Đừng gắn mác 'cao tốc' cho đường chưa đạt chuẩn
Đây là một trong số rất nhiều ý kiến nói về câu chuyện những tuyến đường chưa đủ điều kiện nhưng vẫn được gọi là cao tốc trong thời gian qua. Cũng chính vì điều này mà những tuyến đường trên đang trở thành điểm nóng về tai nạn và vi phạm giao thông.
Không phải hiện tượng đơn lẻ
Trong những ngày qua, rất nhiều ý kiến phân tích về những bất cập của cao tốc Cam Lộ – La Sơn đã được đưa ra bởi các chuyên gia, nhà quản lý và của chính những tài xế.Tuy nhiên, câu chuyện của tao tốc Cam Lộ – La Sơn không phải là hiện tượng đơn lẻ trên thực tế đã và đang diễn ra với rất nhiều tuyến cao tốc khác ở nước ta.
Có thể kể đến như các tuyến cao tốc La Sơn – Túy Loan, Yên Bái – Lào Cai, Thái Nguyên – Chợ Mới, Hòa Lạc – Hòa Bình hay các tuyến cao tốc 4 làn hạn chế Mai Sơn – QL45, QL45 – Nghi Sơn. Điểm chung của những tuyến đường này là không đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn của một tuyến đường cao tốc nhưng vẫn luôn được coi là cao tốc và đưa vào khai thác như những tuyến cao tốc đúng tiêu chuẩn khác.
Điển hình là cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đoạn từ Km123 đến Km262+300 hiện có hai làn đường xe chạy. Tuyến đường này được đưa vào khai thác hơn chục năm nay và đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông thảm khốc, dù được xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế của tư vấn nước ngoài. Thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an cho thấy, chỉ tính từ năm 2022 đến tháng 10/2023 trên tuyến Nội Bài - Lào Cai đã xảy ra 50 vụ tai nạn giao thông, làm 18 người chết, 43 người bị thương, hư hỏng 101 phương tiện.
“Đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn như hiện nay không thể gọi là cao tốc được. Nguyên nhân, những tuyến cao tốc khác trên cả nước đã và đang đầu tư đầu đều 4 làn đường, trong khi cao tốc Cam Lộ - La Sơn lại thắt nút cổ chai, hệ thống hạ tầng thiếu đồng bộ nên rất dễ gây ra tai nạn” - đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng
Giật mình nhất phải kể đến chính cao tốc Cam Lộ – La Sơn. Tuyến đường này được đưa vào khai thác vào tháng 12/2022 nhưng theo thống kê chưa đầy đủ thì đến cuối tháng 2/2023 – tức là chỉ sau khoảng 14 tháng đưa vào vận hành – trên tuyến cao tốc này đã xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông khiến 6 người chết, 20 người bị thương, nhiều phương tiện hư hỏng nặng.
Mới đây nhất, Bộ Công an đã thẳng thắn chỉ ra tới 7 đoạn tuyến chưa đạt tiêu chuẩn cao tốc nhưng lâu nay vẫn được gọi là cao tốc và khai thác như những tuyến đường cao tốc chính hiệu. Trong đó, 5 tuyến Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm, Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ có 4 làn đường xe chạy, có dải phân cách giữa nhưng không có làn dừng xe khẩn cấp trên tuyến mà 4 - 5km mới bố trí một điểm dừng xe khẩn cấp.
Còn lại, hai tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan chỉ có hai làn xe, chưa đạt chuẩn cao tốc. Ngoài ra, Bộ Công an cũng chỉ ra một số tuyến như Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên sau khi khai thác đã xuống cấp, hằn lún, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng chậm khắc phục, sửa chữa.
Chưa đạt chuẩn thì không nên gọi là cao tốc
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, hiện ở nước ta đang có có 4 tiêu chuẩn thiết kế đường riêng. Đó là đường giao thông nông thôn, đường ô tô, đường đô thị và đường cao tốc. Trong đó, riêng đường cao tốc ở nước ta hiện đang thiết kế theo tiêu chuẩn hiện hành TCVN 5729:2012. Theo tiêu chuẩn này thì đường cao tốc có 4 tốc độ thiết kế là 60km/h, 80km/h, 100km/h và 120km/h.
Đặc biệt, TCVN 5729:2012 nêu rõ đường cao tốc có tối thiểu 2 làn cho mỗi chiều xe chạy, dải phân cách và làn dừng khẩn cấp cũng như hệ thống đảm bảo an toàn giao thông trên đường. Xét theo quy định trên thì những tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe như Cam Lộ – La Sơn chưa thể gọi là đường cao tốc được.
TS Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc NXB GTVT cho biết, nhiều đường cao tốc ở nước ta, trong đó không ít đoạn tuyến thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã phải đầu tư xây dựng không đạt đúng chuẩn cao tốc. Điển hình là hai đoạn tuyến Cam Lộ – La Sơn và La Sơn – Túy Loan mới chỉ đầu tư làm được 2 làn đường. Với những tuyến đường này, TS Nguyễn Xuân Thủy khẳng định rằng “không thể gọi là cao tốc được”.
Trong khi đó, TS Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông nhận định, về mặt mục tiêu lý tưởng mà chúng ta hướng đến thì những tuyến cao tốc mới chỉ được đầu tư 2 làn xe như cao tốc Cam Lộ - La Sơn phải cần được mở rộng để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi điều đó, người điều khiển phương tiện trên tuyến đường này cần phải chấp hành đầy đủ các quy tắc giao thông để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người khác.
"Thực tế các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường cao tốc mà nguyên nhân đến từ lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện là chủ yếu" - TS Phan Lê Bình nói.
“Cần đẩy mạnh truyền thông để người tham gia hiểu được các tình hình và đặc điểm khai thác của đường cao tốc hiện tại, góp phần đảm bảo an toàn xe chạy. Để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc xảy ra, cần kiểm tra lại việc bố trí các công trình đảm bảo an toàn giao thông và phòng hộ trên đường cao tốc” – PGS.TS Phạm Ngọc Phương
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dung-gan-mac-cao-toc-cho-duong-chua-dat-chuan.html