Dùng tính năng mới của ChatGPT tạo công thức nấu ăn từ ảnh nguyên liệu, xác định vật thể
OpenAI đã ra mắt một số tính năng mới ấn tượng cho chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT của mình.
Vào cuối tháng 9, công ty khởi nghiệp OpenAI đã thông báo rằng ChatGPT sẽ hỗ trợ giọng nói và có vài "đôi mắt".
OpenAI cho biết người dùng đã đăng ký phiên bản ChatGPT Plus (giá 20 USD/tháng) sẽ có thể bắt đầu tương tác "trong cuộc trò chuyện qua lại" bằng tính năng giọng nói.
Ngoài ra, người dùng cũng có thể tải hình ảnh lên chatbot AI này và đặt câu hỏi dựa trên đó. Hiện chưa rõ khi nào các tính năng hình ảnh và giọng nói sẽ được tung ra cho người dùng ChatGPT miễn phí.
Tính năng mới về hình ảnh của ChatGPT dễ sử dụng. Trên phiên bản web, biểu tượng hình ảnh sẽ xuất hiện ở phía bên khung nhập văn bản. Người dùng có thể nhấp vào để tải hình ảnh lên ChatGPT. Trên ứng dụng di động ChatGPT, người dùng cũng có thể chụp ảnh trên smartphone của mình và khoanh tròn bất cứ thứ gì họ muốn ChatGPT tập trung vào. Sau khi tải lên, người dùng có thể đặt câu hỏi về bức ảnh.
Ví dụ, PV trang Insider đã gửi cho ChatGPT bức ảnh về một số thành phần hơi ngẫu nhiên và yêu cầu đề xuất công thức nấu ăn. Chatbot AI này đã đưa ra bốn đề xuất trong vòng vài phút, tất cả đều có vẻ ăn được ít nhất là từ cái nhìn đầu tiên, dù trong đó có vài thành phần thông thường nằm trong tủ bếp không xuất hiện trên hình ảnh.
Tính năng này có những ứng dụng thực tế khác. Ví dụ ChatGPT có thể hiểu chữ viết tay không hoàn hảo của tôi và gõ ra thành văn bản. Chatbot AI cũng làm rất tốt việc xác định các vật thể trong tự nhiên và đưa ra một số lời khuyên để giúp cây sắp chết của PV Insider sống lại.
Song, tính năng mới có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác ngoài việc tạo cảm hứng trong bếp và tư vấn cách làm vườn.
Mckay Wrigley, người sáng lập một công ty khởi nghiệp Takeoff AI, đã chia sẻ ví dụ khác về tính năng hình ảnh mới trên ChatGPT. Trong một video đăng trên X, Mckay Wrigley đã chỉ ra cách ChatGPT có thể viết mã từ một phiên làm việc trên bảng trắng. Ông đã tải lên hình ảnh một tấm bảng trắng mô tả hướng dẫn trang web bằng tiếng Anh đơn giản và yêu cầu chatbot tạo mã. ChatGPT đã biến các hướng dẫn thành mã làm việc.
Dù tính năng này có những công dụng rõ ràng nhưng cũng đặt ra những câu hỏi về quyền riêng tư. Ví dụ, trang Wired đã nhắc nhở người dùng tránh tải ảnh cá nhân, nhạy cảm lên ChatGPT khi dùng thử tính năng mới.
ChatGPT cũng được thêm một số hạn chế mới. OpenAI đã ngăn chatbot AI của mình trả lời các câu hỏi xác định con người dựa trên hình ảnh.
Khi PV Insider đưa cho ChatGPT một bức ảnh chụp nghệ sĩ Frida Kahlo (Mexico), chatbot này từ chối xác định hình ảnh. Tuy nhiên sau khi thăm dò một chút, ChatGPT cuối cùng đã xác định hình ảnh đó sau khi trích dẫn một nhãn ở góc trên bên phải.
"Tôi được lập trình để tránh xác định con người thực dựa trên hình ảnh vì lý do bảo mật. Tuy nhiên, tác phẩm nghệ thuật mà bạn cung cấp đã được dán nhãn", ChatGPT nói.
ChatGPT đã trở nên phổ biến sau khi ra mắt vào tháng 11.2022 và từng trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất lịch sử khi có 100 triệu người dùng sau 2 tháng, sau đó bị Threads của Meta Platforms soán ngôi. ChatGPT thúc đẩy ngành công nghiệp AI đang tăng trưởng mạnh mẽ và nhận được nhiều khoản đầu tư. Đầu năm nay, Microsoft đã đầu tư 10 tỉ USD vào OpenAI như một phần của vòng cấp vốn sẽ định giá công ty ở mức 30 tỉ USD.
Trong khi Google thường xuyên bổ sung các tính năng mới cho chatbot Bard AI, Microsoft thêm tính năng tìm kiếm trực quan vào Bing và tích hợp ChatGPT vào Skype.
Sự phổ biến và phát triển nhanh chóng của AI đi đôi với những lo ngại chính đáng về khả năng ảnh hưởng tới xã hội. AI nói chung có thể đe dọa sinh kế của vô số người sáng tạo nội dung, đồng thời đặt ra những rủi ro mới về bảo mật và quyền riêng tư cũng như làm gia tăng thông tin sai lệch.
Các chuyên gia an ninh mạng lo ngại phần mềm nhân bản giọng nói và công nghệ deepfake có thể được sử dụng để phá vỡ các biện pháp bảo mật dùng sinh trắc nhận dạng. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng các chương trình AI như chatbot và phần mềm tạo hình ảnh được xây dựng dựa trên tài sản trí tuệ của hàng triệu người.
OpenAI xem xét tạo chip AI riêng để giảm phụ thuộc Nvidia và Microsoft
OpenAI đang khám phá việc sản xuất chip AI của riêng mình và tiến xa đến việc đánh giá mục tiêu mua lại tiềm năng, theo những người quen thuộc với kế hoạch của công ty.
Ít nhất là từ năm ngoái, OpenAI đã thảo luận về nhiều lựa chọn khác nhau để giải quyết tình trạng thiếu chip AI đắt tiền mà công ty dựa vào, theo những người quen thuộc với vấn đề này.
Các lựa chọn bao gồm xây dựng chip AI của riêng mình, hợp tác chặt chẽ hơn với các nhà sản xuất chip khác, gồm cả Nvidia, và cũng đa dạng hóa các nhà cung cấp ngoài Nvidia.
Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, đã coi việc mua thêm chip AI là ưu tiên hàng đầu của công ty. Ông đã công khai phàn nàn về sự khan hiếm của các bộ xử lý đồ họa (GPU), một thị trường do Nvidia thống trị. Nvidia kiểm soát hơn 80% thị phần toàn cầu về chip phù hợp nhất để chạy các ứng dụng AI.
Nỗ lực có được nhiều chip hơn gắn liền với hai mối lo ngại lớn mà Sam Altman đã xác định: Sự thiếu hụt bộ xử lý tiên tiến cung cấp sức mạnh cho phần mềm của OpenAI; chi phí “choáng ngợp” liên quan đến việc vận hành phần cứng cần thiết để hỗ trợ các dự án và sản phẩm của họ.
Kể từ năm 2020, OpenAI đã phát triển các công nghệ generative AI trên một siêu máy tính khổng lồ do Microsoft (nhà tài trợ lớn nhất của hãng) chế tạo, sử dụng 10.000 GPU của Nvidia.
Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.
Việc chạy ChatGPT rất tốn kém với OpenAI. Theo phân tích từ chuyên gia Stacy Rasgon của ngân hàng Bernstein, mỗi truy vấn tốn khoảng 4 xu. Nếu các truy vấn ChatGPT tăng lên bằng 1/10 quy mô tìm kiếm của Google, ban đầu OpenAI sẽ cần số GPU trị giá khoảng 48,1 tỉ USD và số chip trị giá khoảng 16 tỉ USD mỗi năm để duy trì hoạt động.
Nỗ lực phát triển chip AI của riêng mình sẽ đưa OpenAI vào một nhóm nhỏ các hãng công nghệ lớn như Google và Amazon đang tìm cách cố gắng kiểm soát quá trình thiết kế các chip quan trọng với hoạt động kinh doanh của họ.
Chưa rõ liệu OpenAI có tiếp tục kế hoạch xây dựng chip tùy chỉnh hay không. Theo các chuyên gia kỳ cựu trong ngành, làm như vậy sẽ là sáng kiến chiến lược lớn và một khoản đầu tư lớn với chi phí có thể lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm. Ngay cả khi cam kết tập trung tài nguyên cho nhiệm vụ này thì OpenAI cũng không đảm bảo được sự thành công.
Việc mua lại một công ty chip có thể đẩy nhanh quá trình xây dựng chip riêng của OpenAI, giống Amazon thông qua việc mua lại Annapurna Labs vào năm 2015.
Theo một trong những người quen thuộc với kế hoạch của OpenAI, công ty đã xem xét đến mức độ thực hiện công việc kiểm tra thông tin về một mục tiêu có thể mua lại. Chưa rõ được danh tính của công ty mà OpenAI nhắm đến.
Ngay cả khi OpenAI tiến hành các kế hoạch về chip tùy chỉnh, gồm cả việc mua lại, thì nỗ lực này có thể sẽ mất vài năm. Trong thời gian chờ đợi, công ty vẫn phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp chip thương mại như Nvidia và AMD.
Một số hãng công nghệ lớn đã xây dựng bộ xử lý của riêng họ trong nhiều năm nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Theo báo cáo của Reuters, nỗ lực sản xuất chip tùy chỉnh của Meta Platforms đã gặp phải nhiều vấn đề, khiến công ty phải loại bỏ một số chip AI của mình. Chủ sở hữu Facebook đang nghiên cứu một chip mới hơn có thể hỗ trợ tất cả các loại công việc AI.
Microsoft cũng đang phát triển một chip AI tùy chỉnh mà OpenAI đang thử nghiệm, trang The Information đưa tin. Việc OpenAI xem xét sản xuất chip AI riêng có thể gợi ý rằng hãng đang có xu hướng giảm phụ thuộc Microsoft.