'Đừng thần thánh hóa IELTS để xét tuyển, giỏi ngoại ngữ không chắc giỏi các môn'
Nhiều chuyên gia cảnh báo, các trường đại học lạm dụng xét tuyển đầu vào bằng chứng chỉ IELTS sẽ gây mất công bằng và chất lượng thí sinh chưa chắc như mong muốn.
Từ năm lớp 10, Nguyễn Thị Thủy (học sinh trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội) tập trung vào các khóa học IELTS (bài kiểm tra Anh ngữ quốc tế), học 4 buổi mỗi tuần. Thủy còn học thêm một lớp tiếng Anh bổ trợ, với mục tiêu sẽ đạt điểm 7.5 trở lên.
"Hai phần ba các bạn ở lớp đã luyện IELTS, có bạn học từ lớp 8, như em lớp 10 mới bắt đầu là hơi muộn", Thủy nói. Đến nay, cả lớp có khoảng 80% các điểm IELTS từ 6.0 trở lên.
Lê Bích Hạnh, lớp 12 một trường THPT ở quận Hoàn Kiếm chuẩn bị bước vào kỳ thi để chinh phục mức IELTS 7.0. Nữ sinh bắt đầu học IELTS từ lớp 11, trung bình lớp học hai buổi mỗi tuần trong 2,5 tiếng, hôm nào cũng có bài về nhà, giá khoảng 500.000 đồng/buổi.
Thủy và Hạnh là hai trong hàng chục nghìn học sinh chọn cách giảm áp lực thi cử và chắc suất đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS.

Nhiều thí sinh đổ xô luyện thi IELTS như tấm vé vàng vào đại học. (Ảnh minh họa).
Bà Hoàng Thị Kim Anh, giám đốc trung tâm gia Anh ngữ khu vực quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay, ba năm trở lại đây số lượng các trường đại học xét tuyển dựa vào chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tăng nên số học sinh đăng ký luyện thi IELTS tại trung tâm cũng nhiều hơn đáng kể.
“Hiện, trung tâm có 8 lớp luyện thi chứng chỉ IELTS, trong đó khoảng 2/3 là học sinh lớp 11 và 12, mục tiêu đạt điểm từ 5.5 trở lên để xét tuyển đại học. Dù học phí cho mỗi buổi học từ 450.000 - 600.000 đồng, gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với các môn khác nhưng các em vẫn đầu tư", bà Kim Anh nói. Thậm chí, có em học lâu dài thì tuần chỉ 1 - 2 buổi, cấp tốc để kịp chứng chỉ vào thời điểm nộp hồ sơ thì có khi lên 3 - 4 buổi/tuần.
Trung tâm Anh ngữ i-Ceo đang luyện thi IELTS cho khoảng 60% học sinh THPT đặt mục tiêu có chứng chỉ từ 5.5 trở lên. “Những năm trước đây số lượng học sinh THPT chỉ chiếm khoảng 20% với mục đích đi du học, nay thì tăng lên nhiều để có cơ hội vào các trường đại học trong nước.
Các em dành mỗi tuần 2 - 3 buổi, mỗi buổi 2 tiếng để luyện thi. Kỳ thi được tổ chức thường xuyên nên khá thuận lợi cho các em muốn có chứng chỉ gấp, nhưng để đạt điểm cao thì cần có sự đầu tư lâu dài và học vững chắc, nghiêm túc thực sự”, bà Trần Thị Hòa nói.
Theo bà Hòa, bên cạnh những thí sinh có sự chuẩn bị từ sớm, chẳng hạn từ năm lớp 10, nếu có năng lực ngoại ngữ tốt thì điểm thi IELTS giờ rất cao, từ 7.0 - 8.0, nhưng không ít em “nước đến chân mới nhảy”, lớp 12 mới đi học và luyện thi cấp tốc, điểm chỉ có thể đạt từ 4.5 - 5.0 là hết sức.
Dù vậy, các em và phụ huynh vẫn chọn đầu tư tiền bạc để chạy đua lấy chứng chỉ IELTS, họ coi đó như tấm vé chắc suất vào đại học.
Giỏi IELTS không chắc giỏi các môn khác
Tính đến tháng 5/2025 có khoảng 70/200 đại học trên cả nước sử dụng điểm IELTS để xét tuyển đầu vào, trong đó có nhiều trường lớn. Các chuyên gia cho rằng dường như IELTS đang được coi trọng ở mức quá cao, lấn át nhiều yếu tố khác.
TS Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, năm ngoái trường nhận gần 12.000 hồ sơ có chứng chỉ IELTS, tăng gần 1.000 so với 2023.
Chứng chỉ này được NEU dùng xét kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực, tư duy hoặc thay thế môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo ông Đức, dù mức sàn là 5.5 (được quy đổi thành 8/10điểm), khoảng 85% thí sinh đạt từ 6.5 IELTS trở lên.
"Nhóm có 5.5 IELTS nếu muốn đỗ thì điểm hai môn còn lại phải rất cao vì điểm chuẩn của trường thường không dưới 26", ông Đức nói. Trong 7 năm qua, số thí sinh có IELTS vào Kinh tế Quốc dân "tăng dựng đứng". Năm 2017, trường chỉ có 50 hồ sơ diện này, hai năm sau lần lượt là 400 và 2.000.
Trường Đại học Việt Đức xét tuyển bằng IELTS từ năm 2021 với gần 800 thí sinh đăng ký. Tới 2024, con số này tăng bốn lần, lên gần 2.600. Trường cho biết nhóm có điểm từ 7.0 tăng liên tục, từ 24,8% tổng số thí sinh (năm 2021) lên 53,6% (năm 2024).

Các chuyên gia lo ngại việc một số trường đại học quá lạm dụng IELTS trong xét tuyển. (Ảnh minh họa)
TS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho hay, IELTS là hệ thống kiểm tra đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, bao gồm bốn kỹ năng, nghe - nói - đọc - viết. Ngày nay, các em học sinh phổ thông, nhất là các thành phố lớn chuộng các lớp ôn luyện IELTS với mục tiêu đạt 5.0 trở lên. Đây cũng là mức thấp nhất để các trường đại học xét tuyển thí sinh đầu vào.
Tuy nhiên, cần phải hiểu, điểm số IELTS chỉ phản ánh một phần năng lực hiểu biết và sử dụng ngôn ngữ của người học. Nếu một người đạt 7.0 IELTS, họ được kỳ vọng có thể tổng hợp và xử lý được 70% thông tin với bất cứ chủ đề nào trong cuộc sống, biểu đạt qua cả văn nói và văn viết.
TS Tuấn phân tích thêm, chưa có nghiên cứu giáo dục nào khẳng định mối quan hệ nhân quả tỷ lệ thuận giữa kết quả thi IELTS và năng lực học tập ở cả bậc đại học và phổ thông. Nếu có, các trung tâm luyện thi IELTS đã quảng bá và các trường đại học đã nhân rộng toàn quốc mô hình này.
"Các trường đại học hết sức thận trọng khi tăng chỉ tiêu, tăng số lượng xét tuyển từ chứng IELTS. Chỉ nên coi đây là một trong những tiêu chí xét tuyển hoặc khuyến khích cộng điểm, đừng quá thần thánh hóa loại chứng chỉ IELTS, bởi 5.0-7.0 ITELS chưa chắc giỏi các kiến thức khác.
Đôi khi số điểm này chỉ nhờ những đợt luyện thi cấp tốc, làm đề theo mẹo mà thành, không phản ánh đúng năng lực người học", TS Tuần nói.
Thạc sĩ Châu Thế Hữu, giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM cho rằng: "Việc các trường quá lạm dụng xét tuyển từ chứng chỉ ILETS gây thiệt thòi cho các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, hoặc chưa có điều kiện tiếp cận IELTS".
Theo ông, việc thí sinh "chạy đua" lấy chứng chỉ IELTS để được ưu tiên xét tuyển hoặc quy đổi thành điểm, miễn thi ngoại ngữ là bất ổn và không công bằng với đa số học sinh. Các môn văn hóa khác, học sinh đều có thể tự học ở nhà, còn IELTS đa số phải đến học ở trung tâm với mức học phí đắt đỏ, lệ phí thi cũng cao, chỉ những em có điều kiện kinh tế mới đầu tư được.
Học sinh nghèo, học sinh ở nông thôn hay vùng sâu vùng xa nhiều em có năng lực ngôn ngữ nhưng không đủ tài chính và điều kiện để học thì rất thiệt thòi.
"IELTS chỉ là bài thi đánh giá kỹ năng về ngôn ngữ, còn để học đai học cần rất nhiều kỹ năng khác và khi ra trường ngoại ngữ cũng chỉ là yếu tố bên cạnh chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng mềm. Kinh nghiệm hơn 5 năm làm việc của tôi cho thấy, không phải học sinh nào có chứng chỉ IELTS cao là học lực cũng giỏi", ông nói thêm.
Một chuyên gia giáo dục dự báo, tỷ lệ thí sinh xét tuyển bằng IELTS ngày càng tăng, "chắc chắn năm 2025 số lượng này sẽ tăng mạnh hơn nữa". Việc chạy đua vào đại học bằng IELTS ngày càng khốc liệt khi các trường quá lạm dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tuyển sinh. Còn thí sinh đang "cuồng" vì cho rằng cứ có chứng chỉ IELTS sẽ chắc 1 suất vào đại học.
"Điều đáng nói là ở chỗ các ngành vốn chuyên môn sâu như xây dựng, y dược, mỹ thuật, nông nghiệp, kinh tế... đều tuyển thí sinh có chứng chỉ IELTS. Tôi không chắc lực học của các em này sẽ tốt hơn những em khác giỏi Toán, Lý, Hóa hay Văn, Sử, Địa", ông nói và kiến nghị các trường đại học, Bộ GD&ĐT cần xem siết chặt hơn nữa việc tuyển sinh bằng IELTS, chỉ nên coi đây là tiêu chí phụ, không nên tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, tránh tạo ra bất công.