Dựng 'phên dậu xanh' nơi miền biên viễn (bài 3)
Nhiều năm qua, đồng hành cùng những người lính quân hàm xanh trên các cung đường biên giới tỉnh Cao Bằng, Hà Giang là các thế hệ già làng, trưởng bản và đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới. Họ chính là những 'người lính không biên chế' luôn gắn bó cùng BĐBP trong tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc.
Bài 3: Xây cột mốc lòng dân
Mỗi người dân là một “cột mốc sống”
Đã ở lứa tuổi U70 nhưng ông Luân Văn Thành vẫn khỏe mạnh, bước đi thoăn thoắt. Ông Thành rất vui khi làm “hướng dẫn viên” đưa chúng tôi ra thăm biên giới. Cùng đi còn có chị Tống Thị Ngần, các anh Đàm Văn Hải, Đinh Văn Cường và nhiều bà con ở bản Nà Chào, xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Theo giới thiệu của Trung tá Nguyễn Hữu Thảo, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Tà Lùng, BĐBP Cao Bằng thì ông Thành, chị Ngần là lớp người đầu tiên khởi xướng phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc” ở huyện Quảng Hòa.
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm mảnh nương canh tác sát biên giới, cạnh các cột mốc số 945, 946 và 947, ông Thành, chị Ngần và bà con vừa kể về những năm tháng khó khăn sau chiến tranh biên giới năm 1979. Theo đó, trong những năm 1995 đến 2001, tình trạng xâm canh, xâm cư trên biên giới của huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng vẫn diễn ra phức tạp, ông Luân Văn Thành (lúc đó là Trưởng bản Nà Chào) cùng với Đồn Biên phòng CKQT Tà Lùng là người đi đầu trong công tác vận động nhân dân đoàn kết đấu tranh bảo vệ từng tấc đất trên biên giới. Tình đoàn kết quân dân ấy đã làm giảm dần vụ việc nhạy cảm trên biên giới, mang lại sự bình yên cho thôn xóm, bản làng, góp phần giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Cho đến bây giờ, điều ông Thành, chị Ngần luôn nhắc nhở bản thân, gia đình và bà con lối xóm rằng, không ai khác, chính mỗi người dân là những cột mốc sống, thành lũy vững chắc nhất bảo vệ chủ quyền nơi biên cương Tổ quốc.
Không chỉ ở Tà Lùng mà hàng chục năm qua, ở các đồn, đơn vị Biên phòng nơi vùng biên viễn Hà Giang, việc vận động quần chúng nhân dân chung tay cùng BĐBP trong quản lý, bảo vệ biên giới đã và đang phát huy rất hiệu quả. Đến nay, đã có 158 xóm, 23 cơ quan, đơn vị và 1.673 hộ gia đình ở khu vực biên giới tỉnh Cao Bằng ký cam kết tự quản đoạn biên giới dài trên 333km; 634 mốc quốc giới, 249 biển báo khu vực biên giới, vành đai biên giới, vùng cấm và biển nội quy khu vực biên giới...
Đại tá Đinh Đức Hùng, Chỉ huy trưởng BĐBP Cao Bằng cho biết: “Từ chỗ gắn bó máu thịt với quần chúng nhân dân và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, BĐBP đã góp phần tạo bước chuyển biến mới trong cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân địa phương. Việc tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới đã thực sự trở thành nhu cầu, là niềm tự hào của mỗi người dân biên giới. Nhiều vụ việc như: Xâm hại cột mốc, xâm canh, làm đường vi phạm đường thông tầm nhìn biên giới, vượt biên giới khai thác lâm, thổ sản, chăn thả trâu bò... đều được nhân dân ở khu vực biên giới kịp thời phát hiện, thông báo và phối hợp cùng các đồn Biên phòng đấu tranh có hiệu quả…”.
