Được rút một phần tiết kiệm trước hạn, ngân hàng và người dân cùng lợi
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo quy định cho phép người gửi tiền có thể được rút một phần tiết kiệm trước hạn. Điều này tạo thuận lợi cho ngân hàng và người gửi tiền, nhưng một vài yếu tố rủi ro cũng có thể xuất hiện.
Lợi cả đôi đường
Nội dung trên được đề cập trong dự thảo thông tư quy định về tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, dự kiến thay thế Thông tư 04/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc ban hành thông tư sửa đổi để có cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng áp dụng thống nhất quy định lãi suất đối với trường hợp rút tiền gửi trước hạn, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm huy động vốn ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay.
Một trong những điểm đáng chú ý của văn bản đang dự thảo là quy định cụ thể hơn về rút trước hạn tiền gửi, đó là khách hàng được rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước ngày đến hạn.
Đối với trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi, tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất tối đa bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi.
Trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi thì phần tiền gửi rút trước hạn áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó tại thời điểm khách hàng rút trước hạn phần tiền gửi. Đối với phần tiền gửi còn lại, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận mức lãi suất không vượt quá mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần. Mức lãi suất này được áp dụng cho toàn bộ kỳ hạn gửi tiền.
Đánh giá về tác động của quy định này, ông Lê Quang Trung - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng VIB cho rằng, theo quy định trên, khách hàng có thể chủ động hơn đối với khoản tiền gửi tiết kiệm dài hạn của mình. Trong khi đó đối với ngân hàng, việc này tạo điều kiện để ngân hàng phát triển các sản phẩm huy động vốn ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay.
Có thể có rủi ro
Quan sát một cách tổng thể, một số chuyên gia cho rằng, việc đưa ra quy định trên hoàn toàn phù hợp với bối cảnh thị trường tài chính và nền kinh tế hiện nay. Kênh huy động vốn của các ngân hàng hiện đang phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… Tuy nhiên, yêu cầu điều hành thị trường tiền tệ hiện nay là phải giảm lãi suất càng thấp càng tốt, để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Theo đó để giảm được lãi suất cho vay, ngân hàng phải giữ được lãi suất huy động thấp, ít nhất là không tăng.
TS. Châu Đình Linh - Giảng viên Học viện ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh không thể tăng lãi suất huy động, việc có được các công cụ linh hoạt hơn cho ngân hàng sẽ có ý nghĩa nhất định để tăng sức cạnh tranh thu hút vốn cho các ngân hàng.
Theo biểu lãi suất huy động tiết kiệm của các ngân hàng, những sản phẩm tiết kiệm có kỳ hạn càng dài thì lãi suất càng cao. Tuy nhiên, tâm lý chung của khách hàng thường không muốn để tiền vào những kỳ hạn quá dài, vì lo có thể giữa chừng cần một phần tiền vẫn phải rút toàn bộ sổ. Trong trường hợp này, khách hàng sẽ phải chấp nhận lãi suất không kỳ hạn cho toàn bộ sổ tiết kiệm đã gửi. Với quy định điều chỉnh như trong dự thảo, việc vẫn được nhận lãi suất tốt trong trường hợp rút một phần vốn trước hạn sẽ giúp người dân mạnh dạn gửi tiền ở các kỳ hạn dài hơn, điều này cũng giúp hệ thống ngân hàng tăng được nguồn tiền gửi dài hơn, nhờ đó tăng được sự chủ động hơn trong điều tiết cho vay.
Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề không phải không có. Bởi lẽ khi huy động được vốn kỳ hạn dài, ngân hàng có thể cũng sẽ “mạnh tay” hơn trong cho vay các khoản trung và dài hạn, dựa theo đánh giá về cân đối tỷ lệ nguồn vốn đầu vào – đầu ra. Ông Châu Đình Linh cho biết, nếu việc này xảy ra, rủi ro kỳ hạn có thể xuất hiện, bởi kỳ hạn dài từ vốn huy động tuy có thể tăng, nhưng khách hàng hoàn toàn có thể rút một phần tiền ra bất cứ lúc nào, nên phần vốn này tuy về danh nghĩa là dài hạn, nhưng vẫn có tính chất ngắn hạn. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, việc rút trước hạn không xảy ra thường xuyên mà chỉ là tình huống đột xuất, nên không ảnh hưởng nhiều đến sự ổn định của nguồn vốn huy động.
Quy định về hình thức các loại tiền gửi rút trước hạn
Theo dự thảo thông tư, các quy định về hình thức tiền gửi rút trước hạn như sau: Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn; Tiền gửi có kỳ hạn; Chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu của tổ chức tín dụng phát hành; Các hình thức nhận tiền gửi khác theo quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng.