Đừng để tình trạng 'mất bò mới lo làm chuồng'

Gần đây, nhiều diện tích rừng tự nhiên ở khu vực giáp ranh giữa xã Kim Hóa, Lê Hóa (huyện Tuyên Hóa) và xã Hồng Hóa (huyện Minh Hóa), tỉnh Quảng Bình bị chặt phá và xâm lấn; trong khi đó, tại huyện Quảng Ninh, nhiều cây gỗ lớn cũng bị đốn hạ. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương vào cuộc, điều tra làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Chặt phá tràn lan

Khu vực rừng giáp ranh thuộc địa bàn các xã: Kim Hóa, Lê Hóa, Hồng Hóa trước đây là rừng nguyên sinh, sau khi bị khai thác đã chuyển sang trạng thái rừng tự nhiên cần được khoanh nuôi, phục hồi. Theo ghi nhận của chúng tôi, việc lấn chiếm, chặt phá rừng tại đây diễn ra khá quy mô, trong thời gian dài trước và sau Tết Quý Mão 2023. Cây rừng bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Nhiều cây bị cắt gốc, cưa thành nhiều khúc chờ vận chuyển, cá biệt có cây đường kính khoảng 50cm... Không chỉ chặt cây, đốt rừng, các đối tượng còn dựng cọc, chăng dây thép gai để khoanh bao, rào chắn, đưa cả máy thi công cơ giới lên để đào hàng trăm mét hào nhằm “phân chia” ranh giới rừng trồng.

Sau khi phát hiện rừng tự nhiên ở khu vực này bị chặt phá, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình, các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương vào cuộc, tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trường. Qua đo đạc, kiểm đếm, có tổng số 8,14ha rừng bị chặt phá, lấn chiếm đất trái phép (gồm 6,69ha rừng tự nhiên nghèo kiệt và 1,45ha đất chưa có rừng). Trong đó, hai xã Kim Hóa, Lê Hóa có diện tích bị tác động là 6,39ha, với 4,94ha thuộc trạng thái rừng tự nhiên nghèo kiệt và 1,45ha đất chưa có rừng, thuộc quy hoạch rừng sản xuất. Tại xã Hồng Hóa có tổng diện tích rừng bị tác động là 1,75ha, thuộc trạng thái rừng tự nhiên chưa có trữ lượng, quy hoạch rừng sản xuất. Ông Nguyễn Văn Huệ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa cho biết: "Ngay sau khi phát hiện, đơn vị đã huy động tối đa lực lượng để bảo vệ hiện trường, không để các đối tượng lén lút tẩu tán gỗ, trồng cây trái phép trên diện tích chặt phá gây khó khăn cho quá trình điều tra, xử lý, đồng thời phối hợp xác minh điều tra vụ phá rừng để xử lý theo quy định của pháp luật".

Một khoảnh rừng thuộc địa bàn xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa bị chặt phá.

Một khoảnh rừng thuộc địa bàn xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa bị chặt phá.

Tại khu vực rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh quản lý (thuộc địa bàn xã Trường Sơn) cũng xảy ra tình trạng khai thác rừng trái pháp luật với số lượng lớn. Sau khi nhận được thông tin, ngày 1-2-2023, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình chỉ đạo Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng số 1 phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh và đơn vị chủ rừng kiểm tra tại các tiểu khu 417, 418, 419 thuộc Chi nhánh Lâm trường Khe Giữa và các tiểu khu 410, 411 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh. Kết quả phát hiện 14 cây gỗ lớn (từ nhóm I đến nhóm III) có đường kính gốc từ 30cm đến 70cm bị chặt hạ; tổng lượng gỗ thiệt hại là 23,275m3. Tại hiện trường, có 12 cây gỗ đã bị lấy đi, chỉ còn lại 2 cây gỗ tròn với khối lượng 1,268m3 cùng bìa bắp và cành ngọn. Thời gian xảy ra các vụ chặt hạ cây rừng được xác định là từ 3 đến 5 tháng trở về trước.

Nghiêm trị lâm tặc và từng bước phục hồi rừng

Khu vực rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh từng nhiều lần bị khai thác trái phép nhưng chậm phát hiện, xử lý. Trong khi đó, hầu hết diện tích rừng bị chặt phá, xâm lấn trái phép ở khu vực rừng giáp ranh thuộc địa bàn các xã: Kim Hóa, Lê Hóa, Hồng Hóa đã được giao cho các hộ dân khoanh nuôi, bảo vệ; địa hình khu vực giáp ranh có nhiều dốc cao nên lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn trong việc tuần tra, bảo vệ. Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Kim Hóa thừa nhận: "Thời gian qua, việc kiểm tra tọa độ, nắm bắt thông tin chưa được tiến hành thường xuyên nên mới xảy ra vụ việc này. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền xã Hồng Hóa đẩy mạnh việc bảo vệ rừng, cung cấp thông tin nhằm hạn chế tình trạng người dân phá rừng lấn chiếm".

Theo kết quả xác minh, điều tra của các lực lượng chức năng, diện tích rừng bị tác động tại địa bàn xã Kim Hóa đã vượt mức xử lý vi phạm hành chính với 3,405ha bị thiệt hại, hơn 136m3 gỗ bị chặt phá. Tương tự, tại huyện Quảng Ninh, kết quả kiểm tra cũng cho thấy việc khai thác rừng trái pháp luật đã xảy ra tại nhiều tiểu khu với số lượng lớn, có tính chất nghiêm trọng. Để kịp thời điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng, ngày 23-3, Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Hủy hoại rừng" xảy ra tại khoảnh 3, khoảnh 4, Tiểu khu 56B thuộc địa giới hành chính xã Kim Hóa. Tiếp đó, ngày 27-3, Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh cũng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Hủy hoại rừng" xảy ra tại khoảnh 1, khoảnh 4 và khoảnh 7 Tiểu khu 540 lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh quản lý, trên địa giới hành chính xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh).

Ông Đinh Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa thông tin: "Bên cạnh chỉ đạo các lực lượng như kiểm lâm, công an điều tra, xác minh, truy tìm đối tượng vi phạm, lập hồ sơ xử lý theo đúng quy định của pháp luật, huyện Tuyên Hóa chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương triển khai trồng mới những loại cây bản địa trên vùng rừng đã bị chặt phá, qua đó từng bước phục hồi rừng trở lại nguyên trạng ban đầu".

Để xử lý nghiêm vụ việc, đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện: Tuyên Hóa, Minh Hóa và Quảng Ninh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ rừng của chủ rừng và chính quyền địa phương; tham mưu cho cấp có thẩm quyền làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn được giao để xảy ra phá rừng mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý. Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết: "Chúng tôi đã đề nghị UBND các huyện chỉ đạo chính quyền địa phương tổ chức lực lượng phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp tục mở rộng kiểm tra rừng, truy quét lâm tặc trong lâm phần được giao quản lý; kịp thời phát hiện để có biện pháp ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm; chấn chỉnh, chỉ đạo các xã kiện toàn lại lực lượng bảo vệ rừng tại địa phương; tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng phá rừng trái pháp luật trên địa bàn trong thời gian qua".

Bài và ảnh: TRẦN MINH TÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/dung-de-tinh-trang-mat-bo-moi-lo-lam-chuong-723836