Ý thức được trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới nên thời gian qua, đồng bào các dân tộc trên khu vực biên giới đã phối hợp với các đồn, đơn vị Biên phòng ở Cao Bằng tuần tra biên giới được 6.237 lần, có 37.617 lượt người tham gia. Bà con các thôn, bản biên giới cũng đã phát hiện, cung cấp cho BĐBP Cao Bằng 4.892 nguồn tin có giá trị phục vụ công tác quản lý, bảo vệ biên giới. Tiêu biểu trong các phong trào này là quần chúng nhân dân khu vực biên giới xã Mỹ Hưng, thị trấn Tà Lùng (huyện Quảng Hòa), xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh), xã Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm) và xã Cần Nông (huyện Hà Quảng)...
Lan tỏa các mô hình tự quản đường biên, cột mốc
Vùng biên viễn Hà Giang là “mái nhà chung” của 19 dân tộc anh em, trong đó, người Mông chiếm tới trên 60%. Đã bao đời nay, chẳng ngại khó khăn, gian khổ, mỗi thôn bản, gia đình, mỗi người dân như một cột mốc, ngày đêm sát cánh cùng BĐBP xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Trung tá Tạ Tấn Hoàng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP Hà Giang cho biết: Địa bàn quản lý của đơn vị gồm hai xã: Xín Cái và Thượng Phùng (huyện Mèo Vạc) với trên 10.000 người thuộc 10 dân tộc sống đan xen, trong đó, người dân tộc Mông chiếm trên 70%. Tuy cuộc sống vẫn còn khó khăn, nhưng quần chúng nhân dân trên địa bàn luôn sát cánh cùng đơn vị trong bảo vệ đường biên, cột mốc, đấu tranh tố giác tội phạm, ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép. Trong những năm qua, Đồn Biên phòng Xín Cái luôn phối hợp tốt với địa phương duy trì 8 tập thể và 57 hộ gia đình tham gia tự quản đường biên, cột mốc và 32 “Tổ tự quản an ninh, trật tự” thuộc 32 thôn, bản trên địa bàn 2 xã biên giới. Toàn bộ gần 24km đường biên giới và 71 cột mốc do đơn vị quản lý đều được người dân đăng ký tự quản, bảo vệ…
Cùng với Đồn Biên phòng Xín Cái, việc xây dựng và lan tỏa các mô hình tự quản đường biên, cột mốc của các đồn, đơn vị thuộc BĐBP Hà Giang đã giúp cho đồng bào các dân tộc ngày càng nâng cao nhận thức cũng như tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ biên giới, trở thành tai mắt và là cánh tay nối dài, hỗ trợ BĐBP.
Đại tá Hoàng Ngọc Định, Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Giang cho biết: “BĐBP Hà Giang đã phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ở khu vực biên giới. Trong 3 năm qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đơn vị thuộc BĐBP Hà Giang đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả cho nhân dân ở khu vực biên giới”.
Được biết, BĐBP Hà Giang quản lý 442 mốc quốc giới (358 mốc chính và 84 mốc phụ). Trong 7 huyện biên giới của tỉnh có 346 thôn, bản thuộc 32 xã, 2 thị trấn, với 19 thành phần dân tộc sinh sống. Những năm qua, nhờ phối hợp tốt với địa phương đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền nên ở khu vực biên giới tỉnh Hà Giang có 856 gia đình, 107 tập thể; 242 tổ an ninh trật tự với trên 1.580 người đăng ký cùng BĐBP tham gia tự quản đường biên, cột mốc.
Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả như: Phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự xóm (bản) khu vực biên giới”; “Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên”; “Phụ nữ vì biên giới”; “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận, già làng, trưởng bản gương mẫu”. Do vậy, rất nhiều vụ việc xảy ra ở khu vực biên giới đã được nhân dân kịp thời phát hiện, báo cho đồn Biên phòng, chính quyền địa phương để xử lý, giải quyết. Nhờ đó, khu vực biên giới của Hà Giang không để xảy ra các điểm nóng về an ninh trật tự; ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của người dân được nâng lên.
Bài cuối: Chung tay xây dựng biên cương giàu mạnh