Dùng tay cào đất tìm nạn nhân vụ sạt lở vùi xe khách ở Hà Giang
Đại úy Lê Đình Dương là một trong những người đầu tiên có mặt tại hiện trường vụ sạt lở đất vùi lấp xe khách ở Hà Giang khiến 11 người chết.
Đến sáng 14/7, cơ quan chức năng vẫn đang điều tra nguyên nhân vụ sạt lở đất tại Hà Giang khiến 11 người chết.
Đại úy Lê Đình Dương (cán bộ Đội tham mưu, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Giang) kể, khoảng 4h15 sáng 13/7, trong khi đang trực tại đơn vị, anh cùng trung tá Nguyễn Hà Tuyên (Đội trưởng Đội Tham mưu) nhận được thông tin một ô tô khách gặp tai nạn ở Km 10+900 (thuộc địa phận thôn Tả Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê).
Mặc vội quân phục và cầm theo đèn pin, anh và trung tá Tuyên vội vã lên hiện trường giữa cơn mưa tầm tã.
“Thời điểm mới nhận được tin báo, tôi nghĩ chắc đây chỉ là một vụ sạt lở thông thường nhưng khi tới hiện trường, chúng tôi bàng hoàng bởi cảnh tượng trước mắt. Thông qua các nhân chứng, chúng tôi nắm được tính nghiêm trọng của vụ việc và ngay lập tức lao vào tìm kiếm các nạn nhân", đại úy Dương kể.
Sau khi vào tới hiện trường, hai cán bộ CSGT đã phối hợp cùng với lực lượng công an xã rọi đèn, tìm kiếm các nạn nhân.
“Khi ấy trời vẫn còn tối, do khối lượng đất sạt lở nhiều nên rất khó xác định vị trí. Thậm chí chúng tôi đã phải áp tai vào đất để dò âm thanh các nạn nhân kêu cứu.
Chúng tôi cũng lên phương án làm sao để đảm bảo tính mạng cho những nạn nhân vẫn còn hơi thở", đại úy Dương nhớ lại.
Khi mới tiếp cận hiện trường, lực lượng chức năng vẫn chưa tới kịp, hai CSGT đã phải dùng tay để cào đất.
"Những nạn nhân đầu tiên được phát hiện lại là những nạn nhân xấu số đã tử vong. Dù rất đau lòng, chúng tôi vẫn cố kìm lòng để tiếp tục công việc với tinh thần khẩn trương nhất có thể. Một lát sau, nhiều người dân và lực lượng cứu hộ đã có mặt, công tác cứu hộ được đẩy nhanh hơn.
Đến khoảng 5h30 sáng cùng ngày, chúng tôi nghe thấy tiếng kêu cứu của nạn nhân đầu tiên. Sau khi đưa ra khỏi đống đất đá vùi lấp, việc đầu tiên là phải lấy nước để rửa mặt và đất dính trong miệng, mũi để tránh việc nạn nhân bị ngạt", đại úy Dương cho hay.
Mặc dù công cụ hỗ trợ sẽ giúp công tác tìm kiếm sẽ diễn ra nhanh chóng hơn, tuy nhiên theo đại úy Dương, việc đào đất cũng rất nguy hiểm, vì có thể xảy ra tình huống cuốc hoặc xẻng không may trúng vào những nạn nhân đang bị vùi dưới đất đá.
“Khi đào đất, anh em đã phải lựa vị trí, nếu cảm thấy không an toàn sẽ tiếp tục dùng tay để bới đất.
Đau lòng lắm, nhưng ngay từ đầu, anh em đã phải xác định kiểm tra thật kỹ lưỡng, thậm chí tác động vào nạn nhân xem họ còn phản ứng không. Nếu còn phản ứng thì phải ưu tiên cứu trước vì lúc này, đội ngũ y tế cũng đã đến.
Tôi đã nhiều lần tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ, tuy nhiên chưa khi nào gặp vụ sạt lở với khối lượng đất đá lớn và gây nhiều thương vong đến thế", đại úy Dương chia sẻ.
Đến cuối giờ chiều 13/7, lực lượng chức năng đã tìm được tổng cộng 11 thi thể nạn nhân và 4 người khác may mắn sống sót.
Trước đó, khoảng hơn 4h sáng 13/7, trời mưa lớn, ô tô khách 16 chỗ chạy trên quốc lộ 34, hướng từ TP Hà Giang đi Cao Bằng. Khi đến xã Yên Định, huyện Bắc Mê, ôtô bị đất đá từ trên núi tràn xuống khiến không thể di chuyển.
Tất cả đàn ông trên xe 16 chỗ, 3 người trên xe 7 chỗ và vài người đi xe máy gần đó đã xuống trợ giúp đẩy ôtô khách qua đoạn đất lở. Tuy nhiên, đất đá lại sạt xuống khiến họ không kịp trở tay.
Tại hiện trường, vạt núi khoảng 50.000m3 tràn xuống lấp hết 150m quốc lộ 34 với độ dày 0,2-2 m, làm sạt taluy âm, đẩy người về phía vực suối. Riêng ôtô khách nằm nghiêng sát mép đường phía vực suối, 4 bánh bị chôn trong đất nhão, đèn phía sau vẫn sáng.
Tỉnh Hà Giang đã điều 3 xe múc, khoảng 300 người, trong đó có 100 dân quân, bộ đội từ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham gia cứu nạn. Đoạn quốc lộ 34 nối hai tỉnh Hà Giang và Cao Bằng bị phong tỏa hai đầu.