Đuối nước trẻ em và những cảnh báo không bao giờ cũ

Nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước với trẻ em, học sinh luôn tăng cao mỗi dịp hè. Nguyên nhân dẫn đến đuối nước thì nhiều nhưng chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của người lớn. Phòng tránh như thế nào để không xảy ra chuyện đáng tiếc, đau lòng do đuối nước?

Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu oxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Một số trường hợp chết đuối mà trong phổi không có nước là do người không biết bơi bất ngờ bị chìm trong nước, nạn nhân hoảng sợ khiến các phản xạ bị rối loạn làm cơ thể bị chìm, phản xạ co cơ nắp thanh quản và đóng khí quản lại làm nạn nhân không thở được dẫn đến thiếu oxy não và bất tỉnh. Nắp thanh quản bị đóng nên nước cũng không vào phổi được và dẫn đến tử vong.

Dạy bơi và kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là giải pháp phòng, chống đuối nước hiệu quả. Ảnh: asc.edu.vn

Dạy bơi và kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là giải pháp phòng, chống đuối nước hiệu quả. Ảnh: asc.edu.vn

Mỗi dịp hè, nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước với trẻ em, học sinh lại tăng cao

Mới đây, dư luận bàng hoàng về vụ đuối nước thương tâm tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đã khiến 2 trẻ tử vong. Cụ thể, ngày 3/6, một gia đình 4 người (ở thành phố Cẩm Phả) đã thuê căn biệt thự tại một khu nghỉ dưỡng cao cấp thuộc địa bàn phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) để nghỉ ngơi. Biệt thự này có bể bơi bên trong khuôn viên (nơi sâu nhất là 1,4m).

Tại đây, do bất cẩn nên cháu B.N.P.C. (sinh năm 2020) và cháu B.N.C.A. (sinh năm 2017) bị rơi xuống bể bơi và bị đuối nước.

Ngay sau khi phát hiện, gia đình đã đưa 2 cháu đi cấp cứu. Tuy nhiên, cháu B.N.P.C. đã tử vong do bị tổn thương não không hồi phục, suy đa cơ quan, suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thận, suy gan, xuất huyết phổi, xuất huyết tiêu hóa, rối loạn đông máu, viêm phổi nặng do ngạt nước.

Cháu B.N.C. A. bị ngạt tuần hoàn, ngừng hô hấp sau đuối nước, dù được điều trị tích cực nhưng đã không qua khỏi 1 tuần sau đó.

Những vụ tai nạn thương tâm do đuối nước luôn để lại những bài học đau xót và gióng lên hồi chuông cảnh báo với gia đình, xã hội về tình trạng đuối nước ở trẻ em.

Tại Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân tử vong thứ 2 ở trẻ em nhóm 5-14 tuổi; trung bình mỗi ngày có 6 - 7 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước. Mỗi dịp hè, nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước với trẻ em, học sinh lại tăng cao.

Trong những năm gần đây, mặc dù các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội đã quan tâm tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng trẻ em đuối nước. Tuy nhiên thực tế là tai nạn đuối nước vẫn thường xuyên xảy ra.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của người lớn, phụ huynh khi chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc để trẻ tự do đi lại, chơi đùa mà không có người giám sát. Chỉ một vài phút không chú ý của người lớn là trẻ em có thể rơi xuống ao, hồ, sông, suối, giếng nước… có thể bị ngạt và chết đuối.

Để phòng tránh những tai nạn đau lòng như trên, không chỉ các cơ quan chức năng, nhà trường, mà cả gia đình, các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề hướng dẫn, trang bị cho trẻ những kỹ năng cơ bản để phòng tránh, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước.

Cách phòng tránh tai nạn đuối nước

Để phòng tai nạn đuối nước, cần lưu ý những việc sau đây:

Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên. không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm. Khi bơi phải có phao bơi an toàn. Chỉ cho trẻ bơi ở những khu vực có nhân viên cứu hộ, không để trẻ bơi một mình.

Không cho trẻ chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố. Tránh xa những nơi sông nước nguy hiểm như: ao, hồ, sông suối hoặc bể nước, cống rãnh, miệng giếng… không có nắp đậy; các hố ao sâu như hố vôi tôi, hố lấy đất làm gạch ngói, hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu…

Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.

Đối với những nhà có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào.

Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi). Các bậc cha mẹ cũng cần trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi cho các em nhỏ như: cần phải khởi động kỹ trước khi xuống nước, xử lý sao khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với từng lứa tuổi...

Bên cạnh đó, cần đảm bảo sức khỏe con em mình có đảm bảo để có thể tham gia hoạt động bơi lội. Nhiều bậc phụ huynh không biết rằng, không phải trẻ em nào cũng có thể học bơi. Ví dụ như những em nhỏ mắc các bệnh hen phế quản; bệnh đường hô hấp mạn tính: Viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn; viêm da dị ứng…không nên xuống nước vì có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn, dẫn tới những tai nạn không mong muốn khi bơi. Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi đi bơi phụ huynh cần lưu ý nên cho trẻ đi khám bác sỹ để quyết định trẻ có thể tham gia bơi lội hay không.

Cách sơ cứu người bị ngạt nước

Bước 1: Khi phát hiện thấy người bị ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao hoặc chèo thuyền vớt nạn nhân lên. Tuyệt đối không nên nhảy xuống nước cứu người khi không biết bơi.

Bước 2: Đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.

Bước 3: Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.

- Nếu lồng ngực không di động, tức là nạn nhân ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim nạn nhân còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không.

- Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim nạn nhân đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người, hoặc 30/2 nếu có 1 người. Sau đó vừa làm vừa đưa nạn nhân đi bệnh viện.

- Nếu nạn nhân còn tự thở, cho nạn nhân nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn (khó thở thứ phát) vài giờ sau ngạt nước.

Ngọc Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/duoi-nuoc-tre-em-va-nhung-canh-bao-khong-bao-gio-cu-179240614074148454.htm