Được 'dân liệu' khi thực hiện Dự án cao tốc Bắc – Nam
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu thông xe Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (Dự án cao tốc Bắc - Nam) vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/2025, hơn 2 năm qua, tỉnh Quảng Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải quyết một khối lượng công việc có thể nói là khổng lồ để bàn giao mặt bằng Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Quảng Bình.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đã sắp về đích, trong quá trình nhiều lần tìm hiểu, viết bài liên quan đến công trình trọng điểm này, chúng tôi nhận thấy khi làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ thì “khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Những “bài học” khi thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam cần được rút ra để sau này thực hiện ở nhiều công trình trọng điểm khác.
Nói cho dân nghe, làm cho dân tin
Có những thời điểm nảy sinh hàng loạt vấn đề phức tạp liên quan đến Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Quảng Bình như: việc giải phóng mặt bằng; kiểm đếm tài sản trên đất; việc triển khai lập quy hoạch chi tiết xây dựng; lập dự án các khu tái định cư; khu nghĩa địa để triển khai xây dựng bố trí tái định cư; di dời mồ mả cho người dân... Nhưng với sự quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân địa phương, đến nay Dự án cao tốc Bắc - Nam qua Quảng Bình đoạn Bùng - Vạn Ninh đã được thông xe kỹ thuật, vượt tiến độ hơn 6 tháng. Nhiều bài học được rút ra khi giải phóng mặt bằng đối với công trình trọng điểm quốc gia Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Quảng Bình.
Ngày 1/1/2023, Chính phủ chỉ đạo 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam với tổng vốn 146.990 tỷ đồng đồng loạt được khởi công. Tại Quảng Bình, ngay sau khi dự án được khởi công thì hàng loạt vấn đề đặt ra cần giải quyết liên quan trực tiếp đến dự án. Tỉnh Quảng Bình phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tổ chức nhiều buổi làm việc với các sở, ban, ngành và địa phương và người dân có liên quan để tập trung tháo gỡ những vướng mắc. Khó khăn nhất là khi người dân đi tắt đón đầu xây dựng chờ đền bù, tại nhiều địa phương chỉ sau một đêm công trình nhà cửa, tường rào, trang trại chăn nuôi mọc lên như nấm. Có những nơi, mặc dù cơ quan chức năng chưa cắm mốc nhưng hàng trăm hộ dân đã trồng cây, đắp mộ gió, đào ao, xây chuồng… chờ đền bù.
Có thể nói nhiều ngày, nhiều tuần chính quyền địa phương từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã ở Quảng Bình về cơ sở bám trụ tại các thôn, xóm để tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân về Dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuyến đường giao thông quan trọng, huyết mạch của đất nước khi hoàn thành sẽ là động lực để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Khi chính quyền địa phương nói cho dân nghe, làm cho dân tin thì hàng loạt người dân ở Quảng Bình không còn xây dựng các công trình trái phép chờ đền bù, mà ngược lại nhiều nơi bà con tự tháo dỡ các công trình, trả lại mặt bằng “sạch” để thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam. Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Văn Tuyên, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động kịp thời anh đã tự tháo dỡ khoảng 130m tường rào bao quanh trang trại để chờ đền bù.
Anh Tuyên cho biết: “Khi xây dựng không biết sai trái, xây dựng xong rồi thì xã mời ra tuyên truyền, gia đình cảm thấy việc làm của mình sai nên tự thuê máy đập phá dỡ. Mình cũng phải làm cho đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước…”.
Cũng như gia đình anh Tuyên, ông Nguyễn Khắc Tiệp ở xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy tâm sự: “Khi thấy các hộ khác xây dựng để chờ đền bù thì tâm lý gia đình cũng lo lắng sợ thua thiệt và làm theo, khi được lãnh đạo xã xuống nhà tuyên truyền, vận động, gia đình tôi chấp hành chủ trương của xã nên đã tự thuê người tháo dỡ trả lại mặt bằng để nhà nước làm dự án”.
Các địa phương lúc đầu có nhiều hộ dân xây dựng công trình chờ đền bù như ở các xã Phú Thủy, xã Sơn Thủy, xã Kim Thủy, Trường Thủy và thị trấn Nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy; xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh; xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch… nhưng sau đó bà con đều hiểu và thấy tầm quan trọng của Dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn nên bà con đồng thuận tự tháo dỡ.
Ngoài việc ủng hộ chính quyền địa phương trong việc giải phóng mặt bằng, nhiều gia đình ở Quảng Bình còn hiến đất của gia đình để phục vụ dự án như gia đình vợ chồng ông Trần Thanh Hải và Lê Thị Gái ở thôn Phú Xuân, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy; gia đình ông Trần Thanh Hải trú thôn Phú Xuân và ông Nguyễn Quốc Thành, trú thôn Tam Hương, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Ông Trần Thanh Hải và ông Nguyễn Quốc Thành đã tự nguyện hiến 576m2 đất không đòi hỏi đền bù.
Vợ chồng bà Lê Thị Gái sinh sống định cư ở thôn Phú Xuân, xã Phú Thủy từ năm 1994. Vợ chồng được chính quyền địa phương cấp đất để làm nhà, đồng thời gia đình cũng khai hoang một số diện tích khác để trồng rừng sản xuất. Khi chính quyền địa phương xuống thôn họp bàn việc đền bù, giải phóng mặt bằng, vợ chồng bà Gái bàn với nhau hiến 244m2 đất để nhà nước thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam.
Bà Gái tự hào khi nói về việc chung sức cùng địa phương để giải phóng nhanh mặt bằng Dự án cao tốc Bắc - Nam: "Cao tốc Bắc - Nam là công trình quan trọng của đất nước, là một công dân, tôi cũng muốn góp chút sức lực, trách nhiệm của mình”.
Tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình, nhiều hộ dân ở thị trấn Nông trường Việt Trung đã tập trung tháo dỡ nhà cửa, thuê “thần đèn” từ nơi khác đến dịch chuyển nhà để chính quyền địa phương thu hồi đất thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam như gia đình anh Hoàng Minh Lợi và gia đình anh Trần Bá Đàn trú tổ dân phố Dũng Cảm, thị trấn nông trường Việt Trung…

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh đã được thông xe kỹ thuật vượt thời gian 6 tháng.
Niềm vui trên công trình trọng điểm của đất nước
Hòa chung niềm vui cùng đất nước kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), chính quyền địa phương và người dân Quảng Bình vui mừng khi Dự án thành phần đường bộ cao tốc đoạn Bùng - Vạn Ninh thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua Quảng Bình đã được thông xe kỹ thuật, vượt tiến độ hơn 6 tháng. Dự án này đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu cả nước hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc Bắc - Nam vào cuối năm 2025 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án cao tốc Bắc - Nam qua Quảng Bình gồm 3 dự án thành phần với chiều dài 126,43km. Trong đó, đoạn Vũng Áng - Bùng có chiều dài khoảng 42,95km, đoạn Bùng - Vạn Ninh dài 49,93km, đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ hơn 33,5km. Trên địa bàn Quảng Bình có 8 nút giao, tổng diện tích đất chiếm dụng của các dự án thành phần khoảng 1.128,9ha. Diện tích rừng trên địa bàn tỉnh cần chuyển mục đích sử dụng 659,74ha. Có khoảng 3.772 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có 551 hộ thuộc diện tái định cư. Khoảng 4.642 ngôi mộ bị ảnh hưởng, trong đó có 3.885 ngôi mộ phải di dời đến vị trí mới.
Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng, hệ thống đường dây 500kV có 13 vị trí; đường dây 220kV có 9 vị trí; đường dây 110kV có 4 vị trí giao chéo với tuyến cao tốc và nhiều hệ thống đường dây điện trung thế, hạ thế; hệ thống viễn thông đang được cập nhật. Bên cạnh đó, có 12 công trình hạ tầng như trụ sở UBND xã, trạm y tế, sân vận động, trường mầm non, chợ và 4 công trình hạ tầng như nhà văn hóa thôn, điểm trường mầm non, trường tiểu học... bị ảnh hưởng một phần hoặc toàn bộ.
Để thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng 26 khu tái định cư (khu TĐC) với diện tích 69,13ha gồm: huyện Quảng Trạch xây dựng 6 khu TĐC, Ba Đồn 2 khu TĐC, Bố Trạch 12 khu TĐC, Quảng Ninh 3 khu TĐC, Lệ Thủy 3 khu TĐC. Tỉnh Quảng Bình cũng đã quy hoạch 13 khu nghĩa trang (khu NT) với diện tích 20,74 ha bố trí cho 3.885 ngôi mộ phải di dời.
Có thể nói, trong thời gian hơn 2 năm, để di dời được hàng ngàn hộ dân, hàng ngàn ngôi mộ và các công trình khác… tỉnh Quảng Bình đã rất quyết liệt, quyết tâm trong chỉ đạo và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương khơi dậy được tinh thần yêu quê hương, đất nước, sẵn sàng hy sinh một phần quyền lợi của cá nhân, gia đình vì công trình lớn của đất nước trong nhân dân. Để giải phóng được mặt bằng, bàn giao cho các chủ đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam, tỉnh Quảng Bình đã quán triệt đến các sở, ban, ngành, địa phương phải quyết liệt, quyết tâm bàn giao 100% mặt bằng đúng tiến độ, mốc thời gian.
Theo đó, trong quá trình giải quyết việc giải phóng mặt bằng, những tồn đọng, vướng mắc, tỉnh yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động, đặc biệt là tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các quy định của pháp luật để giải quyết các khiếu nại, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân về tái định cư, tạm cư, bồi thường, hỗ trợ và các vấn đề khác có liên quan.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/duoc-dan-lieu-khi-thuc-hien-du-an-cao-toc-bac--nam-i767584/