Được hưởng thụ bình đẳng giới trên không gian mạng
Thúc đẩy phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận và tham gia một cách bình đẳng trong lĩnh vực STEM (khoa học cơ bản và công nghệ), sẽ tạo thêm cơ hội để phụ nữ và trẻ em gái đóng góp và thụ hưởng bình đẳng từ những tiến bộ của khoa học, công nghệ, đồng thời tự bảo vệ mình trước những thách thức về an ninh vô hình và phi truyền thống.
Thúc đẩy phụ nữ và trẻ em gái trong lĩnh vực STEM
Số lượng phụ nữ tham gia các lĩnh vực STEM còn hạn chế
Diễn đàn "Phụ nữ, An ninh mạng và STEM" do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam phối hợp tổ chức đã diễn ra vừa qua tại Hà Nội theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, nhằm chia sẻ kinh nghiệm và kêu gọi nỗ lực chung thúc đẩy bình đẳng giới, khuyến khích phụ nữ làm chủ Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học và không gian mạng. Tham dự diễn đàn có khoảng 300 đại biểu từ các Đại sứ quán, cơ quan Liên hợp quốc, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các Bộ ngành, cơ quan Trung ương và Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò quyết định để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia.
Đồng thời, bình đẳng giới trong khoa học, công nghệ cũng sẽ giúp phát huy tốt nhất thế mạnh của cả hai giới và tiềm năng to lớn của nguồn nhân lực của quốc gia đó. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những khoảng trống về giới trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học. Số lượng phụ nữ tham gia các lĩnh vực STEM, nhất là ở vị trí lãnh đạo, còn hạn chế.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc năm 2022, phụ nữ chỉ chiếm 22% lực lượng lao động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và 28% sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật. Đồng thời, sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, nhất là quá trình số hóa đang mang đến cả cơ hội và thách thức cho phụ nữ và trẻ em gái. Số liệu nghiên cứu cho thấy, có 38% phụ nữ hoạt động trực tuyến ở các nước đã từng bị bạo lực trên mạng.
Bà Hà Thị Nga nhấn mạnh: “Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua đã kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và có các chính sách phát triển đội ngũ khoa học nữ. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Luật Bình đẳng giới, Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nữ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học nữ tiếp tục theo đuổi đam mê, nghiên cứu khoa học cống hiến cho công cuộc xây dựng và phát triển bền vững của đất nước”.
90% nạn nhân bị lừa đảo qua mạng là phụ nữ
Đại sứ Belarus tại Việt Nam Vladimir Baravikov chia sẻ, sự quan tâm đúng mức và sát sao của chính phủ, cơ quan trong nước cũng như hệ thống giáo dục phổ thông trong việc đảm bảo quyền bình đẳng trong cơ hội học tập, tiếp cận công nghệ và kỹ thuật số. Điều này tạo ra điều kiện thuận lợi cho nữ giới được đóng góp, tham gia cũng như thụ hưởng từ STEM và trên không gian mạng.
Tại diễn đàn, Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi - Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công An cung cấp các thông tin hữu ích về tội phạm công nghệ cao nhắm tới cho phụ nữ và trẻ em, nhất là qua các mạng xã hội, ứng dụng điện thoại thông minh. Nhận thức đầy đủ về những lợi ích cũng như tác hại do công nghệ, kỹ thuật cũng như không gian mạng mang lại sẽ giúp phụ nữ và trẻ em bảo vệ mình trước những thách thức về an ninh vô hình và phi truyền thống.
Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi nhấn mạnh, trên không gian mạng đang xuất hiện ngày càng nhiều hiểm họa nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái. Cứ mỗi giây trôi qua, có khoảng 45.000 người trở thành nạn nhân của tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó nạn nhân nữ chiếm tới trên 90%. Các hiểm họa có thể kể đến như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng; xâm phạm bí mật đời tư qua thiết bị IoT; mua bán người qua mạng...
Trong thời gian vừa qua, Bộ Công an đã tập trung vào một số giải pháp cho vấn đề này, bao gồm việc tham mưu xây dựng Luật An ninh mạng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các bộ ban ngành, địa phương triển khai quyết liệt 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trong Chương trình phòng chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; tuyên truyền sâu rộng đến nhóm đối tượng có nguy cơ cao, những nơi sử dụng nhiều lao động nữ...