là không làm ảnh hưởng đến môi trường và sự an toàn của người khác, không phải 'phụ huynh' nào cũng làm được.

Cách đây 3 năm, hai đứa con gái tôi nằn nì cho nuôi một chú cún cưng. Chúng tìm hiểu và thuộc đến mấy chục loại chó, nguồn gốc, đặc tính và cách chăm sóc mỗi loại.

Tôi cũng là người yêu động vật, đặc biệt là loài chó. Hồi nhỏ, lúc nào trong nhà tôi cũng nuôi 2-3 con và luôn coi chúng như người thân. Có con khi già mất đi, tôi buồn đến cả tháng. Nhưng khi nghe 2 con đề nghị được nuôi chó, tôi chưa cho nuôi ngay mà muốn chúng có thời gian tìm hiểu kỹ việc nuôi chó ở chung cư, từ cách chăm sóc đến đảm bảo an toàn cho mình và mọi người.

Từ khi nuôi chó, 2 con gái tôi tự lên lịch, phân công nhau dọn dẹp vệ sinh cho chú chó mỗi ngày. Đi đâu chúng cũng kiểm tra, phòng các tình huống có thể xảy ra khi “em” của chúng ở nhà một mình, từ việc kiểm tra điện nước, các vật dễ đổ, những thứ trong tầm tay mà “em nó" có thể với tới… Khi cho chó ra ngoài, bao giờ chúng cũng kiểm tra các điều kiện an toàn cho chó và cho mọi người, không quên cầm theo vài cái túi nilon phòng trường hợp “em nó" vệ sinh ra đường…

Đổi lại, chú chó nhỏ là sợi dây kết nối và hòa giải mọi người. Khi chúng cãi nhau, cún cưng nhắng nhít chạy qua lại giữa hai chị em, hay ngước bộ mặt ngơ ngác nhìn, khiến hai chị em quên đi cuộc khẩu chiến.

Và không chỉ là câu chuyện trong nhà, từ khi nuôi chó, tham gia vào các nhóm, hội chó mèo tôi mới biết, nhiều chú chó được cưng chiều như một đứa trẻ. Nhiều nhà cho chó ngủ cùng giường, đi ngủ chó được đóng bỉm, nằm đệm, đắp chăn, sáng dậy được chủ đánh răng, rửa mặt. Nhiều nhà sắm hẳn một tủ nhỏ đựng quần áo và đồ ăn cho chó từ các loại thịt, cá hộp, pho mai, thuốc bổ, lược chải lông… Thậm chí có con còn được chủ cho đi niềng răng, cắt móng chân, đi spa đánh móng chân…

Nhiều người thì tự nhận mình là “Sen” còn thú cưng của họ là “Boss”

Nhiều người thì tự nhận mình là “Sen” còn thú cưng của họ là “Boss”

Đa số những người tham gia những nhóm hội này đều coi thú cưng là người thân trong nhà và gọi nó là “con” xưng “bố mẹ” rất tự nhiên, nhiều người tự nhận là “Sen”, còn thú cưng là “Boss”. Có cô gái coi chó như "em gái". Khi lấy chồng và có con, con của cô ấy gọi chó là “dì Cún”. Mỗi khi khách đến nhà vô tình gọi “con chó”… thì đều bị nhắc nhở “không phải con chó mà là dì Cún”. Còn có người khi nuôi chó, không may nó mất, khóc lóc mấy ngày, được hàng trăm “Sen” khác lên mạng động viên, an ủi…

Với tôi, trước kia những câu chuyện như thế khá buồn cười, thậm chí “dở hơi”, nhưng khi đã nuôi một chú chó, thì không còn cảm giác đó nữa. Chó là loài gần gũi và trung thành tuyệt đối với con người nên nó cũng là một thành viên trong gia đình. Chính tôi cũng luôn chăm sóc, dành cho nó những gì tốt đẹp, thấy lo lắng khi nó ốm.

Dạy chó không khác gì dạy dỗ một đứa trẻ. Chúng cũng biết sợ khi bị mắng phạt và cũng sẽ nhờn nếu được nuông chiều. Nuôi thú cưng, nhất là chó, sẽ có nhiều chuyện xảy ra nếu chủ nuôi không trang bị những điều kiện, kiến thức cơ bản; không biết nghĩ cho người khác mà chỉ chăm chăm đến thú cưng của mình.

Thế mới có chuyện, ngay giữa thủ đô, trong các công viên, nơi công cộng, không khó để bắt gặp những chú chó được thả rông, có con thuộc dòng hung dữ như Pitbull, Husky, Tibetan Mastiff… nặng đến vài chục ký nhưng không rọ mõm, không có các biện pháp bảo vệ như xích, vô tư đi lại. Thực tế đã có nhiều trường hợp chó tấn công, ngoạm chết những chú chó nhỏ hơn; thậm chí tấn công người, gây thương tích, tử vong.

Không hiếm gặp cảnh này ở các công viên, nơi công cộng (ảnh: Phạm Nhi)

Không hiếm gặp cảnh này ở các công viên, nơi công cộng (ảnh: Phạm Nhi)

Nhiều vụ chó cắn chết người thực sự ám ảnh. Cách đây không lâu, một cháu bé 7 tuổi tại khu nhà trọ gần thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động (Hưng Yên) đi ngang qua khu vực sân vận động Kim Động cũ bị một đàn chó gần 10 con tấn công. Người dân lao vào đánh đuổi đàn chó, cứu cháu bé nhưng bé đã tử vong trên đường đi cấp cứu.

Hay trước đó, một bé gái 8 tháng tuổi ở Đội Cấn, Hà Nội bị chó nhà nặng 40kg cắn gây chấn thương sọ não, chấn thương vùng trán và tử vong. Người mẹ lao vào cứu con cũng bị chó cắn nhiều nhát.

Tại Việt Nam, trong vòng 10 năm qua, mỗi năm có khoảng 70-110 người tử vong vì bệnh dại. Trung bình mỗi năm có khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại, với kinh phí mua vaccine ước tính hơn 300 tỷ đồng...

Chúng ta đã có Nghị định quy định rất rõ về việc nuôi chó, trong đó chủ nuôi phải xích nhốt hoặc nuôi chó phải đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường. Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị, khi đưa chó ra ngoài phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm, xích và có người dắt.

Cũng đã có những quy định trong luật về việc xử phạt khi vi phạm về việc nuôi chó mèo, đặc biệt khi để chó tấn công, gây nguy hiểm đến tính mạng có thể bị xử lý hình sự.

Trên thực tế việc xử lý mới đếm trên đầu ngón tay. Nhiều nhà để chó vệ sinh ra đường một cách vô tư. Khi chó lớn tấn công chó nhỏ, thậm chí tấn công người, nhưng sau đó chỉ là những cuộc tranh cãi giữa hai bên mà hiếm có sự vào cuộc của cơ quan chức năng…

Vậy nên đã đến lúc cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn trong quản lý việc nuôi chó mèo. Nhưng trước hết vẫn là ý thức từ những người nuôi - “phụ huynh” của chó mèo. Đừng vì sở thích của bản thân để ảnh hưởng đến môi trường và sự an toàn của người khác./.

An An/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/dung-de-thu-cung-nha-minh-thanh-noi-kinh-hoang-cho-nha-khac-849554.vov