Dùng nồi nấu chậm có tốt không, thực phẩm nào không nên nấu?

Các loại nồi nấu chậm dần trở nên phổ biến hơn trong các gia đình Việt, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nó cũng có những hạn chế nhất định khi sử dụng.

Nồi nấu chậm là thiết bị nấu chín và hầm thức ăn trong khoảng thời gian dài (3-8 tiếng) ở nhiệt độ thấp, khoảng 75 - 135 độ C. Nồi nấu chậm làm chín thực phẩm bằng cách giữ nhiệt ở đáy nồi, sau đó truyền nhiệt lên thành nồi để làm nóng và làm chín thức ăn.

Do phương pháp nấu trong thời gian dài này, nồi nấu chậm rất phù hợp để làm mềm những miếng thịt lớn, làm món hầm. Ngoài ra, nồi nấu chậm còn có nhiều lợi ích khác như khả năng nấu chín đều thức ăn mà không cần dùng tay để đảo thức ăn, không có khói nấu ăn, tránh được tác động của khói bụi đến sức khỏe đường hô hấp.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hơn nữa, việc nấu chậm ở nhiệt độ thấp cũng có thể được sử dụng để bảo quản thực phẩm, thực phẩm được bảo quản theo cách này sẽ không dễ bị mất hương vị và kết cấu sau khi hâm nóng.

Nếu bảo quản bằng phương pháp thông thường, quá trình oxy hóa mỡ cá sẽ có mùi tanh; myoglobin trong thịt đỏ tươi sẽ bị oxy hóa và chuyển sang màu nâu; các lát trái cây sẽ bị oxy hóa và chuyển sang màu nâu nhưng nấu chậm ở nhiệt độ thấp có thể tránh được tất cả những điều này.

Mặc dù nấu chậm có rất nhiều ưu điểm nhưng theo chuyên trang tư vấn tiêu dùng Taste Of Home, việc sử dụng nồi nấu chậm cũng có những nhược điểm.

Thời gian nấu lâu

Thông thường, việc chiên hoặc luộc ức gà có thể thực hiện trong vòng 10 đến 15 phút, nếu sử dụng phương pháp nấu chậm thì có thể mất 2 giờ. Vì vậy, sử dụng nồi nấu chậm yêu cầu việc chuẩn bị nguyên liệu và chế biến đồ ăn trước nhiều giờ so với bữa ăn thông thường.

Có thể gây ngộ độc thực phẩm hoặc mất chất

Việc nấu chậm ở nhiệt độ thấp không đủ thời gian có thể khiến thực phẩm không được tiêu diệt hoàn toàn vi rút, vi khuẩn hoặc làm thực phẩm chưa chín kĩ.

Do nấu chậm cũng giữ lại rất nhiều hơi nước bên trong nồi nên việc không vệ sinh cẩn thận nồi sau mỗi lần nấu có thể tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh.

Ngoài ra, có một số thực phẩm không được đun nóng đến nhiệt độ hoặc thời gian đủ có thể gây ngộ độc nên không nên nấu chậm ở nhiệt độ thấp.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những loại thực phẩm không nên cho vào nồi nấu chậm

Theo Best Life, một số thực phẩm nấu bằng nồi nấu chậm có thể gây hại sức khỏe, trong khi một số khác lại không ngon.

Hầu hết các loại cá không giữ được độ ngon khi nấu chậm. "Cá mềm thường bị quá chín hoặc dai sau nhiều giờ ninh ở nhiệt độ thấp", Lindsey Chastain, người sáng lập blog trang trại The Waddle and Cluck, chia sẻ.

Các loại phi lê cá nạc như cá tuyết và cá rô phi có thể ngon nhưng nhìn chung hải sản sẽ ngon hơn nếu chế biến nhanh trên bếp hoặc lò nướng.

Thịt đông lạnh

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cảnh báo không nên cho bất kỳ loại thịt đông lạnh nào vào nồi nấu chậm. Thay vào đó, người nội trợ phải đảm bảo rã đông thịt trước khi cho vào nồi nấu chậm. Việc cho thịt đông lạnh vào nồi nấu chậm gây tốn quá nhiều thời gian rã đông trong nồi, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, gây bệnh.

Đậu (đỗ)

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo không nên cho đậu khô hoặc sống vào nồi nấu chậm nếu không chế biến đúng cách trước. Theo cơ quan này, đậu chứa độc tố lectin và nồi nấu chậm không đủ nhiệt để phân hủy chúng, dễ gây buồn nôn, tiêu chảy.

Vì vậy, trước khi đổ đậu vào nồi nấu chậm, FDA khuyến nghị nên ngâm đậu trong nước ít nhất năm giờ. Sau đó, người nấu phải thay bằng nước sạch và đun sôi đậu trong tối thiểu 30 phút. Sau khi quá trình này hoàn tất, mới có thể cho đậu vào nồi nấu chậm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sản phẩm từ sữa

Nhiều món cần sữa hoặc kem để béo hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên nên tránh sử dụng các sản phẩm từ sữa trong nồi nấu chậm. Cho các sản phẩm từ sữa vào nồi nấu chậm có thể khiến chúng bị đông lại hoặc tách nước, mất hương vị theo thời gian.

Trong trường hợp buộc phải dùng, hãy căn đúng lượng và cho các sản phẩm này vào nồi nấu chậm khi đã nấu xong.

Một số loại rau

Một số loại rau không giữ được lâu trong nồi nấu chậm. Các chuyên gia cảnh báo không nên cho các loại rau có nước như súp lơ, cà tím, bí xanh hoặc bông cải xanh vào một trong những thiết bị này. Nếu buộc phải cho, nên cho vào sau để chúng mất ít thời gian hầm hơn.

Phương Anh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/dung-noi-nau-cham-co-tot-khong-thuc-pham-nao-khong-nen-nau-d200472.html