Dưới tán cây nhãn tổ
Tản văn
Có người nói cây nhãn tổ ở sân chùa Hiến (phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên) đã có tuổi đời hơn 300 năm, có người lại bảo cây đã hơn 400 năm tuổi rồi. Sớm nay đến thăm cây, cội nhãn già vẫn bám vững chãi vào bầu đất tôn cao, tán cây phủ rộng, xanh tươi lá và thấp thoáng chùm quả ngọt, như khẳng định vị trí trong lòng Phố Hiến và lưu giữ hương vị trăm năm cho trái nhãn lồng tiến vua.
Mỗi mùa nhãn chín, khách thập phương hay những người dân trong tỉnh khi về Phố Hiến thưởng thức nhãn lồng đều không quên ghé thăm cây nhãn tổ. Cây tỏa bóng xuống sân chùa thanh tịnh, trong mùi hương trầm nhàn nhạt, lại được nghe những câu chuyện xưa, tích cũ. Chạm vào vỏ cây xù xì mà như thấy lịch sử ông cha hiện ra trước mắt, nhớ một thời còn hoang sơ khai khẩn đất đai.
Tương truyền, cách đây khoảng 300 năm có ông quan trấn thủ của Trấn Sơn Nam đã mang từ đâu cây nhãn về đất này trồng. Không biết do hợp đất hay đây là giống nhãn đặc biệt mà khi ra hoa, kết quả thì có hương vị thơm ngon đặc biệt, không giống nhãn nào bì kịp. Vì là nhãn quý nên đến mùa quả chín, người ta hái quả để lễ Phật và làm đặc sản để tiến vua. Cũng vì là nhãn quý nên đối với người dân trong làng ngày ấy, nhãn được chia theo suất đinh. Từ đó về sau, cứ vào tháng bảy (âm lịch) hàng năm, khi quả nhãn đã chín, các vị quan, dân địa phương cùng các bậc cao niên trong làng liền chọn các chàng trai trẻ khôi ngô, tuấn tú để trèo cây hái nhãn.
Quả của cây nhãn tổ có cùi dày, thơm, mọng và ngọt nhất trong vùng. Trong lịch sử rất nhiều người tới xin giống từ cây nhãn tổ này, bởi vậy có thể nói rằng đa số các cây nhãn lồng tại Hưng Yên hiện nay đều có một phần bộ gen từ cây nhãn tổ. Trước đây, thân cây nhãn tổ to lớn, ba người ôm không xuể. Do lâu năm, thân cây mục rỗng nên cách đây mấy chục năm, cây bị gãy mất một nửa. Cây nhãn chỉ còn lại một phần, phần thân cây này được nhà chùa và người dân chăm sóc đến nay, năm nào cũng vun thêm cho cây chút đất, cây lại khỏe mạnh xanh tươi, hiện diện như một biểu tượng của giống nhãn đặc sản Phố Hiến - Hưng Yên. Xưa kia, nhà bác học Lê Quý Đôn từng thưởng thức và đã miêu tả trong cuốn Phủ biên tạp lục năm 1776: “Mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”.
Ngày 10.10.1992, cây nhãn tổ được Hội làm vườn Việt Nam xác định trên 300 năm tuổi. Cây nhãn được vinh danh và bảo vệ nguồn gen gốc để bảo tồn và phát triển. Hình ảnh cây nhãn quý luôn được lưu giữ trong tâm trí và được truyền lại cho nhiều thế hệ người dân Phố Hiến, là niềm tự hào sản vật quê hương. Năm nay, cây nhãn không được sai trĩu quả như những mùa trước, nhưng vẫn lác đác thấy những chùm quả đã chín trên cành cao, gọi đàn chim nhỏ lích rích bay về trước sân chùa, len trong cơn gió đầu thu, có mùi hương thơm nhẹ nhàng mà dịu ngọt…
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-moi/202208/duoi-tan-cay-nhan-to-23351d1/